Phương Thành Tranconsin và 10 năm khẳng định thương hiệu

23/06/2014, 06:57

Ngày 1/7 tới đây là ngày có ý nghĩa đặc biệt với tập thể cán bộ, nhân viên Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành khi đơn vị này vừa tròn 10 năm sau ngày chuyển đổi...

Rải thảm mét bê tông nhựa đầu tiên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Ngày 13/12/2012 tại gói thầu A7)
Rải thảm mét bê tông nhựa đầu tiên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
(Ngày 13/12/2012 tại gói thầu A7)


Gia nhập nhóm doanh nghiệp nghìn tỷ


Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) được cổ phần hóa từ Công ty Xây dựng và Dịch vụ GTVT- một doanh nghiệp trực thuộc Công đoàn GTVT VN và bắt đầu đi vào hoạt động từ 1/7/2004.  


Từ một doanh nghiệp nhỏ với lực lượng lao động chỉ có 107 người, đến nay Phương Thành Tranconsin đã có hơn 500 lao động lành nghề, chất lượng cao. Doanh thu của đơn vị cũng tăng đều đặn và có những bước tiến vượt bậc. Nếu như năm 2004 sản lượng chỉ đạt 100 tỷ đồng, năm 2010 đã lên đến hơn 820 tỷ đồng, năm 2013 đã là 955 tỷ đồng và dự kiến năm 2014 sẽ gia nhập nhóm các doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động năm 2004 chỉ vỏn vẹn hơn 1,6 triệu đồng, đến năm 2013 đã lên đến hơn 8,2 triệu đồng. Quan trọng hơn, Tranconsin được các chủ đầu tư và cơ quan chức năng đánh giá là một thương hiệu mạnh, một nhà thầu có uy tín trong lĩnh vực XDCB giao thông.


Nếu những năm đầu thành lập gần như chỉ làm được những cây cầu, con đường nhỏ, nay Tranconsin đã tham gia thi công ở nhiều tuyến đường cao tốc trọng điểm như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Long Thành - Dầu Giây và hàng loạt các dự án lớn trải khắp đất nước.


Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin cho biết: Để kinh doanh có hiệu quả, những năm qua đơn vị thực hiện triệt để phương châm: Bộ máy gọn nhẹ, quản lý tốt, giá cả hợp lý. Kiên quyết không đấu thầu giá thấp, không đầu tư kém hiệu quả và không tham gia các công trình chưa rõ nguồn vốn. Xác định con người là nhân tố quyết định, thời gian qua, Phương Thành Tranconsin đã tuyển dụng hàng trăm kỹ sư tốt nghiệp loại khá, giỏi từ các trường Đại học GTVT, Đại học Xây dựng để bổ sung vào nguồn nhân lực của Công ty, đồng thời cũng có những chế độ đãi ngộ xứng đáng với những cán bộ có năng lực và tâm huyết để người lao động luôn yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.


“Chính nhờ lực lượng kỹ sư có trình độ chuyên môn cao đã giúp Công ty xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào sân chơi quốc tế” - ông Khôi nói.

Cổ phần hóa sớm - bí kíp thành công


Ông Phạm Văn Khôi cho biết, cổ phần hóa là xu thế tất yếu và Phương Thành Tranconsin đã dự báo từ 10 năm trước. Với định hướng đa dạng các nguồn vốn, đặc biệt là đấu thầu song hành cả nguồn vốn trong nước và ODA để hỗ trợ nhau nên trong bối cảnh vốn liếng cho xây dựng giao thông sụt giảm, rất nhiều nhà thầu giao thông lao đao, sản lượng giảm sút phải cho người lao động nghỉ việc, nhưng Phương Thành Tranconsin không bị ảnh hưởng nhiều mà doanh thu vẫn tăng đều. Bên cạnh đó, khi các nguồn vốn ngày càng khó khăn, Phương Thành Tranconsin cũng tiến hành cơ cấu lại toàn diện bộ máy tổ chức và phương án quản lý với phương châm là đầu tư đúng hướng, giảm chi phí tối đa để tăng năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả hơn.
 

"Khi thành lập công ty có tên gọi là Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông (Tranconsin). Cái tên này chỉ có nghĩa chung chung là đầu tư xây dựng giao thông mà không có tên riêng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, năm 2011, HĐQT Tranconsin đã quyết định đổi tên thành Phương Thành Tranconsin để có tên giao dịch chính thức và gửi gắm tâm nguyện là gắn bó với lĩnh vực XDCB giao thông và dù có đi muôn phương, thi công ở mọi miền Tổ quốc hay ngoài nước xa xôi cũng mong giữ gìn thương hiệu, tạo được uy tín và bản sắc của riêng mình”.

 

Ông Phạm Văn Khôi 
Chủ tịch HĐQT  kiêm Tổng giám đốc

“Nếu cứ bám mãi vào miếng bánh nhà nước sẽ mất hết cơ hội đầu tư và huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Thực tế những năm qua, nguồn vốn nhà nước rất hạn hẹp, nguồn vốn ODA cũng ít dần mà chủ yếu trông chờ vào xã hội hóa. Trong khi đó, các nhà tài trợ, nhất là nhà tài trợ nước ngoài rất khắt khe và đưa ra nhiều quy định ràng buộc, doanh nghiệp Nhà nước khó tiếp cận được các dự án ODA. Do cổ phần hóa sớm nên Phương Thành Tranconsin đã nắm được cơ hội, tham gia đấu thầu và thắng thầu nhiều dự án giao thông lớn như: Các tuyến QL 1, QL37 Bắc Giang - Thái Nguyên, QL38 Hải Dương - Cầu Tràng, NH53.1; QL1 Thanh Hóa, Khánh Hòa; khu vực Tây Bắc: QL12 Lai Châu, đường Mường Lay - Nậm Nhùn, cầu Pắc Ma, Nậm Khao tỉnh Lai Châu; các tuyến đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi… nên tạo được uy tín lớn, là nền tảng cho thương hiệu Phương Thành Tranconsin hiện nay” - ông Khôi nói.

Sau các dự án trên, năng lực của Phương Thành Tranconsin lớn mạnh không ngừng. Tại dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, không những hoàn thành vượt tiến độ phần việc của mình tại gói thầu số 7, Phương Thành Tranconsin còn được Bộ GTVT tín nhiệm giao nhiệm vụ ứng cứu cho các nhà thầu phụ khác tại gói thầu số 7, hỗ trợ cho nhà thầu Doosan tại gói thầu số 6 và chi viện cho nhà thầu chính Keangnam tại gói thầu số 5. Với các sản phẩm đạt tiến độ và chất lượng thể hiện quyết tâm của toàn thể lãnh đạo và CB CNV Công ty là xây dựng thương hiệu phát triển bền vững nên gần đây, đơn vị đã tham gia đấu thầu và thắng thầu tại nhiều dự án cao tốc lớn, trong đó có Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành…


Về phương hướng tới đây, khi toàn bộ các Tổng công ty xây lắp lớn đã cổ phần hóa, mức độ cạnh tranh trong đấu thầu sẽ khốc liệt hơn nhiều lần, ông Phạm Văn Khôi cho biết đã lường trước được điều này. Cùng một sân chơi, các doanh nghiệp đều có cơ hội như nhau, yếu tố bất bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần sẽ bị loại trừ. Tuy nhiên, do đã cổ phần và hoạt động sớm nên Phương Thành Tranconsin có nhiều lợi thế về kinh nghiệm, sự ổn định, bởi các đơn vị mới cổ phần phải mất một thời gian dài mới định hình được bộ máy tổ chức và quản lý.


Bên cạnh đó, sau 10 năm hoạt động hiệu quả, đơn vị cũng tích lũy được số vốn kha khá. Từ chỗ vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 7,5 tỷ đồng, đến nay con số này đã lên tới 328 tỷ đồng. Số vốn này Phương Thành Tranconsin có thể đầu tư chiều sâu, mua sắm thêm trang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại, đồng thời tham gia đầu tư các dự án BOT và PPP giao thông. “Với mục tiêu phát triển bền vững, không vì phát triển mà quên đi chất lượng nên trong suốt những năm qua, các công trình do Phương Thành Tranconsin thi công đều không gặp sự cố nào về chất lượng, tiến độ đều đáp ứng được yêu cầu. Đây chính là điều ý nghĩa nhất và là phương châm theo đuổi của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty trong những năm sắp tới” - ông Khôi chia sẻ.

Đức Thắng
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.