360 độ thể thao

Olympic Paris 2024: Mục tiêu giành 15 vé của Việt Nam có xa tầm với?

05/04/2024, 07:19

Olympic Paris 2024 đã đến gần nhưng thể thao Việt Nam mới có 6 VĐV giành vé tham dự. Việc Việt Nam có hoàn thành mục tiêu 12 - 15 suất tranh tài tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh hay không vẫn đang là dấu hỏi.

Rất khó lấy vé Olympic

Theo lịch, Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/7 - 11/8. Tuy nhiên, tới thời điểm này, thể thao Việt Nam mới có 5 VĐV giành vé dự kỳ thế vận hội tại Pháp. Số này gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Võ Thị Kim Ánh (boxing), Trịnh Văn Vinh (cử tạ).

Olympic Paris 2024: Mục tiêu giành 15 vé của Việt Nam có xa tầm với?- Ảnh 1.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, một trong năm VĐV Việt Nam đã có vé dự Olympic Paris 2024.

Những con số trên khiến giới mộ điệu không khỏi băn khoăn bởi kỳ Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam giành tới 18 suất tranh tài. So với mục tiêu lấy từ 12 - 15 vé đến Paris, ngành thể thao rõ ràng còn nhiều việc phải làm.

Đáng nói hơn, tính đến nay, ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã có tới 23 vé tới Paris. Singapore cũng đã có 9 vé, Indonesia 7 vé. Thực trạng này là nghịch lý bởi thể thao Việt Nam đã thống trị gần như tuyệt đối ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore.

Theo ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, vòng loại lấy vé Olympic còn diễn ra tới hết tháng 6, các đội tuyển trọng điểm vẫn nỗ lực và quyết tâm. "Ngành thể thao tin tưởng các VĐV Việt Nam sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra", ông Việt nói.

Dù vậy, nhà báo Nguyễn Lưu nhìn nhận, sẽ không dễ để thể thao Việt Nam lấy trên 10 suất Olympic. "Nhìn mặt bằng chung mà nhất là thành tích ở ASIAD 18, thể thao Việt Nam khi bước ra sân chơi lớn còn gặp nhiều khó khăn", ông Lưu nhận xét.

Vẫn còn nhiều môn có thể lấy thêm vé

Trong khi đó, chuyên gia Đặng Việt Cường cho rằng, mục tiêu 12 - 15 vé dự Olympic vẫn nằm trong tầm tay thể thao Việt Nam, nhưng việc hạ chỉ tiêu so với 18 vé của kỳ thế vận hội trước là điều đáng bàn."Hiện chúng ta vẫn còn nhiều môn có thể lấy thêm vé Olympic như bắn súng, cầu lông, cử tạ… nhưng xét một cách tổng thể, thể thao Việt Nam đang tụt lùi tại sân chơi này.

Điều này cũng không quá khó lý giải bởi giữa bối cảnh thể thao thế giới ngày một tiến lên thì chúng ta lại giậm chân tại chỗ. Bên cạnh đó, việc nâng chuẩn Olympic ở nhiều môn, nhiều môn đòi hỏi phải tích lũy điểm số ở nhiều giải đấu khác nhau mà nguồn lực của chúng ta không thể tham dự cũng khiến vé Olympic xa tầm với", ông Cường nói.

Bên cạnh số lượng, theo ông Cường, khả năng tranh chấp huy chương của thể thao Việt Nam tại Olympic 2024 là rất nhỏ: "Tôi chưa nhìn thấy môn nào có cửa giành huy chương. Bắn súng là môn được kỳ vọng nhưng so 2 VĐV đã có vé là Thu Vinh và Mộng Tuyền với top đầu thế giới thì còn khoảng cách rất xa, VĐV Việt Nam gần như không thể cạnh tranh".

Cần đầu tư trọng điểm

Thực tế, đây là bài toán không mới bởi tại Olympic 2020, thể thao Việt Nam đã trắng tay. Chuyên gia Đặng Việt Cường nhận định, bên cạnh nguồn lực đầu tư hạn chế, cách nghĩ, cách làm của thể thao Việt Nam vẫn chưa ổn.

"Hiện nay, tuy nói là đầu tư trọng điểm hướng tới ASIAD, Olympic nhưng cách làm thì vẫn mang nặng đặc tính của SEA Games với chu kỳ 2 năm 1 lần trong khi Olympic, ASIAD có chu kỳ 4 năm. Vì chú trọng SEA Games nên việc đầu tư bị dàn trải cho quá nhiều môn cùng số lượng lớn VĐV», ông Cường nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Nguyễn Lưu đánh giá, thể thao Việt Nam vẫn đang dồn nhiều nguồn lực cho đấu trường SEA Games, dù các nước trong khu vực đã dịch chuyển từ lâu."Việc này ai cũng biết rồi nhưng khổ lắm vẫn phải nói mãi", ông Lưu chia sẻ.

Về mặt giải pháp, cả chuyên gia Đặng Việt Cường và nhà báo Nguyễn Lưu đều có chung nhận định, không cách nào khác, phải thay đổi tư duy, đầu tư một cách thực chất, hướng tới mục tiêu rõ ràng.

"Đầu tư trọng điểm kém thì phải tính toán lại, cần có các môn, các VĐV trọng điểm của trọng điểm. Ví dụ như nội dung súng ngắn môn bắn súng hay hạng cân nhẹ của cử tạ rất có tiềm năng trở thành mũi nhọn, có khả năng tranh chấp tầm thế giới, cần đầu tư quyết liệt, tập trung tối đa. Chỉ có làm như vậy chúng ta mới mong giành được huy chương Olympic, bằng không sẽ còn trắng tay ở sân chơi này", ông Cường góp ý.

Những VĐV Việt Nam ở gần vé dự Olympic

Tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh được đánh giá chắc suất khi đang đứng thứ 22 đơn nữ thế giới và thứ 16 trên bảng thứ bậc vòng loại Olympic 2024. Bên cạnh đó, VĐV Lê Đức Phát ở môn này cũng có tiềm năng vào Top 38, tương đương suất dự Olympic (ngoài các suất trong Top 34, Liên đoàn Cầu lông thế giới sẽ có thêm 4 suất đặc cách cho các tay vợt).

Ở môn cử tạ, mỗi hạng cân sẽ lấy 10 VĐV dẫn đầu trên bảng thế giới. Ngoài Trịnh Văn Vinh đã lấy vé, kỳ vọng còn đặt vào Quàng Thị Tâm (hạng 59kg nữ) hiện đứng thứ 15 trên bảng thế giới, Phạm Thị Hồng Thanh (hạng 71kg nữ) đang đứng thứ 12 thế giới.

Niềm hy vọng cũng được đặt lên đội tuyển bắn súng Việt Nam. Đáng chú ý nhất là nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy cùng đồng đội Lại Công Minh ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, Hà Minh Thành - 25m súng ngắn bắn nhanh và Phí Thanh Thảo - 10m và 50m súng trường.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.