Chính trị

Phó chủ tịch Quốc hội: Không để phát sinh giấy phép con trong thi hành pháp luật

07/03/2024, 11:31

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu cần tăng cường kiểm soát để không làm phát sinh quy trình, thủ tục, giấy phép con trái quy định trong quá trình thực thi pháp luật.

Xử nghiêm các tiêu cực, lợi ích cục bộ trong thi hành pháp luật

Sáng 7/3, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, 19 luật, nghị quyết được thông qua quy định những nội dung rất quan trọng.

Phó chủ tịch Quốc hội: Không để phát sinh giấy phép con trong thi hành pháp luật- Ảnh 1.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Khái quát những nội dung mới, nổi bật của 9 luật, ông Định cho rằng, các luật đã được Quốc hội thông qua đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa người Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, giữa các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tại hội nghị, ông Định nêu rõ yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức.

Gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong thi hành pháp luật. Khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

"Tăng cường kiểm soát để không làm phát sinh quy trình, thủ tục, giấy phép con trái quy định. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Quốc hội: Không để phát sinh giấy phép con trong thi hành pháp luật- Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Rà soát, xử lý các vướng mắc về thủ tục hành chính

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, nhiệm vụ chung đối với Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ là kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết. Bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.

Khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, nhất quán, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan, không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện.

Lưu ý việc tổ chức triển khai và quy định chi tiết, hướng dẫn việc triển khai đối với các nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở cho các cơ quan thực hiện thông suốt, thống nhất, tránh tạo khoảng trống pháp lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cả về nguồn nhân lực, điều kiện bảo đảm.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu và có giải pháp quyết liệt để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, các yêu cầu, nhiệm vụ được luật, nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ, tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 theo yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.