Xã hội

Phương án nào cho khu dân cư vùng lũ quét ở biên giới Nghệ An?

13/10/2022, 15:01

Về lâu dài, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) sẽ di dời các hộ dân vừa bị lũ quét, sạt lở đất không còn đảm bảo đến khu tái định cư an toàn.

Đã 10 ngày sau trận lũ quét lịch sử xảy ra, các bản Sơn Hà, Hòa Sơn xã Tà Cạ và khu khối 1 thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) vẫn đang ngổn ngang, tơ vò. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an vẫn đang bám trụ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.

img

Lũ quét gây sạt lở đất khiến những ngôi nhà nằm chênh vênh

Lũ quét qua không chỉ gây hậu quả nặng nề về người và tài sản mà còn để lại “di chứng” khiến người dân khó an tâm sinh sống lâu dài nơi đây.

Theo quan sát, con suối Huồi Giảng (đoạn qua bản Sơn Hà và Hoà Sơn) vốn chỉ là khe nước nhỏ thì nay đã bị xé toạc, rộng ra cả chục mét. Có những khe nước chảy thẳng vào trong khu dân cư.

Chưa hết, nhiều ngọn núi bị sạt lở, đang có nguy cơ sạt lở tiếp, đe dọa đến an toàn của những người dân phía dưới.

Bà Thái Y Xày (ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ) cho biết: Lũ cuốn trôi hết nhà cửa, đồ đạc trong nhà rồi. 10 ngày nay bà vẫn đang phải ở nhờ nhà người thân vì chưa thể xây dựng lại nhà ngay.

img

Về lâu dài, phải di dời toàn bộ bản Hoà Sơn

“Giờ xây dựng nhà mới ở vị trí này cũng sợ lũ quay lại lúc nào không hay. Nếu nhà nước tìm được chỗ ở mới, gia đình sẽ chuyển đi để sinh sống cho an toàn, yên tâm”, bà Xày nói.

Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, hiện trên địa bàn toàn huyện có hơn 200 ngôi nhà có nguy cơ bị sập do sạt lở đất, trong đó có 36 nhà phải di dời khẩn cấp. Chỉ tính riêng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ có 20 ngôi nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Trao đổi với PV, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Ngoài những ngôi nhà có nguy cơ bị sập do sạt lở đất phải di dời khẩn cấp thì toàn bộ những nhà dân bị lũ ống, lũ quét làm hư hỏng không còn an toàn huyện cũng bắt buộc tháo dỡ hết và cho đi ở nhờ nhà người thân hoặc thuê trọ, huyện hỗ trợ một phần kinh phí.

img

Huyện Kỳ Sơn đã kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi những ngôi nhà không an toàn

“Toàn huyện có 14 nhà bị lũ ống, lũ quét làm hư hỏng, không còn an toàn đã được các lực lượng bộ đội, công an, biên phòng hỗ trợ tháo dỡ hết”, ông Rê nói.

Về dài hơi, huyện đã có tờ trình xin tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai để được rút ngắn các thủ tục làm khu tái định cư, sớm di dời toàn bộ những hộ dân đang ở nơi không an toàn đến nơi ở mới.

“Về lâu dài, cả bản Hoà Sơn với hơn 200 hộ là không an toàn, không thể ở, phải chuyển đến nơi ở mới”, ông Rê thông tin và cho biết thêm:

Bài toán di dời, tìm nơi định cư mới an toàn cho bà con lúc này là hết sức nan giải đối với chính quyền địa phương. Địa hình của kỳ Sơn chủ yếu một bên là núi dốc, một bên là vực sâu và sông suối. Huyện đã đi khảo sát 3 vùng, sau đó thống nhất cao một vùng bên kia sông, cũng thuộc xã Tà Cạ.

img

Nguy cơ sạt lở núi có thể tiếp tục xảy ra với người dân xã Tà Cạ, thị trấn Mường Xén bất cứ lúc nào

Vùng đất mới có thể không được rộng rãi như chỗ ở cũ nhưng an toàn. Vì vậy, trong vấn đề này, ngoài nỗ lực của chính quyền rất cần sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân.

Cũng theo ông Rê, ước tính để làm được khu tái định cư mới, từ giải phóng mặt bằng đến xây dựng hạ tầng… phải cần khoảng 70 - 80 tỷ đồng.

"Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới, phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, rất khó khăn thiếu thốn. Rất mong sự quan tâm của trung ương, tỉnh và các tổ chức, các mạnh thường quân", ông Rê nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.