Boeing 737 MAX có cơ hội quay trở lại bầu trời?
Thông báo của Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ đánh dấu Boeing 737 MAX gần hơn tới mục tiêu được cấp chứng nhận trở lại bầu trời.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ (FAA) vừa cho biết, sẽ sớm tiếp nhận các ý kiến cộng đồng về việc cấp lại chứng nhận an toàn cho dòng máy bay Boeing 737 MAX, vốn bị cấm bay kể từ tháng 3/2019 sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến dòng máy bay này. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, tương lai quay trở lại bầu trời của 737 MAX vẫn rất mờ mịt.
Bước ngoặt quan trọng
FAA vừa đăng tải danh sách những thay đổi về thiết kế và kỹ thuật lên trang web của Văn phòng Đăng ký liên bang. Công chúng có thể đóng góp ý kiến về những thay đổi trong thiết kế và trong các quy trình bay “nhằm giảm thiểu những vấn đề về an toàn được phát hiện trong quá trình điều tra các vụ tai nạn máy bay của hai hãng hàng không Lion Air và Ethiopian Airlines”. Giai đoạn tiếp nhận ý kiến kéo dài trong vòng 45 ngày.
Thông báo của FAA đánh dấu Boeing 737 MAX gần hơn tới mục tiêu được cấp chứng nhận trở lại bầu trời sau khi cơ quan này hoàn thành các chặng bay thử nghiệm dòng máy bay nói trên hôm 1/7.
Theo FAA, dù đây là một “cột mốc quan trọng” nhưng cơ quan này cũng nhấn mạnh quy trình cấp lại chứng nhận cho Boeing 737 MAX vẫn chưa chắc chắn và còn nhiều thủ tục khác sau quá trình tiếp nhận ý kiến công chúng. Các thủ tục sau đó bao gồm biên bản báo cáo cuối cùng về việc đánh giá và khắc phục những phản ánh từ công chúng, cũng như phê duyệt tài liệu về bản thiết kế hoàn chỉnh của Boeing. Tất cả các máy bay thuộc dòng MAX được chế tạo sau 2 vụ tai nạn trên cũng sẽ được các nhân viên của FAA trực tiếp kiểm tra nghiêm ngặt.
FAA cho biết cơ quan này sẽ chưa đưa ra quyết định khi nào các thủ tục trên được hoàn thành, đồng thời tiếp tục thực hiện quy trình phê duyệt một cách thận trọng và theo dõi kỹ những điều chỉnh của Boeing đối với 737 MAX. Cơ quan này sẽ chỉ gỡ bỏ lệnh cấm bay sau khi các chuyên gia khẳng định dòng máy bay nói trên đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận an toàn.
Hàng trăm máy bay MAX phải “đắp chiếu” trên toàn thế giới từ ngày 13/3/2019 sau vụ máy bay của hãng Ethiopian Airlines gặp nạn khiến 157 người thiệt mạng. Vụ tai nạn thảm khốc này xảy ra chỉ vài tháng sau vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên liên quan đến 737 MAX, khiến 189 người thiệt mạng của hãng Lion Air.
Hệ thống điều khiển bay tự động MCAS của dòng máy bay Boeing 737 MAX được cho là nguyên nhân gây ra cả hai vụ tai nạn của các hãng Ethiopian Airlines và Lion Air. Tuy nhiên, trong quá trình thay đổi thiết kế, Boeing cũng phát hiện các lỗi kỹ thuật khác, bao gồm lỗi liên quan đến hệ thống điện, khiến quy trình xem xét cấp lại chứng nhận an toàn kéo dài hơn dự kiến.
Không riêng Boeing, bản thân FAA cũng phải đối mặt với sự ngờ vực từ dư luận và cả nhiều chuyên gia chính phủ cùng Quốc hội Mỹ chỉ trích vì trách nhiệm trong quá trình phát triển MAX.
Một số đại diện như ông Peter DeFazio, Nghị sĩ đại diện bang Oregon của Đảng Dân chủ, hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Giao thông Hạ viện và ông Rick Larsen, đại diện Đảng Dân chủ bang Washington, Chủ tịch Tiểu ban Hàng không đã gửi thư yêu cầu FAA cung cấp bản khảo sát văn hóa an toàn của nhân viên.
Trở lại bầu trời, vẫn khó bán thêm máy bay
Theo nhiều nguồn tin, Boeing có thể đưa dòng máy bay bán chạy nhất thế giới Boeing 737 MAX quay trở lại bầu trời trong tháng 9 hoặc muộn là vào tháng 4 năm sau. Nhưng kể cả vậy, Boeing vẫn khó có thể bán thêm máy bay mới vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành, làm suy giảm nghiêm trọng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không. Bản thân các hãng đã mua máy bay của Boeing cũng đang muốn tiết kiệm, hủy đơn hàng để duy trì dòng vốn giữa thời buổi khó lường hiện tại.
Theo người phát ngôn của Boeing, ông Peter Pedraza, nhà sản xuất Boeing đang làm việc với các hãng hàng không để giải quyết vấn đề giao hàng. “Đây là khoảng thời gian thử thách với toàn ngành hàng không thương mại và chúng tôi tiếp tục làm việc chặt chẽ với khách hàng như giúp họ tìm kiếm những giải pháp tài chính đúng đắn.
Ông Ken Herbert, nhà phân tích tại Canaccord Genuity nhận định, trong bối cảnh trên, Boeing không chỉ đối mặt với nguy cơ bị hủy đơn hàng 737 MAX trong năm 2020 mà còn 439 máy bay khác đứng trước nguy cơ ế ẩm do các hãng hàng không có nhu cầu thấp, tiềm lực tài chính yếu, dự kiến đến hết năm 2021. Không dừng lại đó, Boeing còn đứng trước nhiều vấn đề phức tạp khác như toàn bộ những chiếc máy bay đã hoàn thành và chưa được giao cho khách cần liên tục được bảo dưỡng trước khi đến tay khách.
Như vậy, tham vọng giao toàn bộ máy bay đang tồn kho trong 12 tháng khi 737 MAX được đưa trở lại hoạt động gần như là quá tham vọng - ông Herbert nhận định.