Thế giới giao thông

Ô tô cũ ồ ạt vào nước nghèo, tăng nguy cơ ô nhiễm

02/07/2023, 08:00

Khi các nước phát triển đẩy mạnh chuyển đổi sang xe điện, xe cũ, ô nhiễm môi trường lại dần bị thải về các nước nghèo, chủ yếu ở Tây Phi.

Tràn ngập xe cũ, xe tai nạn

Tại một trong những bãi đỗ ô tô lớn nhất TP cảng Cotono (Benin, khu vực Tây Phi), anh Rokeeb Yaya, một khách hàng săn xe cũ đang chọn tới lui và trả giá chiếc ô tô màu đỏ thẫm. Đây là một trong hàng trăm chiếc ô tô đỗ thành hàng dài dọc bãi ô tô mang tên Fifa Park.

Yaya đang để ý tới chiếc Ford Escape sản xuất tại Mỹ năm 2008 được bán với giá khoảng 4.000 USD. Vì chỉ mong muốn “lên đời” từ xe máy, Yaya cảm thấy giá chiếc ô tô này là hợp lý. Với anh, giá cả là điều quan trọng nhất còn lịch sử an toàn của xe thì… không quan tâm.

img

Bãi ô tô Fifa Park ở Cotonou, Benin

Theo CNN, khi kiểm tra lại lịch sử xe, có thể thấy chiếc Ford đã vận hành 14 năm, qua 3 đời chủ, đi hơn 405.000km, từng 1 lần phải triệu hồi vì lỗi hệ thống trợ lực lái. Chiếc xe này được xuất khẩu từ Mỹ sang Benin vào năm ngoái.

Chiếc SUV 14 năm tuổi là một trong hàng triệu ô tô đã qua sử dụng từ các quốc gia giàu có như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu và Mỹ “thải” sang Tây Phi. Trong đó, đa phần ô tô được đưa tới Benin, một trong những nơi nhập khẩu xe cũ hàng đầu châu Phi.

Dự kiến, trong tương lai, dòng phương tiện cũ tới các cảng Tây Phi sẽ tăng cao do xu hướng chuyển đổi sang xe điện của phương Tây. Các quốc gia này đang đặt mục tiêu táo bạo để chuyển hướng người dùng sang các phương tiện điện nhằm cắt giảm khí thải nhà kính.

Những phương tiện chạy bằng xăng/dầu, thay vì “bán sắt vụn”, sẽ được chuyển tới các nước đang phát triển như Benin. Đây là nơi dân số đang phát triển, nhu cầu sử dụng xe cũ cao.

Trong khi đó, thị trường phương tiện hạng nhẹ đã qua sử dụng trên toàn cầu đã tăng gần 20% trong giai đoạn 2015 - 2019 với hơn 4,8 triệu phương tiện xuất khẩu.

Năm 2020, mức xuất khẩu đã giảm nhẹ khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng xu hướng này đang tăng trở lại rất nhanh.

Nhìn lỗi xe cũ biết nguồn gốc

Theo dữ liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Mỹ xuất khẩu khoảng 18% xe cũ trên thế giới. Những chiếc xe này được bán ra toàn cầu bao gồm khu vực Trung Đông, Trung Mỹ, Tây Phi và phần nhiều là tới Nigeria, Benin, Ghana. Nhiều xe đã độ lại, sử dụng phụ tùng của những chiếc xe bị tai nạn, thủy kích do ngập lụt hoặc quá cũ.

Tại nhiều nước châu Phi như Kenya, Nigeria, hơn 90% ô tô, xe tải là xe qua sử dụng nhập từ các nước trên thế giới. Riêng tại Kenya, gần đây, số lượng ô tô tăng gấp đôi so với 8 năm trước. Đường phố thông thoáng xưa kia giờ thường xuyên ùn tắc.

img

Một chiếc xe cũ, đã gặp tai nạn cũng được nhập về, sửa lại rồi đem bán

Ông Etop Ipke, Giám đốc điều hành chợ ô tô trực tuyến Autochek Africa cho hay: “Dân số trẻ tại khu vực Tây Phi ngày càng có điều kiện nên xu hướng mua ô tô nhiều hơn. Song, điều đầu tiên họ quan tâm khi mua xe đó là giá cả”.

Nếu như ở Mỹ hay nhiều nước khác, người dùng thường có thể tiếp cận tín dụng để mua xe thì ở khu vực này lại rất khó, chi phí mua xe mới thường vượt ngoài tầm với. Đó là lý do cơ bản tại sao họ không thể mua được những chiếc ô tô đời cao hơn.

Nhà môi giới ô tô Abdul Koura cho biết, nhiều đại lý nhập khẩu ô tô thường thích ô tô Mỹ và Canada. Họ hay mua xe từng gặp tai nạn, sửa lại và bán để kiếm lời.

Còn theo nhân viên môi giới ô tô người Nigeria - Victor Ojoh, với những người lành nghề chỉ cần nhìn lỗi của phương tiện là biết nguồn gốc. Chẳng hạn ô tô có nhiều khói thường là từ Mỹ. Ô tô từ Canada thường là ô tô gặp ngập lụt dẫn đến các lỗi về điện.

Bên cạnh đó, rất nhiều ô tô bị mất bộ chuyển đổi xúc tác, thiết bị kiểm soát khí thải. Giải thích về sự việc này, ông Ojo cho hay, bộ chuyển đổi xúc tác thường có nhiều kim loại giá trị như platinum và có thể bán ra chợ đen với giá lên tới 100 USD. Do đó, nhiều xe khi được nhập khẩu về đã bị mất bộ chuyển đổi xúc tác từ trước hoặc chính người bán tháo ra để bán riêng.

Chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác

img

Nhiều chiếc xe có tuổi đời từ 10-20 năm

Theo giới chuyên gia, xu hướng chuyển dịch ô tô cũ như vậy có thể đẩy vấn đề môi trường và khí hậu tới những nước vốn dễ tổn thương vì khủng hoảng khí hậu nhất, ảnh hưởng tới những nỗ lực để cắt giảm ô nhiễm. Đây là nguyên nhân chính khiến trái đất nóng lên.

UNEP cho biết, có hàng triệu ô tô được vận chuyển từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tới châu Phi và châu Á rất ô nhiễm và không an toàn. Vì bị mất một số bộ phận hoặc bị lỗi nên xe thường phát thải nhiều gây ô nhiễm, cản trở những nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Chưa kể, các quy định nhằm giảm ô nhiễm và tăng an toàn đối với ô tô nhập khẩu vào Tây Phi thường khá yếu. Thời gian gần đây mới có một số nỗ lực để siết chặt.

Năm 2020, Benin và 14 thành viên khác của Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi đã đồng ý một bộ quy định về khí thải phương tiện trong khu vực bao gồm giới hạn tuổi của phương tiện cũ là 10 năm. Nhưng chưa rõ các quy định này được thực thi nghiêm ngặt như thế nào.

Nhiều quan chức UNEP đã trao đổi với giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu về việc xây dựng các quy định ngăn chặn hoạt động vận tải ô tô rác, ô tô quá cũ tới các nước đang phát triển. Một số cuộc thảo luận mới ở giai đoạn đầu và chưa có kết quả.

Song, UNEP cho rằng, tình trạng buôn bán ô tô quá cũ về lâu dài sẽ gây ra vấn đề với toàn cầu. Bởi ngày nay, khí thải diễn ra ở đâu không quan trọng. Dù khí thải ở thủ đô Washington hay ở Lagos cũng đều tác động xấu tới trái đất và sâu xa sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu.

Xu hướng xe cũ ồ ạt chuyển tới các nước nghèo hoặc đang phát triển như ở khu vực Tây Phi sẽ tăng cao khi quá trình chuyển đổi sang xe điện ở các nước phát triển đẩy nhanh. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ước tính trong năm nay, trên toàn cầu, cứ 5 phương tiện mới bán ra thì có 1 phương tiện là xe điện, tăng cao so với tỉ lệ 5% trong năm 2020. Trong đó, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đang dẫn đầu thị trường xe điện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.