Thế giới

Ông Trump đến Hàn Quốc, nhiều vấn đề gai góc đang chờ sẵn

07/11/2017, 07:40

Hôm nay (7/11), Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Hàn Quốc - điểm dừng thứ 2 trong chuyến công du châu Á dài ngày.

22

Ngày 7/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt chân tới Hàn Quốc

Hôm nay (7/11), Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Hàn Quốc - điểm dừng thứ 2 trong chuyến công du châu Á dài ngày. Dù ông chủ Nhà Trắng sẽ sử dụng chuyến thăm để thúc đẩy liên minh giữa Washington với Seoul, thúc đẩy hợp tác để tăng cường áp lực tối đa với Triều Tiên về chương trình hạt nhân nhưng vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc liên quan tới mối quan hệ này.

Lo thương mại hơn vấn đề Triều Tiên

Vấn đề gai góc trước nhất chính là căng thẳng liên quan đến thái độ và các hành động của Triều Tiên thời gian gần đây. Dù cả ông chủ Nhà Trắng và Nhà Xanh đều cơ bản nhất trí, đây là thời điểm để tăng cường các lệnh trừng phạt, gây áp lực lên Triều Tiên.

Tuy nhiên, Tổng thống Moon, cựu luật sư về nhân quyền, vẫn thiên về giải pháp đàm phán để phi hạt nhân hóa và phản đối hành động gây xung đột quân sự bởi điều này có thể gây ra thương vong kinh khủng đối với Hàn Quốc.

Điều này hoàn toàn trái ngược với Tổng thống Trump khi ông từng đe dọa sẽ “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên và không ngần ngại “khẩu chiến” với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như thời gian qua. Thế giới đang chờ đợi xem đến Hàn Quốc, Tổng thống Trump sẽ sử dụng mức độ ngôn từ như thế nào khi bình luận về Triều Tiên.

Một số khảo sát do Gallup thực hiện hồi tháng 9 cho thấy, gần 60% người dân Hàn Quốc nghi ngờ về khả năng Triều Tiên sẽ khởi động cuộc chiến. Đây là con số khảo sát cao kỷ lục thứ 2 kể từ khi Gallup bắt đầu đặt câu hỏi này trong các cuộc nghiên cứu từ năm 1992.

Vì tâm lý này, phần lớn người Hàn Quốc để ý đến vấn đề thương mại giữa hai nước hơn là lo lắng về Triều Tiên. Trong đó, việc tái đàm phán thỏa thuận thương mại tự do song phương của Hàn Quốc với Mỹ (được gọi là KORUS) được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự giữa hai Tổng thống.

Ông Trump từng chỉ trích thỏa thuận này là nguồn cơn gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc - trang ABC dẫn nhận định của một số quan chức cho biết. Trước thời Tổng thống Trump, nhiều người tại Hàn Quốc và Mỹ đều cho rằng thỏa thuận này là trụ cột chính trong liên minh song phương.

Ông Donald Trump đã đe dọa sẽ xóa bỏ thỏa thuận trong nhiệm kỳ Tổng thống. Đầu năm nay, nhiều thông tin cho rằng, chính quyền của ông Trump đang cân nhắc rút khỏi thỏa thuận, gây ra làn sóng chỉ trích không chỉ tại Hàn Quốc mà còn cả ở Mỹ.  Cuối cùng, hai nước bắt đầu các cuộc hội đàm từ mùa hè vừa qua về việc tái đàm phán thỏa thuận vốn có hiệu lực từ 5 năm trước.

Trong chuyến thăm lần này, người dân Hàn Quốc sẽ theo dõi xem ông Trump có đưa ra bình luận về việc rút lại thỏa thuận thương mại trong các cuộc họp báo hoặc trên Twitter hay không.

Nỗi lo chia sẻ gánh nặng quân sự

Tổng thống Trump

Tổng thống Trump

Một vấn đề gai góc khác trong liên minh Hàn Quốc - Mỹ đó là việc Tổng thống Trump muốn Hàn Quốc phải trả nhiều hơn cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nước này nhằm kiềm chế Triều Tiên.

Trong cuộc tranh cử Tổng thống, ông Trump cho biết, Hàn Quốc và Nhật Bản cần phải đóng góp nhiều hơn nữa để tổng cộng 80.000 quân Mỹ hiện diện tại các quốc gia này. Nếu không, ông sẽ rút hết binh lính về nước.

Song, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1, ông Trump chưa bao giờ công khai đe dọa rút quân. Hiện nay, Hàn Quốc đang chi trả hơn 900  tỉ won (tương đương 800 triệu USD) hằng năm và các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ bắt đầu trong vài tháng tới để quyết định số tiền Hàn Quốc sẽ phải đóng góp thêm.

Vấn đề đáng quan tâm khác trong chuyến thăm chính là thỏa thuận giữa Seoul-Bắc Kinh vừa đạt được gần đây nhằm chấm dứt tranh chấp về hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc.

Khi thông báo thỏa thuận này hồi cuối tuần qua, Bắc Kinh lưu ý rằng Seoul đã đồng ý sẽ không làm những điều sau đây: Triển khai thêm bệ phóng bổ sung cho THAAD, hỗ trợ phát triển hợp tác an ninh với Nhật và Mỹ trong liên minh quân sự ba bên và tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ.

Ngoại trưởng Hàn Quốc cũng đưa ra các bình luận tương tự trong cuộc họp của Ủy ban Quốc hội đầu tuần này. Các chuyên gia phê bình cho rằng, động thái này của Hàn Quốc có thể làm suy yếu khả năng hoạt động của các lực lượng liên minh Mỹ-Hàn và nỗ lực tăng cường hợp tác 3 bên với Seoul và Tokyo của Tổng thống Trump nhằm gia tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng.

Những hoạt động chính của ông Trump tại Hàn Quốc

Đáng chú ý, trong chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên, Tổng thống Donald Trump sẽ tới thăm Trại Humphreys, nơi được coi là thị trấn thu nhỏ của Mỹ giữa lòng Hàn Quốc.

Trại Humphreys - một căn cứ quân sự mới được mở rộng ở phía Nam Seoul, trở thành một căn cứ quân sự hàng đầu của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Căn cứ rộng hơn 14.000km2, có đầy đủ tiện nghi như ở nhà để phục vụ binh lính và thân nhân, bao gồm 4 trường học, sân gôn 18 lỗ, một công viên nước, một khu ẩm thực mới toanh, 3 cửa hàng cà phê Starbucks và một bệnh viện 68 giường. Gần như toàn bộ lực lượng lao động và khoảng 1,1 tỉ USD chi phí mở rộng trại đều do Hàn Quốc chi trả.

Tại đây, ông Trump sẽ ăn trưa với quân nhân Hàn, Mỹ, nghe báo cáo vắn tắt tình hình hoạt động. Cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, ông Alexander Vershbow cho biết, chuyến thăm Trại Humphreys sẽ tạo ra “một nền tảng lý tưởng để nhấn mạnh việc đảm bảo cam kết của Mỹ với liên minh Mỹ - Hàn” và bảo vệ nước đồng minh khỏi mối đe dọa tên lửa, hạt nhân ngày càng gia tăng từ Triều Tiên. “Đây cũng là ví dụ khá tích cực chứng minh tinh thần sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với Mỹ của Hàn Quốc khi Seoul đã chi trả hơn 90% chi phí của căn cứ này”, ông Vershbow nhấn mạnh.

Rời khỏi đây, ông Trump sẽ lên đường tới Seoul, có thể bằng trực thăng để tránh gây tắc đường, chuẩn bị cho cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và dự yến tiệc. Ngày mai (8/11), ông chủ Nhà Trắng có bài phát biểu trước Quốc hội Hàn và có thể tiếp tục cam kết tăng cường mối quan hệ liên minh hàng chục năm giữa 2 nước. Ông Trump sẽ không tới thăm khu phi quân sự ngăn cách biên giới Hàn - Triều, phá vỡ thông lệ truyền thống lâu năm của các Tổng thống Mỹ trước đây.

Vũ Trang

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.