Quản lý

Nới đầu vào, siết đầu ra đào tạo lái xe ô tô

16/09/2023, 14:00

Việc đào tạo lái xe nên thay đổi theo hướng tập trung siết chặt khâu sát hạch, thay vì đặt nặng vấn đề quản lý khâu đào tạo như hiện nay.

Không cần học lý thuyết tập trung

Vừa học xong và có bằng lái ô tô hạng B2, song anh Trần Văn Quý (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa quên những ngày tháng phải cân đối thời gian làm việc ở cơ quan, đồng thời vẫn phải thu xếp học lý thuyết tập trung để thi bằng lái: "Từ lúc học đến khi thi sát hạch mất gần một năm. Mỗi tuần, tôi phải lên trung tâm học lý thuyết và bắt buộc điểm danh".

photo-1694744404497

Theo chuyên gia, sát hạch là bước kết thúc và đo lường kết quả của tiến trình đào tạo, do đó luôn phải có những nội dung đánh giá về nhận thức nguy cơ, lái xe an toàn. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, giáo viên dạy lái xe trên địa bàn huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, với chương trình đào tạo lái xe hiện nay, để hoàn thành phần học lý thuyết, học viên học lái xe hạng B2 trở lên phải học tập trung hàng chục buổi, trong khi những nội dung này hoàn toàn có thể giảng dạy qua mạng hoặc cho học viên tự học.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, với phần lý thuyết, học viên phải tập trung đến lớp, điểm danh với 8 giờ mỗi ngày và kéo dài trong 21 ngày khiến nhiều người có nhu cầu đành bỏ cuộc.

"Đa số người học trong độ tuổi lao động, quỹ thời gian rất eo hẹp nên việc học tập trung rất khó. Do đó, học viên có thể học trực tuyến tại nhà. Vấn đề ở đây là các trung tâm chỉ cần siết chặt đầu ra là khâu sát hạch", ông Quyền nói.

Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng phần học lý thuyết nên chuyển sang hình thức học trực tuyến: "Một số tiểu bang của Mỹ cho phép học viên tự học lý thuyết tại nhà. Sau khi đỗ phần thi lý thuyết thì học viên mới được thi thực hành. Phần thi lý thuyết và thực hành được giám sát rất chặt".

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, nhìn thấy rõ bất cập trên, tại dự thảo sửa đổi Thông tư 12/2017, Bộ GTVT đã đề xuất quy định theo hướng học viên có thể chọn hình thức học theo nhu cầu như tự học, học online, học từ xa, học có hướng dẫn của giáo viên trung tâm và sẽ tập trung quản lý khâu sát hạch.

Sẽ giám sát chặt đầu ra

Ngoài 90 giờ học lý thuyết, thời gian học thực hành lái xe ôtô cấp bằng B1, B2 quy định 84 giờ học thực hành và 8.100km lái xe trên đường.

Trong khi đó, một số ứng dụng công nghệ thông tin đã được áp dụng trong đào tạo lái xe như phần mềm mô phỏng, cabin điện tử, thiết bị giám sát quãng đường và thời gian học thực hành...

Với chương trình đào tạo như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa hợp lý vì tập trung nhiều vào khâu quản lý đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận, đào tạo lái xe tại Việt Nam chỉ cần quản lý chặt đầu ra là khâu thi sát hạch, chứ không cần giám sát quá trình học. Bởi tại các kỳ thi, nếu chất lượng học không bảo đảm, học viên sẽ không thể đạt kết quả tốt.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, qua tham khảo quy định học lái xe tại một số quốc gia phát triển cho thấy, cơ quan quản lý không can thiệp quá sâu vào hoạt động đào tạo như của ta.

Đơn cử như tại tiểu bang Massachusets (Hoa Kỳ), họ không bắt buộc học tại trường, có thể tự học luật tại nhà và nhờ bạn bè hướng dẫn thực hành lái xe rồi đi thi.

Hay tại Anh, người học thường tìm một người dạy lái xe chuyên nghiệp để có thể thoải mái, yên tâm học lái trong quãng thời gian tối thiểu 45 giờ.

Tuy vậy, các nước siết rất chặt đầu ra là khâu thi lấy giấy phép lái xe. Chẳng hạn như tại Đức, phần thi thực hành cũng khiến không ít học viên phải "sởn da gà" bởi độ phức tạp khi phải lái xe ngoài đường thực tế với rất nhiều tình huống phải xử lý nhanh và chính xác.

Ông Lương Duyên Thống cho hay, để tạo thuận lợi cho người học, ngoài đề xuất học viên học lái xe có thể học trực tuyến phần lý thuyết, tại lần sửa đổi Thông tư 12 này, nhiều nội dung đào tạo cũng được Bộ GTVT đề xuất tiết giảm.

Đơn cử, cắt giảm thời lượng môn học nghiệp vụ vận tải, bởi hiện có trên 80% số người học lái xe không có nhu cầu làm nghề kinh doanh vận tải nên bắt buộc họ học là không cần thiết.

Đối với môn cấu tạo và sửa chữa, ngày nay các dịch vụ ngày càng chuyên môn hóa cao, mục đích học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe.

Về thực hành lái xe, Cục Đường bộ VN đã xây dựng theo hướng người học được xét cấp chứng chỉ đào tạo thay cho việc phải thi để được cấp chứng chỉ nghề.

Với thực hành lái xe trong sân, người học cần đảm bảo thời gian học theo quy định (41 giờ đối với hạng B2) và 50% số km. Hiện nay, người học cần đủ thời gian và đủ 100% số km.

Với học lái xe trên đường, học viên cần đảm bảo đủ số km, tối thiểu 50% thời gian (quy định hiện nay đủ số km và 100% thời gian).

Ngoài cắt giảm chương trình đào tạo, Thông tư cũng bổ sung nhiều giải pháp để siết chặt quá trình sát hạch.

Trong sát hạch lý thuyết, bổ sung quy định cơ sở sát hạch phải cung cấp địa chỉ truy cập vào hệ thống để Cục Đường bộ VN, sở GTVT giám sát trực tiếp quá trình sát hạch và phục vụ công tác quản lý.

Theo ông Lương Duyên Thống, ngoài đề xuất học viên học lái xe có thể học trực tuyến phần lý thuyết, cắt giảm thời lượng môn học nghiệp vụ vận tải, dự thảo sửa đổi Thông tư 12 cũng giao Cục Đường bộ VN xây dựng hệ thống thông tin tiếp nhận, lưu trữ dữ liệu từ hệ thống camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, các bài sát hạch lái xe trong hình của các trung tâm sát hạch để phân tích, tự động phát hiện, cảnh báo trên hệ thống những trường hợp học viên, sát hạch viên trao đổi trong quá trình sát hạch để hỗ trợ Sở GTVT trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Các sở GTVT cũng được sử dụng dữ liệu thu nhận từ hệ thống camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, các bài sát hạch lái xe trong hình tại các trung tâm sát hạch của Cục Đường bộ VN để quản lý, giám sát.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.