Xã hội

Phó chủ tịch Quốc hội: Đưa cán bộ, công chức yếu năng lực ra khỏi bộ máy

16/10/2023, 11:51

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, phải có biện pháp xử lý những cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh; thậm chí người yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy.

Cải cách tiền lương gắn nâng cao trách nhiệm, kỷ cương 

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) tại phiên họp 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (16/10), Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo kế hoạch của Trung ương thông qua và Quốc hội, Chính phủ cũng có kế hoạch, từ 1/7/2024 sẽ tiến hành thực hiện cải cách tiền lương.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Cán bộ, công chức yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lần điều chỉnh này mang tính chất cải cách, không chỉ là điều chỉnh lương mà theo Nghị quyết 27 cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

"Hai việc này đi liền với nhau, điều chỉnh tiền lương phải gắn với vị trí việc làm và gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương của cán bộ, công chức. Do đó, phải tiến hành rà soát, sắp sếp lại đội ngũ cán bộ công chức. 

Những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh… là phải có biện pháp xử lý. Thậm chí với người vi phạm, yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy", ông Nguyễn Khắc Định nói.

Cũng theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, một trong những nhiệm vụ quan trọng là năm 2024 tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Tuy nhiên, hiện một số địa phương đang chậm tiến độ thực hiện. Do đó, ông đề nghị cần phải đôn đốc, đẩy mạnh, giám sát, quán triệt.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo rồi, giao Ủy ban Pháp luật là cơ quan đầu mối. Chúng tôi sẵn sàng tham gia cùng với các bộ ngành, địa phương có liên quan, sẵn sàng cử người về hỗ trợ về mặt thủ tục cho nhanh, làm sao trong quý III trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua để quý IV bắt đầu đi vào thực hiện", ông Định nói.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phải khẩn trương thực hiện thì mới sắp xếp được tổ chức bộ máy, vì quý I/2025 bắt đầu Đại hội Đảng bộ cấp xã, quý II là cấp huyện nên nếu không sắp xếp xong sẽ ảnh hưởng đến công tác kiện toàn tổ chức bộ máy nhiệm kỳ tới.

Đề cập việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn. Theo báo cáo của Chính phủ, các cơ chế chính sách với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được hoàn thiện đồng bộ, nhiều văn bản hiện nay đang chậm.

"Doanh nghiệp đổi mới nhiều, bộ máy hành chính đổi mới nhiều nhưng đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều văn bản chưa ban hành kịp tiến độ", ông Định nói.

Cũng đề cập vấn đề lương, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đồng tình trong thực hiện cơ cấu cải cách tiền lương theo lộ trình, song đề nghị cần quan tâm đảm bảo phù hợp thu nhập cho cán bộ cơ sở giữa các ngành, lĩnh vực, tương ứng với trách nhiệm.

"Lương cán bộ cơ sở, thu nhập từ tiền lương phù hợp, tương đồng, tránh chỗ thu nhập cao, chỗ thu nhập thấp mà nhiệm vụ thực hiện như nhau", ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Cán bộ, công chức yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Đột phá nguồn nhân lực chưa rõ nét

Cho ý kiến vào báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm về lĩnh vực an ninh, trật tự. Bà cho rằng, cháy nổ lâu nay vẫn diễn biến phức tạp. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội thể hiện còn sơ hở trong phòng cháy.

"Sau mỗi vụ cháy lại rà soát lĩnh vực đó như cháy karaoke thì hàng loạt chỉ thị rà soát, giờ cháy chung cư mini lại rà soát. Công tác phòng cháy thực hiện chưa tốt. Chung cư cao tầng khi xảy ra cháy thì hậu quả cũng khôn lường. Quốc hội khoá XIV có cuộc giám sát về vấn đề này, đề nghị Ủy ban Quốc phòng - An ninh kiểm tra lại nghị quyết, đề xuất Chính phủ tăng cường giải pháp mà Quốc hội đề ra", bà Lê Thị Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội diễn ra hàng ngày với số người bị lừa đảo rất lớn. Do đó cần tăng cường quản lý mạng xã hội, cảnh báo để người dân biết, phòng ngừa.

Bên cạnh đó, hành vi xâm hại và bắt cóc trẻ em gây bức xúc nên cần tăng cường quản lý và xử lý nghiêm minh. Bà cũng phản ánh thực trạng sử dụng bóng cười, thuốc lá điện tử trộn chất ma tuý trong thanh thiếu niên và học sinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu năng suất lao động cũng như việc đạt được theo yêu cầu là rất thách thức, trong khi đây là yếu tố quan trọng trong phát triển.

Nhắc lại ba khâu đột phá chiến lược, ông cho rằng về thể chế và hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông) có nhiều nỗ lực và đạt kết quả đáng ghi nhận, nhưng về nguồn nhân lực chưa thực sự rõ nét.

Dẫn báo cáo cho thấy giải ngân đầu tư công còn chậm, trong đó có nhiều bộ, cơ quan Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu Dương Thanh Bình đề nghị Chính phủ nên có kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.

"Cũng nên công khai bộ, cơ quan giải ngân chậm vì có bộ làm tốt, có bộ chưa giải quyết được, nguyên nhân do đâu. Có như thế mới có giải pháp khắc phục", ông Dương Thanh Bình nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.