Tài chính

Phở Thìn hậu tranh chấp thương hiệu

29/07/2023, 06:30

Hơn 3 tháng sau ngày “cha đẻ” của “Phở Thìn 13 Lò Đúc” Nguyễn Trọng Thìn tố chuyện nhượng quyền thương hiệu, việc kinh doanh phần nào trầm lắng.

Trong khi đó, việc tranh chấp nhãn hiệu và nhượng quyền cũng khó có hồi kết.

“Loạn” Phở Thìn, khách hoang mang

img

Một cửa hàng “Phở Thìn 13 Lò Đúc”.

Tại phố Tô Hiệu, Nghĩa Tân, Cầu Giấy (Hà Nội), một cửa hàng mang biển hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” mới được mở cách đây không lâu nhưng lượng khách thưa thớt. Nhiều khách hàng bày tỏ “không vào ăn do không biết cửa hàng này của ai”.

Theo chị Trần Nhung, một cư dân ở cạnh quán phở, xưa giờ có nghe tên phở Thìn song chú ý hơn qua vụ lùm xùm tranh chấp thương hiệu trên báo chí, truyền thông. Do vậy, chị không rõ cửa hàng này có thuộc chính chủ “Phở Thìn 13 Lò Đúc”, hay của những “truyền nhân” nhượng quyền trong lùm xùm trước đó.

Băn khoăn của chị Nhung cũng dễ hiểu khi “drama Phở Thìn Lò Đúc” khiến nhiều người giật mình đặt câu hỏi: phở Thìn mà mình đang thưởng thức là “Thìn nào”?

Ông Nguyễn Trọng Thìn, chủ nhân quán Phở Thìn 13 Lò Đúc cho biết, tới thời điểm hiện tại, có 24 cơ sở được nhượng quyền kinh doanh thương mại nằm trong chuỗi thương hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc”.

Trong đó có 12 cơ sở ở Hà Nội, 1 cơ sở ở Hưng Yên, 1 cơ sở ở Quảng Nam, 2 cơ sở ở Đà Nẵng, 1 cơ sở ở Hải Phòng, 1 cơ sở ở Quảng Ngãi, 1 cơ sở ở Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 cơ sở ở TP.HCM cùng 4 cơ sở nước ngoài mang tên “Phở Thìn 13 Lò Đúc” ở Nhật Bản, Indonesia, Hoa Kỳ và Úc.

Ngoài ra, có một số cửa hàng không nằm trong danh sách trên nhưng ông đã đồng ý cho mở cửa hàng và dạy nghề nấu phở đúng theo thương hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc”, đó là tại cơ sở Hoàng Ngọc Phách (Hà Nội); các cơ sở Vinpearl của Vingroup; tại Nhà khách Chính phủ số 35 Hùng Vương. Còn những quán “Phở Thìn” khác đều không phải do ông đào tạo, đồng hành.

Khác với những cửa hàng mới mở, những địa điểm lâu đời vẫn giữ được nhịp kinh doanh.

Mỗi ngày bán ra khoảng 150 - 200 bát phở, bà Nguyễn Thị Bích Hường - cháu ruột ông Nguyễn Trọng Thìn, cửa hàng “Phở Thìn 13 Lò Đúc” trên phố Hoàng Ngọc Phách (quận Đống Đa) chia sẻ: “Tôi được chính tay ông Thìn chỉ dạy các quy trình và công thức chế biến sao cho giống với quán Phở Thìn 13 Lò Đúc. Nhờ đó, mùi vị vẫn giữ nguyên. Đó là bí quyết giữ khách qua sóng gió vừa qua”.

Chị Phạm Hồng Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội), khách ruột 20 năm của cửa hàng này cho biết, tuần nào cũng phải ghé cửa hàng này ăn: “Giá tiền có hơi cao so với các quán phở khác, nhiều khi đến cũng phải xếp hàng đợi nhưng vì hương vị phù hợp, thịt bò áp chảo mềm và thơm nên tôi không quên được hương vị đó”.

Mức giá được niêm yết tại cửa hàng này là: Phở chín, tái chín, nạm 50.000 đồng/bát; tái gầu, tái lăn 60.000 đồng/bát; bát đặc biệt là 90.000 đồng.

Bên cạnh lý do hợp khẩu vị, không gian bài trí rộng rãi, sạch sẽ, mát mẻ, nên dù giá cao, một số thực khách vẫn lựa chọn bát Phở Thìn ngập thịt.

Anh Nikolay Stoynov, một người nước ngoài sinh sống ở Hà Nội nhiều năm nhận xét: “Giữa nhiều hàng phở vị nhàn nhạt na ná nhau, tôi thích vị thịt bò xào ngọt, nước dùng đậm vị và tôi thích nhiều hành, thật nhiều hành nên với tôi, phở Thìn vẫn đỉnh”.

Tranh cãi chưa hồi kết

Việc lùm xùm trong nhượng quyền thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc càng khiến người ưa chuộng phở khó phân biệt khi thực chất, một đơn vị khác lại đang sở hữu thương hiệu “Phở Thìn”, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ.

Ra đời từ năm 1955, Phở Thìn Bờ Hồ tọa lạc tại địa chỉ 61 Đinh Tiên Hoàng, đối diện đền Ngọc Sơn, được xem là một trong những quán phở lâu đời nhất ở Hà Nội.

Điểm khác biệt của Phở Thìn Bờ Hồ nằm ở hương vị thanh tao của phở truyền thống không đổi suốt 70 năm. Hiện nay, người cháu đích tôn đời thứ ba là anh Bùi Chí Thành cùng vợ tiếp quản hàng phở.

Năm 2019, Phở Thìn Bờ Hồ tự hào trở thành cái tên được lựa chọn để phục vụ cho 3.000 phóng viên quốc tế và trong nước trong dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Nhãn hiệu “Phở Thìn” được ông Bùi Chí Đạt (con trai ông Bùi Chí Thìn – “cha đẻ” của “Phở Thìn”) nộp đơn đăng ký lần đầu vào ngày 20/11/2003, đơn này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận (văn bằng) vào ngày 18/3/2005, văn bằng này có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn nhiều lần, thời điểm hết hạn của văn bằng là ngày 20/11/2013.

Đến năm 2014, ông Bùi Chí Đạt nộp đơn xin cấp lại và được chấp nhận, cấp bằng ngày 25/3/2015, đến nay vẫn còn hiệu lực.

Về phía ông Nguyễn Trọng Thìn ở 13 Lò Đúc, năm 2009 mới nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Phở Thìn” nhưng sau đó bị từ chối. Đến ngày 15/5/2020, ông Thìn tiếp tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có chữ “Phở Thìn”, đơn này đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định về mặt nội dung và chưa có quyết định cấp hay từ chối dù đã quá thời hạn thẩm định theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Tại Việt Nam, ông Bùi Chí Đạt là chủ sở hữu duy nhất của nhãn hiệu “Phở Thìn”. Do vậy, tranh chấp về nhãn hiệu “Phở Thìn” hay nhượng quyền giữa ông Thìn 13 Lò Đúc với bất cứ cá nhân nào đều không có ý nghĩa. Nếu có thì chỉ ở góc độ tranh chấp góp vốn.

Thực trạng nhiều cửa hàng lấy tên “Phở Thìn”, kể cả những quán ăn được cho là do ông Nguyễn Trọng Thìn mở, thì quyền sở hữu trí tuệ của ông Bùi Chí Đạt đang bị xâm phạm.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc nhượng quyền thương mại phải gắn với nhãn hiệu của tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Trong khi đó, riêng nhãn hiệu Phở Thìn đã không thuộc sở hữu của ông Nguyễn Trọng Thìn.

Vì thế, nếu cho người khác sử dụng nhãn hiệu “Phở Thìn”, ông Nguyễn Trọng Thìn đang có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của ông Bùi Chí Đạt.

Và chủ nhãn hiệu “Phở Thìn” (là ông Bùi Chí Đạt) hoàn toàn có quyền ngăn cấm những người đang sử dụng nhãn hiệu của mình bằng cách yêu cầu các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

Vị luật sư cũng cho biết, pháp luật Việt Nam áp dụng nguyên tắc “bảo hộ cho người đăng ký trước” chứ không áp dụng nguyên tắc “bảo hộ cho người sử dụng trước” như một số nước khác. Do vậy, việc đăng ký nhãn hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” là không khả thi.

“Chi tiết “13 Lò Đúc” chỉ là những dấu hiệu đi kèm, không phải là yếu tố mạnh đập vào tiềm thức của người tiêu dùng”, luật sư nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Bùi Chí Thành khẳng định: “Nhà tôi chỉ bán phở, không bán thương hiệu và Phở Thìn chỉ có một địa chỉ duy nhất. Tôi nghĩ, với một thương hiệu ẩm thực thì việc giữ tốt chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất. Khách đến vì thương hiệu nhưng quay lại vì sản phẩm”.

Phở Thìn 13 Lò Đúc là thương hiệu do ông Nguyễn Trọng Thìn gây dựng từ năm 1979. Năm 2019 đánh dấu sự phát triển của thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, khi lần đầu tiên có chi nhánh thứ 2 tại Hà Nội, đồng thời vươn ra thị trường Nhật Bản và sau đó là Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc… Hàng loạt quán mang biển “Phở Thìn 13 Lò Đúc” và logo thương hiệu sau đó cũng xuất hiện nhan nhản khắp Hà Nội.

Tháng 3/2023, mạng xã hội một phen dậy sóng khi xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều xoay quanh Phở Thìn 13 Lò Đúc cũng như chuyện bán bản quyền cho các chi nhánh.

Nguồn cơn của sự việc rắc rối này xuất phát từ việc ông Nguyễn Trọng Thìn lên tiếng chỉ trích một nhân vật được báo chí ca tụng là “truyền nhân” của ông nhưng theo ông, đó chỉ là một “màn kịch”.

Đến nay, “cha đẻ” của “Phở Thìn 13 Lò Đúc” và những “truyền nhân” bị ông tố về việc nhượng quyền vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.