Xã hội

Nơm nớp sống dưới chân ngọn núi "hễ mưa là sạt lở"

04/11/2023, 13:54

Gần 20 năm qua, hàng chục người dân tại xã Đắk Pek và thị trấn Đắk Glei (Đắk Glei, Kon Tum) vẫn sinh sống dưới một ngọn núi dốc đứng và đang sạt lở...

 Sống dưới chân ngọn núi... lở! - Ảnh 1.

Đứng từ ngọn núi phía sau khu dân cư 14B xã Đắk Pet. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, những ngày qua, khu vực Đắk Glei (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) hứng những trận mưa như trút nước.

Tại thôn 14B, xã Đắk Pek, nước từ trên ngọn núi cao phía sau hàng loạt căn nhà bắt đầu đổ xuống ngày một mạnh. Đất đá trên ngọn núi dựng đứng phía sau căn nhà của chị Nguyễn Thị Phú (41 tuổi, thôn 14B) lở một mảng nhỏ rồi đổ ụp xuống, rất may chưa ảnh hưởng đến tính mạng 5 thành viên trong gia đình.

Được biết, ngọn núi này dài hàng trăm mét, cao hơn nóc những nóc nhà cao nhất ở phố huyện này tới hàng chục mét. Nhiều năm gần đây, dãy núi bị vạt mất một phần để người dân làm nhà định cư và kinh doanh, chực đổ ụp xuống bất cứ lúc nào.

 Sống dưới chân ngọn núi... lở! - Ảnh 2.

Căn nhà của chị Nguyễn Thị Phú (41 tuổi, thôn 14B) lở một mảng rồi đổ ụp xuống.

Khi chúng tôi nhắc tới nguy cơ sạt lở, chị Phú chỉ cười trừ: "Sợ chứ! Năm 2019, khi cơn bão số 9 ập đến, nước từ trên ngọn núi đổ xuống ào ào. Mảng núi từ sau nhà đổ sập xuống, nước, đất đá tràn vào phòng ngủ và làm hỏng rất nhiều đồ đạc. May thay, hôm đó gia đình tôi đã dời đi nơi khác để lánh nạn. 

Sau sạt lở xảy ra, gia đình tôi mất mấy chục triệu đồng để thuê người san gạt, sửa chữa đồ đạc. Một bồn chứa nước 1.000lít và bộ khung bị chôn vùi trong đất đá, từ đó đến nay vẫn chưa được lấy ra".

Chị Phú cũng cho biết, từ năm 2009 đến nay, năm nào cũng xảy ra sạt lở mỗi khi mùa mưa đến. Và mỗi khi mưa, tất cả các gia đình bên cạnh chị không ai rủ ai đều tự động thu vén nhà cửa rồi đến nhà người quen tá túc vài ngày.

"Mấy năm gần đây, Tây Nguyên mưa nhiều, mưa lớn và nhiều vụ sạt lở xảy ra nên chúng tôi rất sợ", nói rồi chị Phú chỉ tay lên hướng ngọn đồi sau lưng nhà lo lắng nói: "Ngọn đồi mà đổ ụp xuống thì mấy chục căn nhà nằm sát cạnh chúng tôi chắc vùi hết trong đất đá".

 Sống dưới chân ngọn núi... lở! - Ảnh 3.

Những trận mưa cuối tháng 10 khiến sạt lở tiếp diễn, hàng ngàn mét khối đất đá chực chờ lao xuống khu dân cư. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên.

Rời nhà chị Phú, chúng tôi đến căn nhà anh Bùi Dương Hồ (50 tuổi, trú tại thôn 14B, xã Đắk Pek). Một phần tường căn nhà của anh Hồ là vách ngọn núi. 

Dẫn chúng tôi leo lên vách núi, anh Hồ cho biết, người dân đã chủ động phòng tránh sạt lở bằng cách đào một mương nước nhỏ dài hàng chục mét ở phía trên để không cho nước đổ xuống căn nhà của anh.

Chỉ tay vào một vết sạt lở trên mỏm đất đang nguy cơ sạt xuống phía căn nhà của gia đình, anh Hồ cho biết, đó là vệt sạt gần đây nhất do những trận mưa gây ra. 

"Mưa lớn là nước chảy cuốn đất đá trên ngọn đồi xuống. Mưa lớn, sạt lở lớn, mưa nhỏ thì sạt nhỏ. Cứ mưa là sạt. Muốn ngăn sạt lở chỉ có cách là hốt ngọn đồi đó bỏ đi nơi khác thôi", anh Hồ nói và cho biết thêm, ở nơi này ai cũng rất lo sợ về ngọn núi sau lưng.

 Sống dưới chân ngọn núi... lở! - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Khắc Tụ, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Pek cho biết: Hiện nay, toàn xã có 35 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở; trong đó, ở thôn 14B dọc đường Hồ Chí Minh có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nhất, bởi những quả đồi phía sau khu dân cư. Địa phương đã kiến nghị lên huyện tìm phương án khắc phục để đảm bảo an toàn cho người dân.

Trao đổi với phóng viên, bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết, địa phương có địa hình vô cùng hiểm trở. Những hộ sinh sống dọc đường Hồ Chí Minh, một bên là núi, một bên là vực sâu nên mỗi khi mưa lớn người dân luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Trong khi đó, đa số người dân dọc thôn 14B xã Đắk Pek đã ở lâu, ổn định và xây dựng nhà ở kiên cố. Tổ chức di dời là điều rất khó vì không có kinh phí đền bù hỗ trợ. Chính vì vậy, địa phương đã báo cáo lên UBND tỉnh để có biện pháp xử lý.

Bà Y Thanh cũng cho biết, việc người dân đề xuất đưa máy móc san ngọn núi phía sau nhà ở khu vực thôn 14B và xã Đắk Pek là rất khó. Cả khu đồi phía sau khu dân cư là rừng quản lý bởi nhà nước giao khoán cho các hộ dân. Muốn xử lý phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho chủ trương và phải đưa ra khỏi quy hoạch rừng.

"Trước mắt, để đảm bảo an toàn, mỗi khi mưa bão, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương sẽ đến từng nhà vận động, di dời người dân đến nơi an toàn. Huyện sẽ cố gắng đề nghị cấp tỉnh có phương án để đảm bảo an toàn cho người dân", bà Y Thanh cho hay.

Video hiện trường khu dân cư nằm cạnh ngọn núi đang sạt lở. Thực hiện: Tạ Vĩnh Yên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.