Chuyện dọc đường

Nỗi lo... tòa địa phương

16/11/2018, 07:59

Trong những ngày này, theo dõi thời sự diễn biến các phiên tòa đang thu hút sự quan tâm của dư luận...

13

HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ điều hành phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ - Ảnh: TTXVN

Như phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc qua mạng nghìn tỷ tại Phú Thọ, ngay ở những thủ tục đầu tiên, chủ tọa phiên tòa đã đồng ý không công bố bản án trên Cổng Thông tin điện tử theo đề nghị của bị cáo Phan Văn Vĩnh. Vị chủ tọa này giải thích công khai: “Theo quy định, bị cáo được quyền từ chối vì lý do cá nhân. Chỉ cần một trong các bị cáo có đề nghị thì sẽ không đăng”.

Thông tin này lập tức bị Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình bác bỏ. Ông Bình khẳng định: “Việc bị cáo đề nghị là quyền của bị cáo, còn trách nhiệm của Tòa án là tuân thủ pháp luật không có ngoại lệ”.

Cũng lên tiếng về việc này, ĐBQH Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM cho biết, bản án sau khi có hiệu lực pháp luật mới được xem xét công bố trên Cổng Thông tin điện tử theo quy định. Ý kiến của bị cáo hội đồng xét xử sẽ ghi nhận. Nếu liên quan đến bí mật đời tư cá nhân thì mới không công bố, còn những nội dung về đường hướng xét xử, quan hệ tranh chấp thì vẫn đăng tải công khai theo quy định.

Một phiên tòa khác cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm là vụ xét xử tài xế xe container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc Thái Nguyên khiến 4 người thiệt mạng. Phần xét hỏi và tuyên bố các căn cứ để tuyên án được cộng đồng mạng tường thuật chi tiết khiến dư luận “nổi sóng”. Những nhận định khiên cưỡng, thiếu cơ sở khoa học của cả đại diện kiểm sát và chủ tọa phiên tòa là những giọt nước thêm vào chiếc ly tư pháp đã quá đầy sự bất lực.

Khi vụ án được chuyển lên cấp cao hơn, ngay lập tức, những người có trách nhiệm đã chỉ rõ những thiếu sót cần được bổ sung bằng giám định và các phân tích khoa học. Dự kiến, trong tuần này, sau khi tham vấn ý kiến chuyên gia, TAND Tối cao sẽ có quyết định.

Toà án là trung tâm của tư pháp, là nơi niềm tin công lý được xác lập, hiến pháp đã quy định rất rõ “chỉ bị coi là tội phạm khi có quyết định/bản án của Toà án”. Vì vậy, ngoài Toà án ra không có bất kỳ cơ quan chức năng nào có quyền buộc tội ai đó.

Thẩm phán là người cầm cân nảy mực, đại diện cho quyền lực Nhà nước, đại diện pháp luật để đưa ra phán quyết cuối cùng về sinh mạng pháp lý một con người, khi xét xử phải độc lập chỉ tuân theo pháp luật, không bị chi phối bởi bất kỳ ai.

Những quy định này là quyền năng pháp luật được trao cho thẩm phán nhưng đồng thời cũng yêu cầu rất cao về năng lực của thẩm phán trong hoạt động xét xử của mình.

Trong thời kỳ công nghệ đang phát triển từng ngày, thành quả hôm trước hôm sau đã bị bỏ lại vì sự lạc hậu cũng đòi hỏi thẩm phán ngày nay chịu áp lực rất lớn từ việc phải liên tục trau dồi kiến thức, tự hoàn thiện mình một cách toàn diện để đủ sức điều khiển phiên toà cho đầy đủ chính xác, kịp thời cho ra những quyết định thấu tình đạt lý dưới sự giám sát của truyền thông, mạng xã hội, của nhân dân.

Phải thực lòng ghi nhận sự chuyển biến rất mạnh mẽ của nghành Toà án trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, hàng ngày đọc thông tin trên báo và qua thực tế tham dự các phiên tòa, có thể thấy rõ ràng đang có sự bất cập rất lớn giữa năng lực của thẩm phán của các toà địa phương, đặc biệt ở các tỉnh không phải là các trung tâm kinh tế - xã hội lớn.

Đành rằng, ở những vùng điều kiện khó khăn, sự phát triển chưa đồng bộ nhưng nói vậy cũng chỉ là sự biện minh cho sự yếu kém về nghiệp vụ, bản lĩnh còn thiếu khi liên tục có những phiên toà bị phản đối, hàng loạt các sai phạm về trình tự tố tụng được chỉ ra. Mỗi năm có hàng trăm, hàng nghìn vụ bị kháng nghị giám đốc thẩm về tố tụng.

Liệu có phải là gánh nặng cho toà cấp trên, gánh nặng cho ngân sách/nhân dân và doanh nghiệp khi án xử rồi lại phải huỷ vì những lỗi tố tụng cơ bản. Niềm tin vào công lý, vào pháp luật sẽ bị bào mòn bởi chính những bản án trên trời tuyên xong không thực hiện nổi.

Đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét và thay đổi để làm sao nâng cao trình độ, kinh nghiệm của các toà án cấp địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.