Thời sự Quốc tế

Phóng viên CNN chạy khỏi Gaza: “Tên lửa nã xuống nơi vợ con tôi mới rời đi”

17/10/2023, 16:40

Người dân ở Dải Gaza đã quen với cảnh mất an toàn an ninh, nhưng lần này rất khác, tờ CNN đưa tin.

Không còn là “khu phố xinh đẹp, cao cấp”

Ibrahim Dahman (36 tuổi) và gia đình bước vào phòng khách sạn và nhìn ra phía biển Địa Trung Hải. Hai đứa con trai nhỏ của anh rất hào hứng khi phát hiện ra nơi họ ở có bể bơi.

Nhưng đáng tiếc, tụi nhỏ vốn chưa có nhiều lo sợ như người lớn, đây không phải là kỳ nghỉ.

Sinh ra và lớn lên ở Gaza, phóng viên của CNN vốn đã quen với khủng hoảng. Nhưng đối với Dahman, lần này lại khác. Hàng trăm nghìn thường dân, bao gồm cả gia đình anh đã bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang.

Dahman đã không ngừng đưa tin kể từ khi bị đánh thức bởi “âm thanh của tên lửa liên tục” từ Gaza. Văn phòng CNN nằm trong khu phố al-Rimal ở Thành phố Gaza. 

Chính tại nơi đây, anh bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình vào năm 2005. Dahman gọi nơi mình làm việc là “khu phố xinh đẹp, cao cấp, nơi đặt tất cả các văn phòng báo chí và tổ chức nước ngoài và quốc tế”. Khu phố này được coi là một trong những “khu vực yên tĩnh”.

“Các cuộc không kích đang đến gần hơn. Tôi có thể nhìn và nghe thấy âm thanh của vụ nổ và khói từ văn phòng,” anh giải thích. Khi căng thẳng leo thang, anh buộc phải làm việc từ xa để đảm bảo an toàn cho gia đình.

Một ngày nọ, Dahman nhìn thấy khói và bụi bên ngoài cửa sổ căn hộ của mình. Việc đầu tiên anh ném một số vật dụng cần thiết - quần áo, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn nhẹ và nước đóng chai - vào vali, cả gia đình cùng di chuyển đến một khách sạn.

Dahman kể lại: “Buổi tối bắt đầu với âm thanh của các cuộc không kích và pháo kích từ các tàu hải quân hướng về bờ biển và các tòa tháp dân cư gần khách sạn”. 

Anh cho biết thêm: “Tôi cảm thấy phần nào an toàn, nhưng nguy hiểm vẫn tồn tại trên khắp Dải Gaza. Chúng tôi không còn khái niệm an toàn tuyệt đối.”

Phóng viên CNN chạy khỏi Gaza: “Tên lửa nã xuống nơi vợ con tôi mới rời đi” - Ảnh 1.

Ibrahim Dahman cùng vợ Rasha và hai con trai Zaid 11 tuổi và Khalil 7 tuổi. Ảnh: CNN

Từ thứ Hai đến thứ Tư, Dahman vừa chăm sóc gia đình vừa báo cáo lại những diễn biến mới nhất. Anh bị kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể chất vì chỉ ngủ vài giờ mỗi đêm.

Không lâu sau, ban quản lý khách sạn đã yêu cầu khách chuyển xuống tầng hầm của tòa nhà do nguy hiểm đang cận kề. Các gia đình chen chúc nhau dựa vào tường hành lang, những đứa trẻ rúc vào lòng cha mẹ vì sợ hãi. 

Ở cầu thang, một số người ngồi khoanh chân trên sàn trong khi một số khác lo lắng gõ điện thoại di động, cố gắng liên lạc với bạn bè và người thân.

Sau khi chứng kiến một cuộc không kích nhằm vào tòa tháp dân cư đối diện khách sạn, Dahman đã bị sốc khi thấy bác của mình được đỡ vào sảnh. Trên người họ bị phủ một lớp bụi bẩn, áo và da bị rách do va chạm, nhưng may mắn họ vẫn còn sống.

Chứng kiến cảnh tượng diễn ra, Dahman biết anh cần phải đưa gia đình mình ra ngoài.

“Việc gia đình chúng tôi vẫn còn bình an quan đã là một kỳ tích. Hiện tại là thời điểm rất khó khăn. Vợ tôi đang mang thai tháng thứ hai, an toàn của cô ấy phải được đặt lên hàng đầu”, Dahman bày tỏ.

Khi nơi ở hiện tại có dấu hiệu bất ổn, gia đình anh vội vã di chuyển đến một nơi khác. Anh kể lại: “Chỉ vài giây sau khi chúng tôi rời khách sạn, tên lửa được nã xuống, toàn bộ khu vực bị hư hại nặng nề”. 

Gia đình nhỏ qua đêm ở nhà chị gái khi các cuộc không kích tiếp tục gia tăng trên các đường phố xung quanh họ.

“Chúng tôi chỉ biết ngồi trước TV và cầu nguyện”

Cũng giống như gia đình Dahman và nhiều người dân khác, Ahmed Arafat (26 tuổi) đang mắc kẹt tại Gaza. Quấn chăn trong căn lều tạm bợ, anh cố gắng giữ bình tĩnh khi âm thanh của máy bay không người lái vang vọng khắp bầu trời đêm.

Chiếc chăn cũ là một trong số ít những món đồ mà Arafat có thể mang theo khi rời khỏi khu phố al-Rimal của thành phố Gaza. Phần lớn al-Rimal, khu thương mại và trung tâm của thành phố, đã trở thành đống đổ nát. Các cuộc không kích gần như liên tục đã phá hủy các ngôi nhà, văn phòng, trường học...

Phóng viên CNN chạy khỏi Gaza: “Tên lửa nã xuống nơi vợ con tôi mới rời đi” - Ảnh 2.

Khu phố Al-Rimal, nơi gia đình Arafat sinh sống đã thành đống đổ nát. Ảnh: CNN

Arafat đã di chuyển nhiều lần để đến nơi an toàn hơn. Khi một khu vực trở nên quá nguy hiểm, họ sẽ trốn sang nơi khác. 

“Có nhiều vụ đánh bom xung quanh chúng tôi,” Arafat trả lời phỏng vấn của CNN, âm thanh của các vụ nổ làm gián đoạn lời nói của anh. “Nó diễn ra cả ngày lẫn đêm, không dừng lại!”

Với tư cách là một người cha, tất cả những gì anh có thể làm là cố gắng giữ cho gia đình mình bình an. Nhưng không thể phủ nhận rằng anh thường tự hỏi bản thân: “Liệu mình có thể nhìn thấy các con đi học mẫu giáo không?”

Cách đó 6500 dặm (tương đương 10.460km), bà Anita Arafat (mẹ của Ahmed Arafat) ngồi ở nhà, dán mắt vào màn hình TV.

“Chúng tôi chỉ biết ngồi trước màn hình TV và cầu nguyện,” bà nói. “Tôi không thể ngủ được”.

Đôi khi, khi Anita Arafat cảm thấy đặc biệt bồn chồn, bà sẽ đứng dậy và đi đi lại lại trong phòng khách – trái tim bà đau xót vì con trai Ahmed Arafat, các cháu và cả đại gia đình.

Hiện tại, tất cả những gì người dân có thể làm là xem tin tức và cầu nguyện có lệnh ngừng bắn. Khi nhắc đến ngày thực sự bình yên, Ahmed Arafat chỉ có thể nói: “Có thể là vài tuần. Có thể là vài ngày… Có thể là sáng mai. Ai biết được bao lâu. Tôi không biết.”

Theo CNN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.