Thị trường

Phát triển nguồn lợi thủy sản song song với kỹ thuật đóng tàu, vận tải biển

25/11/2023, 11:17

Định hướng thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại, phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ.

Ngày 25/11, tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa đã diễn ra hội nghị "Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam".

Đại diện của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn. Năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn. 

Ngành nuôi biển cần tích hợp nguồn lực đóng tàu, vận tải biển - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Mặc dù vậy, phát triển ngành nuôi biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ...

Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế. 

Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh; công nghệ thu hoạch và vận chuyển; công nghệ chế biến và phát triển thị trường…) chưa phát triển đồng bộ. 

Nguồn lực về tài chính và nhân lực còn hạn chế. Nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu…

Ngành nuôi biển cần tích hợp nguồn lực đóng tàu, vận tải biển - Ảnh 3.

Thương lái thu mua tôm hùm ở vịnh Cam Ranh (TP Cam Ranh, Khánh Hoà)

Hội nghị là cầu nối để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các bên liên quan cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan của nuôi biển hiện nay, từ con giống, thức ăn, vật tư, kỹ thuật nuôi, công nghệ đến chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hợp tác quốc tế… 

Từ đó, đưa ra các giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp xác định cơ hội đầu tư nuôi biển công nghiệp và chế biến thủy sản trong thời gian tới.

Ngành nuôi biển cần tích hợp nguồn lực đóng tàu, vận tải biển - Ảnh 4.

Nuôi hải sản trên vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà)

Hội nghị cũng tập trung bàn các giải pháp gỡ khó cho tôm hùm nuôi, nhất là mặt hàng tôm hùm bông đang bị "ách tắc" xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Trước bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được Bộ NN&PTNT đặt ra.

Ngành nuôi biển cần tích hợp nguồn lực đóng tàu, vận tải biển - Ảnh 5.

Lồng bè nuôi hải sản trên vịnh Cam Ranh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, định hướng thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới.

"Ngành nuôi biển cần tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành đóng tàu, vận tải biển, dầu khí, cơ khí chế tạo, du lịch, tự động hóa với nuôi trồng và chế biến hải sản. 

Các hệ thống nuôi phải có công nghệ hòa hợp với môi trường, không gây hại cho hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững; sử dụng hợp tác quốc tế như phương thức chính thu hút công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và thị trường. 

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân chuyên nghiệp phải được đào tạo, trang bị tốt và quản lý tốt", Thứ trưởng Tiến nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.