Xã hội

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang: Hậu Giang cần ưu tiên giao thông đi trước mở đường

12/12/2023, 13:00

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Hậu Giang ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông vì "đường đi đến đâu thì giàu có đi đến đó".

Sáng 12/12, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Phó Thủ tướng Chính phủ: Hâu Giang ưu tiên giao thông đi trước mở đường - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định không phải địa phương nào cũng được hai tuyến cao tốc giao nhau như tỉnh Hậu Giang.

Ưu tiên giao thông đi trước mở đường

Theo Phó thủ tướng Chính phủ, Hậu Giang là một trong những địa phương có nhiều lợi thế phát triển kinh tế, tốc độ phát triển kinh tế đứng thứ hai cả nước. Đặc biệt, thời gian qua, nơi đây được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông.

"Chưa bao giờ, cơ hội đến với Hậu Giang lớn như thế này. Thứ nhất là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hai đường cao tốc gặp nhau trên đất Hậu Giang. Không phải địa phương nào cũng có điều này. Và đường đi đến đâu thì giàu có đi đến đó…

Tôi tin tưởng rằng, với những điều này thì trong thời gian tới, Hậu Giang sẽ phát triển mạnh mẽ", Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng Hậu Giang vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, "tiền thì ít, mong muốn thì nhiều nhu cầu cao", quy định hiện hành còn chồng chéo, biến đổi khí hậu…

Để Hậu Giang phát triển trong tương lai, Phó thủ tướng đề nghị, tỉnh cần bám sát những định hướng trong quy hoạch.

Quá trình thực hiện phải tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và quảng bá tuyên truyền rộng rãi đến người dân, cộng đồng các nội dung trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó tạo sự đồng thuận cao từ người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ: Hâu Giang ưu tiên giao thông đi trước mở đường - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đại biểu tham quan khu trưng bày lúa gạo tại khu vực tổ chức hội nghị.

Người đứng đầu địa phương phải làm gương truyền cảm hứng cho mọi người, nhà đầu tư về các cơ chế, chính sách khi thực hiện đầu tư vào Hậu Giang.

Cao tốc là động lực phát triển

Trước đó, tại hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã công bố quy hoạch của Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Chính phủ: Hâu Giang ưu tiên giao thông đi trước mở đường - Ảnh 3.

Công trình thi công dự án thành phần ba cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh Hậu Giang.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL.

Trong đó, có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; Có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; Các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng.

Hậu Giang tập trung thực hiện năm đột phá chiến lược của tỉnh gồm: Một trung tâm (một Tâm): Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh.

Hai tuyến hành lang kinh tế động lực (hai Tuyến): Phát triển hai hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP.HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh nam Sông Hậu, hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ: Hâu Giang ưu tiên giao thông đi trước mở đường - Ảnh 4.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội nghị.

Ba trung tâm đô thị (ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ. Trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bốn trụ cột kinh tế (bốn Trụ): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Cùng với đó, Hậu Giang phát triển mạng lưới giao thông phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành giao thông vận tải quốc gia, đồng bộ, hiện đại, kết nối đa phương thức thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm an toàn giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, xây dựng ba tuyến đường bộ cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang gồm cao tốc Bắc - Nam phía đông; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Đồng thời mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao năm đột phá chiến lược Hậu Giang đã đề ra. Đó là một Tâm, hai Tuyến, ba Thành, bốn Trụ.

Phó thủ tướng cũng lưu ý Hậu Giang, trong kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh cần chú trọng việc thực hiện liên kết vùng. Trong đó, phải ưu tiên thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để phát huy hiệu quả đầu tư.

Cùng với đó, phát huy yếu tố văn hóa, của vùng đất con người Hậu Giang, xem đây là nền tảng quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.