Đường bộ

Phó chủ tịch Đèo Cả: Ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp giao thông vươn tầm quy mô

11/12/2023, 19:38

Ứng dụng công nghệ vào quy trình quản lý nội nghiệp và kiểm soát tiến độ dự án đang được nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giao thông thực hiện để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Lê Quỳnh Mai, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả khẳng định: Khó có thể đo đếm được ứng dụng công nghệ số làm lợi bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chỉ có ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp giao thông mới mở rộng được quy mô hoạt động…

Phó chủ tịch Đèo Cả: Ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp giao thông vươn tầm quy mô - Ảnh 1.

Ông Lê Quỳnh Mai, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Kịp thời phát hiện nút thắt trên công trường nhờ hình ảnh trực quan

Theo tìm hiểu, cùng với chiến lược đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, thời gian qua, ứng dụng công nghệ số cũng là vấn đề được Tập đoàn Đèo Cả đặc biệt quan tâm. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về tiến trình "số hóa" doanh nghiệp đang thực hiện?

Ông Lê Quỳnh Mai: Trước hết phải khẳng định, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số đã Tập đoàn Đèo Cả thực hiện từ nhiều năm trước.

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý và công tác chuyên môn là giải pháp khả thi về mặt kỹ thuật và tài chính để đáp ứng yêu cầu phát triển của Tập đoàn với quy mô lớn, trải rộng khắp đất nước và từng bước vươn tầm quốc tế.

Trong giai đoạn chuyển đổi số, tất cả các công việc của Tập đoàn đều được lên kế hoạch để thực hiện, những nội dung chính có thể kể đến như: đặt các công việc nội nghiệp vào hệ thống văn phòng điện tử tích hợp chứng thư số và chữ ký số, các văn bản, tài liệu đều được số hóa cùng với hệ thống nhận dạng, tìm kiếm để hỗ trợ cho công tác quản l‎, thống kê số liệu quản lý.

Công tác quản lý thiết bị thi công cũng được lắp đặt "hộp đen" để quản lý từ xa các hoạt động và tình trạng của thiết bị tại văn phòng chính.

Công tác khảo sát luôn gắn liền với thiết kế và thi công, được chuyển sang việc sử dụng các thiết bị khảo sát phù hợp với công nghệ số như: LiDAR, 3DScanning, RTK. Các số liệu khảo sát này được sử dụng trong các hệ thống phần mềm BIM có độ chi tiết phù hợp với từng công việc, từng giai đoạn thiết kế.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những hiệu quả mà chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đã và đang mang lại cho hoạt động của Đèo Cả?

Ông Lê Quỳnh Mai: Thế mạnh của ứng dụng công nghệ số là giúp giải quyết được những vấn đề mà theo cách làm thủ công không thể thực hiện được.

Có thể kể đến như công việc quản lý dự án tại các dự án do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, hồ sơ thiết kế (từ các đơn vị thiết kế khác chưa áp dụng công nghệ BIM) sẽ được chuyển đổi thành mô hình 3D bằng phần mềm BIM có bản quyền của Tập đoàn Đèo Cả.

Toàn bộ hiện trạng mặt bằng dự án được thu thập bằng công nghệ LiDAR ngay khi nhận mặt bằng để kiểm soát công tác giải phóng mặt bằng và lựa chọn phương án đường công vụ thi công hợp lý.

Trong giai đoạn triển khai dự án, công tác thi công được chuyển đổi thành mô hình số theo từng giai đoạn thi công tương ứng với nghiệm thu chuyển giai đoạn trên công trường.

Công nghệ số sẽ giúp công tác đánh giá triển khai thi công bằng hình ảnh trực quan từ công trường; quản lý và chuẩn hóa các quy trình làm việc. Nhờ đó, nhà thầu kịp thời phát hiện được các điểm "nút thắt" và nhanh chóng đưa ra các biện pháp khắc phục, cải tiến để nâng cao hiệu quả.

Phó chủ tịch Đèo Cả: Ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp giao thông vươn tầm quy mô - Ảnh 2.

Thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư nguồn lực tương đối lớn để ứng dụng công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thi công dự án giao thông.

Bàn đạp để vươn tầm quốc tế

Hiệu quả mang lại là rất lớn, song, ông đánh giá thế nào về chi phí đầu tư doanh nghiệp phải bỏ ra cho việc ứng dụng công nghệ trong quản lý nội nghiệp và quản lý dự án, nhất là trong bối cảnh đơn giá định mức xây dựng công trình giao thông còn thấp?

Ông Lê Quỳnh Mai: Cần phải nói rằng, đưa một công nghệ vào thực tế, cần phải có sự đầu tư về vật chất và đào tạo nhân sự, do đó luôn phát sinh một khoản chi phí ban đầu. Chi phí này ít hay nhiều còn tùy thuộc vào quy mô ứng dụng.

Ở Tập đoàn Đèo Cả, chúng tôi đang từng bước chuyển đổi với khoản đầu tư trung hạn.

Nếu xét trên khía cạnh từng công việc, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số sẽ làm tăng thêm chi phí so với cách triển khai thông thường. Thế nhưng, xét đến lợi ích dài lâu và trên quy mô lớn, có những việc mà giải pháp truyền thống, thông thường không thể giải quyết được thì công nghệ số là lựa chọn hợp lý.

Nói một cách khác, chúng ta khó có thể đo đếm được ứng dụng công nghệ số sẽ làm lợi bao nhiêu tiền tại một thời điểm, nhưng trong bối cảnh chung của thời đại 4.0, chỉ có ứng dụng công nghệ số mới giúp cho doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, kịp thời nhận diện vướng mắc để thúc đẩy sự phát triển.

Vậy tới đây, chiến lược mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ số của Tập đoàn Đèo Cả sẽ là gì, thưa ông?

Ông Lê Quỳnh Mai: Công tác ứng dụng công nghệ số tại Tập đoàn Đèo Cả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xác định cần "làm ngay" và "làm thật".

Thời gian tới, ngoài hoạt động nội nghiệp, những công việc trên hiện trường dự án sẽ được tiếp tục tăng cường "số hóa", xây dựng quy trình vận hành như: khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát.

Có thể khẳng định, đến thời điểm này, các nhóm tư vấn của Đèo Cả đã được trang bị đủ thiết bị, phần mềm BIM, đào tạo nhân lực BIM, huấn luyện sử dụng các thiết bị ngoại nghiệp cho nghiên cứu khảo sát, triển khai tại các dự án như: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn…

Phó chủ tịch Đèo Cả: Ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp giao thông vươn tầm quy mô - Ảnh 3.

Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại Đèo Cả đang là một trong những nhà thầu lớn được chủ đầu tư lựa chọn thi công các hạng mục công trình có kỹ thuật phức tạp - Ảnh minh họa.

Ứng dụng công nghệ số không chỉ cho riêng mình

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong đẩy mạnh "số hóa" quy trình quản lý dự án, giải pháp nào để việc ứng dụng công nghệ số của Đèo Cả có thể tạo ra hiệu quả đồng nhất với các đối tác cùng tham gia dự án?

Ông Lê Quỳnh Mai: Đó là câu hỏi chúng tôi đặt ra ngay khi quyết định "rót tiền" đầu tư cho công nghệ. Có một điều tôi có thể chắc chắn là Tập đoàn Đèo Cả xác định không sử dụng mô hình số, ứng dụng công nghệ BIM cho riêng mình mà còn tổ chức đào tạo đồng bộ cho các đối tác (doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn) tại dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và tài trợ miễn phí cho các cơ quan quản lý Nhà nước, Ban QLDA địa phương cùng tham gia học tập.

Tập đoàn Đèo Cả xác định, để vươn tầm quốc tế, trước hết cần phải làm thật tốt các công việc trong nước.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT, bản thân tôi được nhận nhiệm vụ chịu trách nhiệm đào tạo, phối hợp với Trường Đại học Công nghệ GTVT, Trường Đại học GTVT TP. HCM,… xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo BIM trực tiếp tại dự án, xây dựng trung tâm ứng dụng BIM ngay tại ban điều hành dự án để phục vụ trong quá trình triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Đó là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết để thông qua dự án này chúng tôi sẽ làm chủ ứng dụng công nghệ số, công nghệ BIM trong tương lai.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.