Xã hội

Phó Thủ tướng chỉ đạo nóng khi thị sát Nhà máy đóng tàu Dung Quất

05/04/2023, 16:53

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trực tiếp đi kiểm tra Nhà máy đóng tàu Dung Quất và có những chỉ đạo về việc xử lý dứt điểm các tồn tại tại đây.

Sáng 5/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan đến việc xử lý dứt điểm các tồn tại Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS, Quảng Ngãi) hơn 10 năm qua.

DQS lỗ hơn 2.600 tỷ đồng

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sau khi tiếp nhận DQS từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashine) ngày 30/6/2010, PVN đã triển khai tái cơ cấu. Về nhân sự, từ hơn 2.000 lao động đã sắp xếp lại còn gần 700 người, thực hiện tái cấu trúc lại thị trường và sản xuất, hiện tại thu nhập bình quân của công nhân là 10 triệu đồng/tháng.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái kiểm tra thực tế tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất

Từ 2010 đến nay, số lượng tàu được DQS sửa chữa, đóng mới, hoán cải là 182 dự án; trong đó, 68 dự án trong ngành, 30 dự án nước ngoài… Tổng doanh thu trên 8.000 tỷ đồng; hiện DQS đang lỗ hơn 2.600 tỷ đồng, do giai đoạn trước bàn giao để lại.

PVN đã tính toán các phương án: Chuyển đổi định giá DQS bán đấu giá tài sản; phương án phá sản DQS theo quy định của pháp luật; tiếp tục tái cơ cấu DQS hoặc thành lập đơn vị mới trên cơ sở chuyển những tài sản, nhân lực của DQS sang và thanh lý những tồn tại.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Hoàng Quốc Vượng mong muốn tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của DQS, bảo đảm công ăn việc làm cho gần 700 lao động. Trên cơ sở đó, PVN đề nghị cấp có thẩm quyền phương án tiếp tục tái cơ cấu DQS, đề xuất một số giải pháp về đầu tư, tài chính để tái cơ cấu hiệu quả DQS trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, PVN đã tiếp nhận dự án trong tình trạng phá sản. Nhưng ngoài những hạn chế từ giai đoạn trước để lại, thì dự án đang hoạt động tốt và có tiềm năng phát triển. Do đó, “phải mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, có cơ chế đặc thù, để tái cơ cấu, đưa DQS thoát ra khỏi khó khăn để tiếp tục phát triển.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá, cần giải quyết các tồn tại của DQS, phải rà soát, làm rõ từng nội dung, vướng mắc, có giải pháp cụ thể, như chia gọn vấn đề, xác định cái gì phục hồi, phát triển được. Bộ Tài chính và Bộ ngành chức năng có hướng dẫn, phương án giải quyết dứt điểm các tồn tại về tài chính. .

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng phương án tái cơ cấu hay phá sản thì cũng cần phải tính toán, và Bộ GTVT ủng hộ phương án tái cơ cấu DQS để phục vụ nhiệm vụ phát triển chung của đất nước, nhất là kinh tế biển

“Ở khu vực duyên hải miền Trung nhìn đi nhìn lại thì chỉ có Nhà máy đóng tàu Dung Quất là lớn. Tàu chở dầu muốn đăng kiểm cũng phải về DQS để thực hiện. Do vậy, cần nghiên cứu tiếp để mô hình của Nhà máy đóng tàu phát triển", Thứ trưởng Lê Đình Thọ ý kiến.

Quảng Ngãi mong tái cơ cấu DQS

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, tinh thần của địa phương là ủng hộ phương án tái cơ cấu DQS. Do đó, mong muốn các cơ quan liên quan giải quyết vấn đề của DQS càng sớm càng tốt, không để tồn tại kéo dài.

img

Từ khi PVN tiếp nhận DQS, doanh nghiệp này đã đứng trên bờ phá sản với khoản nợ 2.600 tỷ đồng. Do đó, phương án cho DQS phá sản hay tái cơ cấu đang đặt ra nhiều vấn đề đối với doanh nghiệp nằm trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương

Cũng theo ông Minh, phương án khả thi nhất là duy trì hoạt động của DQS theo hướng tái cơ cấu, giữ chân các lao động chất lượng cao, vì sự phát triển của công nghiệp đóng tàu, cũng như định hướng phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng trong tương lai. “Quảng Ngãi sẽ tạo mọi điều kiện để DQS phục hồi, phát triển”, ông Minh nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Tài chính đặt vấn đề: Phương án trình giữ lại để tái cơ cấu DQS phát triển, nhưng quan trọng nhất là phải có sự đột phá về cơ chế. Do đó cần tính toán cặn kẽ phương án để đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị PVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện phương án đối với DQS để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 6/2023. Bảo đảm báo cáo và các phương án đề xuất phải trung thực, khách quan, đầy đủ, khả thi, rõ ràng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng và thực tế hiện nay để đánh giá và đề xuất phương án đối với DQS, khi không còn phương án nào khả thi mới tính đến chuyện phá sản. Đề xuất của PVN chọn phương án tái cơ cấu phải đánh giá kỹ tình hình thị trường, các tiềm năng lợi thế, định hướng phát triển ngành, đầu ra cho sản phẩm, bởi tái cơ cấu có nghĩa là cho tồn tại, tiếp tục hoạt động. Vậy muốn tồn tại thì phải xây dựng đường hướng phát triển và xây dựng phương án tái cơ cấu trên cơ sở các căn cứ, lập luận thuyết phục.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý, việc xây dựng phương án đối với DQS phải căn kẽ, chi tiết, minh bạch trước khi trình Chính phủ, Bộ Chính trị

Phó Thủ tướng cũng lưu ý: Nguyên tắc tái cơ cấu là không dùng vốn ngân sách. Do đó, phải tính toán nguồn lực để vực dậy DQS, trong đó có thể sử dụng vốn nhà nước tại DN được hay không cũng cần phải xem xét khi lập phương án.

Đối với các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, thẩm quyền của mình khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến dự án; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Tập đoàn PVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm hoàn thiện đề án.

Phó Thủ tướng yêu cầu PVN và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đến ngày 15/5/2023 trình Thủ tướng Chính phủ đề án xử lý DQS.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.