Xã hội

“Ông Phú Đồ Sơn”, người hùng chống tham nhũng giờ ra sao?

26/02/2022, 07:47

"Ông đồ Phú Sơn" là cái tên được cả nước biết đến sau khi vụ tiêu cực đất đai tai tiếng của các quan chức thị xã Đồ Sơn được đưa ra ánh sáng.

Giờ đây, ở tuổi 87, ông Đinh Đình Phú vẫn thường xuyên viết thư, hiến kế với Trung ương về các giải pháp đấu tranh diệt tham nhũng.

img

Ông Đinh Đình Phú trong vòng tay người dân năm 2005 khi cuộc chiến chống tham nhũng thắng lợi

Bản lĩnh người sỹ quan an ninh

Những ngày đầu năm 2022, tìm về quận Đồ Sơn hỏi “ông Phú Đồ Sơn”, ông Phú “Ngà” hay ông Phú “chọi trâu”, rất nhiều người biết, chỉ rành rẽ đường đi cho chúng tôi.

Ngôi nhà của ông Phú nằm ngay sát một ngôi đền thiêng cạnh suối Rồng nổi tiếng ở đất Đồ Sơn. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông quắc thước, giọng nói sang sảng.

Nếu không nhìn vào những bằng khen, lý lịch ghi rõ năm sinh, khó có thể nghĩ ông Đinh Đình Phú năm nay đã 87 tuổi.

“Tôi mười lăm tuổi đã làm liên lạc cho Việt Minh chống Pháp. 19 tuổi tòng quân làm người lính Cụ Hồ, trở thành chiến sỹ công an rồi tham gia bộ đội chiến đấu khắp các chiến trường, sau đó lại về ngành công an. Cuộc đời trải qua bao nhiêu khó khăn, bom rơi đạn lạc, trưởng thành qua năm tháng, qua mỗi bước đường, nhưng luôn kiên trung với Đảng”, ông Phú khẳng khái.

Năm 1973, sau 7 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông Phú trở về quê hương Hải Phòng, công tác tại đơn vị bảo vệ an ninh chính trị thuộc Công an Hải Phòng.

Năm 1993, sau nhiều năm giữ chức vụ trưởng một phòng an ninh thuộc Công an Hải Phòng, ông Phú nhận quyết định nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Trở về quê hương Đồ Sơn, vị cựu trưởng phòng chỉ vui đọc sách, làm thơ. Quê hương Đồ Sơn của ông từ lâu có lễ hội chọi trâu nổi tiếng nhưng bị thất truyền. Ông Phú khi đó cùng những người dân Đồ Sơn hào hứng góp phần khôi phục lễ hội chọi trâu.

Hàng ngày, ông trở thành “lão mục đồng” sáng dắt trâu đi, chiều dắt trâu về, huấn luyện chúng trở thành những “ông trâu” phục vụ lễ hội. Năm 2014, ông Phú được tôn vinh là Nghệ nhân dân gian vì có nhiều trâu đoạt giải lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Cuộc chiến cân não chống “quan tham”

Những tưởng cuộc sống của ông Đinh Đình Phú cứ thế êm đềm trôi qua khi con cái đều ổn định, người làm công an, người là cán bộ, còn ông vui với thú “làm lão mục đồng”.

Tuy nhiên, những biến cố nơi quê hương ông sinh sống khiến ông không thể ngồi yên và phanh phui vụ đất đai Đồ Sơn nổi tiếng một thời.

20 năm trước, cụm từ “đấu tranh chống tham nhũng” vẫn còn khá xa lạ với số đông cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhưng ông Phú vẫn quyết tâm tìm ra sự thật, phanh phui vụ đất đai Đồ Sơn nổi tiếng, khiến hàng loạt cán bộ đương chức lúc đó vào tù.

Nói về nguyên nhân của hành động đó, ông Phú chia sẻ: “Vì những điều chướng tai gai mắt cứ hiển hiện ra trước mắt tôi”.

Tháng 3/2003, Thị ủy Đồ Sơn họp, ra nghị quyết về việc giao đất ở và đất tái định cư cho các hộ dân phải di dời giải tỏa trong dự án đường 353, trong đó đặt ra việc dành 25% quỹ đất để bố trí cho cán bộ lãnh đạo thị xã và 10% dành cho đối ngoại.

Chủ trương này khiến người dân mất đất nhưng không được đền bù hoặc đền bù thiếu. Trong khi đó, nhiều cán bộ lại nghiễm nhiên được chia phần gây nên làn sóng phẫn nộ trong nhân dân.

Ngày 10/3/2004, ông Đinh Đình Phú gửi lá đơn đầu tiên lên TP Hải Phòng đấu tranh việc này.

Từ một cán bộ về hưu, khi dấn thân vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, ông Phú trở thành tâm điểm của sự trù dập bởi những người ông tố cáo đều có chức vụ, quyền lực tại địa phương.

Đủ các “bài” được nhóm cán bộ thoái hóa, biến chất bày ra. Bốn lần ông Phú bị đưa ra kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng, cả 4 lần ông khiếu nại oan sai từ cấp cơ sở đến ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Con cái ông khi đó có 2 người làm trong lực lượng công an, 1 người con rể làm ở quận Đồ Sơn, rồi anh em ruột, thông gia đều bị gây áp lực “về vận động ông Phú đừng kiện nữa”.

Thị ủy Đồ Sơn khi đó còn tổ chức cả những cuộc họp mang tính chất “đấu tố” để những người của họ mang danh lão thành cách mạng, tổ chức quần chúng đứng ra “vạch tội” ông Phú.

Vợ ông Phú lúc đó ốm nằm liệt giường nhưng thường xuyên có những nhóm “dân xã hội” đến lảng vảng trước nhà nhòm ngó, chửi bới gây áp lực.

“Nhiều đối sách tôi học được trong quá trình làm công tác trong lĩnh vực bảo vệ chính trị được áp dụng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trong cuộc chiến đó, tôi thận trọng từng bước đi, tranh thủ sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, huy động mặt trận báo chí vào cuộc tạo thành những mũi giáp công”, ông Phú chia sẻ.

Sau 3 năm đấu tranh, có những lúc ông Phú cùng người dân Đồ Sơn gặp khó vô cùng. Lúc thì rộ tin ông Phú sắp bị khai trừ Đảng, khi lại có tin ông Phú sắp bị bắt giam… Tuy nhiên, bản lĩnh, sự kiên định đã giúp ông chiến thắng.

Cuối đời làm thơ, viết sách

img

Ông Đinh Đình Phú với cuốn sách kể về cuộc chiến chống "quan tham"

Ở giai đoạn căng thẳng nhất của “cuộc chiến” chống tham nhũng, CLB cán bộ hưu trí Đồ Sơn nơi ông sinh hoạt, đứng ra bảo vệ ông đã bị thẳng thừng giải tán.

Sau cuộc chiến ấy, CLB được khôi phục, quy tụ gần 200 cán bộ, đảng viên hưu trí. Mọi người đã đồng lòng bầu ông Phú làm Chủ tịch suốt nhiều năm.

Giới thiệu với tôi cuốn sách hồi ký mang tên “Chiến công thầm lặng”, xuất bản năm 2016, ông Phú chia sẻ: “Cuốn sách này là hồi ký cuộc đời tôi, trong đó ghi lại từng mốc thời gian, sự chiêm nghiệm về những bài học trong cuộc chiến chống tham nhũng”.

Giờ đây, dù đã ở tuổi 87, song dường như ngọn lửa chống tham nhũng vẫn hừng hực cháy trong ông. “Tôi vẫn thường xuyên viết thư, hiến kế với các đồng chí lãnh đạo Trung ương về các giải pháp đấu tranh diệt tham nhũng”, ông Phú cho biết.

Chỉ vào những tấm ảnh lưu niệm đặt trên giá sách, ông Phú tự hào: “Có những đồng chí về nhà tôi trò chuyện đến quên cả ăn cơm trưa. Tôi mừng lắm vì các đồng chí ấy bận rộn lắm nhưng vẫn hào hứng nghe “ông già” này nói chuyện, đến mức thư ký phải mang bánh vào để vừa nghe vừa ăn. Tôi nghĩ cuộc đấu tranh với tham nhũng chính là diệt “giặc nội xâm”, do đó nên dùng từ “diệt tham nhũng” thay vì “chống tham nhũng” như hiện nay”.

Diễn tiến vụ chia chác đất công ở Đồ Sơn

Sau khi ông Đinh Đình Phú gửi đơn tố cáo vụ chia chác đất đai Đồ Sơn, đến ngày 11/8/2005, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố các bị can Vũ Đức Vận (nguyên Bí thư Thị ủy Đồ Sơn), Hoàng Anh Hùng (nguyên Chủ tịch UBND thị xã) và Lưu Kim Thái (nguyên Phó chủ tịch UBND thị xã, trước đó là Trưởng phòng Quản lý đô thị của UBND thị xã) về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

- Ngày 22/9/2005, Cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bị can Chu Minh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

- Ngày 20/2/2006, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bốn người trên, tuy nhiên gần 3 tháng sau, ngày 8/5/2006, Viện KSND tối cao lại quyết định đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự cho bị can Chu Minh Tuấn.

- Ngày 28/8/2006, tại phiên tòa sơ thẩm (lần thứ nhất), TAND TP Hải Phòng tuyên phạt cảnh cáo ba bị cáo.

- Ngày 1/9/2006, Thủ tướng có công văn hỏa tốc kiến nghị xem xét lại sự việc.

- Ngày 12/9/2006, viện trưởng Viện KSND tối cao đã kháng nghị theo hướng hủy án sơ thẩm, điều tra lại.

- Quá trình điều tra lại vụ án, ngoài khôi phục điều tra với bị can Chu Minh Tuấn, ngày 5/3/2007, Bộ Công an đã khởi tố thêm một số quan chức của Sở TN&MT TP Hải Phòng và hai phường Vạn Hương, Vạn Sơn của thị xã Đồ Sơn.

- Ngày 19/6/2007, phiên tòa sơ thẩm (lần thứ hai) xét xử 8 bị cáo trong vụ án (bị cáo Lưu Kim Thái đã tự vẫn trước ngày xét xử). Tòa tuyên phạt hai bị cáo Vận, Tuấn mức 7 năm tù, Hùng 6 năm 6 tháng tù... Các bị cáo sau đó kháng cáo nhưng đều bị bác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.