Giáo dục

Nuôi 6 con vào ĐH Harvard, Yale, bà mẹ tiết lộ 3 điều chú ý khi dạy con ở tiểu học

17/10/2022, 01:00

Những kinh nghiệm dạy con của bà mẹ này được các bậc phụ huynh trên khắp thế giới tin tưởng và áp dụng.

Hesung Chun Koh là bà mẹ Hàn Quốc rất nổi tiếng, bởi bà đã nuôi dạy 6 người con của mình đậu vào các ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới như Đại học Harvard, Yale.

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Hesung Chun Koh phủ nhận con mình có trí thông minh bẩm sinh. Thậm chí bà còn kể rằng, con gái lớn của mình có lần không theo kịp bài vở trên trường, còn bị giáo viên mời phụ huynh tới. Sau đó, bà đã theo sát sao, kịp thời hướng dẫn để con gái vượt qua khó khăn, cuối cùng trở thành một sinh viên Harvard.

img

Khi được hỏi về phương pháp giáo dục đặc biệt nào giúp 6 người con thành tài, bà Hesung Chun Koh vui vẻ trả lời rằng: “Thực ra đứa trẻ nào cũng có thể trở nên giỏi giang trong học tập nếu biết áp dụng đúng phương pháp. Đặc biệt ở bậc tiểu học, nếu cha mẹ giúp con đặt nền móng vững chắc, tương lai sau này sẽ có nhiều triển vọng”.

Giai đoạn học tiểu học quan trọng như thế nào đối với một đứa trẻ?

Tại sao bà Hesung Chun Koh lại đặc biệt nhấn mạnh tới giai đoạn tiểu học? Điều này có thể liên quan tới sự phát triển trí não của một đứa trẻ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời điểm trẻ 9 tuổi là lúc não bộ của trẻ phát triển nhanh chóng. Lúc này, trẻ sẽ biết đánh giá mọi thứ xung quanh mình, sau đó phản ứng lại theo sở thích của bản thân. Phản ứng này sẽ trở thành khuôn mẫu hành vi trong tương lai của trẻ.

img

Ví dụ, nếu một đứa trẻ nghĩ việc học khó khăn, nhàm chán, chúng sẽ vô thức nảy sinh tâm lý chán ghét và có hành động né tránh, trì hoãn khi học bài. Ngược lại, nếu trẻ nghĩ việc học thú vị và có giá trị, chúng sẽ chủ động học mà không đợi cha mẹ thúc giục.

Trẻ em sẽ hình thành một khuôn mẫu hành vi như vậy ở trường tiểu học, về cơ bản rất khó thay đổi sau khi vào trung học cơ sở.

Vì vậy, muốn con học chủ động và tự giác, cha mẹ phải giúp con nắm bắt được giai đoạn quan trọng của bậc tiểu học.

Những điều cần chú ý khi nuôi dạy con ở bậc tiểu học

Phải làm gì khi trẻ không thích làm bài tập về nhà? Có lẽ đây là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh trăn trở nhất. Trên thực tế cho thấy, khi trẻ chống đối lại việc học, phần lớn nguyên nhân là do chúng không biết cách vượt qua khó khăn.

Người lớn xem việc học của trẻ là điều rất dễ dàng nhưng trẻ nhỏ lại xem điều đó rất khó khăn, nhàm chán, khổ cực. Chính vì thế mà không phải đứa trẻ nào cũng sẵn sàng và vui thích với việc học.

Việc học khó hay dễ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng học tập của trẻ. Vì thế, cha mẹ cần chú ý trau dồi khả năng học tập của trẻ ở giai đoạn tiểu học, đặc biệt ở cách khía cạnh dưới đây:

img

1. Sự tập trung

Kiến thức ở lớp 1, lớp 2 còn khá đơn giản nhưng kể từ lớp 3, độ khó sẽ tăng dần, lúc này sự tập trung ở mỗi đứa trẻ sẽ có sự phân biệt rõ ràng. Những đứa trẻ không tập trung học hành và suy nghĩ trong lớp sẽ bị chênh lệch điểm số rất lớn.

Để rèn luyện khả năng tập trung của trẻ, khi trẻ đang chú tâm làm việc gì đó, cha mẹ không nên quấy rầy.

Một khi sự tập trung của trẻ bị gián đoạn, trẻ sẽ mất nhiều thời gian để tập trung trở lại và khó rèn luyện điều này trở thành thói quen.

Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng trẻ chơi một số trò chơi mang tính giáo dục như xếp hình, chơi rubik, nó cũng có thể giúp trẻ trau dồi khả năng tập trung.

2. Kỹ năng tư duy logic

Tư duy logic là cơ sở để hiểu toán học và hóa lý sau này, trẻ phải thành thạo khả năng này.

Cha mẹ có thể mua một số sách câu đố về suy luận và phán đoán dành cho trẻ em. Một số trẻ em thích xem truyện trinh thám, điều này có thể rèn luyện khả năng tư duy logic của mình.

Cho phép trẻ đặt câu hỏi, khuyến khích trẻ tự suy nghĩ tìm câu trả lời.

3. Đọc sách

Đọc sách mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em.

Đọc sách không chỉ có thể mở ra cánh cửa nhận thức về thế giới của trẻ, mà còn thỏa mãn trí tò mò của trẻ. Khi trẻ đắm chìm trong sách, sự tập trung sẽ tự nhiên được trau dồi.

Nếu trẻ hình thành thói quen đọc sách tốt ngay từ khi còn nhỏ, chúng sẽ có niềm đam mê và hứng thú học tập hơn.

Khi một đứa trẻ hiểu biết nhiều hơn, chúng sẽ có cảm giác đạt được thành tích so với các bạn cùng lứa tuổi. Ý thức về thành tích này sẽ thúc đẩy trẻ đọc và học tập tích cực.

Tóm lại, nếu cha mẹ trau dồi được những mặt trên, khả năng học tập của trẻ sẽ được cải thiện rất nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.