Đường thủy

Phân cấp mạnh quản lý đường thủy nội địa cho địa phương

01/12/2023, 11:04

Bộ GTVT phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 33/2023 quy định về phân cấp quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu.

Phân cấp quản lý đường thủy nội địa cho địa phương - Ảnh 1.

Các UBND cấp tỉnh phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết khác để tổ chức thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu được phân cấp (Ảnh minh họa).

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2024 và việc phân cấp phải bảo đảm theo các nguyên tắc quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đó, Bộ GTVT phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định.

Cụ thể, phải có tổ chức, bộ máy cảng vụ đường thủy nội địa theo quy định tại Thông tư số 18/2021 quy định về tổ chức và hoạt động của cảng vụ đường thuỷ nội địa; đảm bảo số lượng công chức, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm và biên chế được phê duyệt theo quy định.

Cùng đó, phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết khác để tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu được phân cấp theo quy định.

Việc phân cấp sẽ thực hiện trong phạm vi các cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia, cũng như tại những khu vực có vùng đất, vùng nước vừa trên đường thủy nội địa quốc gia và trên đường thủy nội địa địa phương, trừ các tuyến đường thuỷ nội địa giáp ranh giữa 2 tỉnh, thành phố trở lên, đường thủy nội địa quốc gia qua biên giới hoặc trên biên giới.

Bên cạnh đó, phạm vi quy định còn có cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa quốc gia.

Các UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp theo quy định và tiếp nhận người lao động đang thực hiện các nhiệm vụ tại các cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và các cơ sở vật chất khác trong phạm vi được phân cấp. 

Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ GTVT trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp theo quy định tại Thông tư, cũng như báo cáo kết quả thực hiện các các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp theo quy định tại Thông tư số 50/2014 về quản lý cảng, bến thủy nội địa.

Đối với Cục Đường thủy nội địa VN có trách nhiệm tổng hợp, thống kê, bàn giao công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu trong phạm vi phân cấp. Cơ quan này cũng tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi được phân cấp của các địa phương.

Định kỳ hàng năm, Cục Đường thủy nội địa VN tổng hợp, đánh giá việc thực hiện các nội dung của cơ quan được phân cấp và báo cáo Bộ GTVT theo quy định và đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu khi đáp ứng các nguyên tắc, điều kiện quy định.

Ngoài ra, kết thúc phân cấp trong trường hợp UBND cấp tỉnh không duy trì các nguyên tắc, điều kiện phân cấp hoặc việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp không hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.