Bóng đá Việt Nam và chuyện "ngồi nhầm ghế"
Nhiều đội bóng tại V-League thiếu sự chuẩn hóa trong xây dựng các chức danh ở bộ máy đầu não.
Điều này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh của CLB lẫn giải đấu.
Giám đốc kỹ thuật CLB Sài Gòn FC Lê Huỳnh Đức chỉ đạo chiến thuật với cầu thủ
Chức danh chỉ… tượng trưng
Cách đây không lâu, nhằm cứu vãn tình thế, CLB Sài Gòn FC đã mời HLV Lê Huỳnh Đức về làm Giám đốc kỹ thuật.
Tuy nhiên, ở các trận đấu mới nhất, ông Đức lại xuất hiện trên vai trò… HLV trưởng khi trực tiếp chỉ đạo chiến thuật, điều chỉnh nhân sự. Trong khi đó, dù vẫn đứng vai thuyền trưởng nhưng HLV Phùng Thanh Phương đã lùi lại bên cạnh giống một trợ lý.
Chuyện chẳng giống ai này thực tế không lạ lẫm với người hâm mộ V-League. Cách đây vài năm, CLB Nam Định từng điều chuyển HLV Nguyễn Văn Sỹ làm Giám đốc kỹ thuật. Anh trai ông Sỹ, HLV Nguyễn Văn Dũng đảm nhận vị trí HLV trưởng nhưng ông Sỹ mới là người nắm quyền thực chất.
Trong bóng đá chuyên nghiệp, Giám đốc kỹ thuật mang vai trò định hướng chuyên môn đội bóng, giải quyết các vấn đề thượng tầng như tìm kiếm HLV, chuyển nhượng cầu thủ. Giám đốc kỹ thuật thậm chí không được xuất hiện ở khu vực cabin của đội nhà.
Về phần mình, HLV trưởng là người trực tiếp cầm quân, chịu trách nhiệm cao nhất về mặt chuyên môn. Dẫu vậy, chẳng biết vô tình hay cố ý mà ông Đức, ông Sỹ lại “ngồi nhầm ghế”?!
Nhưng ít nhất hai câu chuyện trên còn diễn ra trực quan, dễ nhận biết, bởi tại V-League vẫn tồn tại ngầm hiện tượng can thiệp vào công việc của HLV trưởng.
Hồi tháng trước, HLV Trần Minh Chiến từng phát ngôn trên mạng xã hội ám chỉ việc ông bị chi phối về mặt chuyên môn.
Hay như nhiều thời điểm, ở CLB Bình Dương, giới mộ điệu hoàn toàn không rõ ai mới là người thực sự chỉ huy đoàn quân đất Thủ.
Rồi cả chuyện một số ông bầu có thói quen chỉ đạo chiến thuật, xuất hiện trên sân cầm sa bàn; chuyện chuyên gia thể lực bỗng được giao vai trò HLV trưởng.
Tại HLV hay tại ông bầu?
Đáng nói, hiện tượng “ngồi nhầm ghế” đã diễn ra từ lâu. Dù có gần 20 năm tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể tạo ra bộ mặt thực sự chuyên nghiệp.
Chẳng đâu xa, ngay tại Đông Nam Á, đa phần CLB Thái Lan, Malaysia hay Singapore đều đã có sự chuẩn hóa cho các chức danh ở bộ máy lãnh đạo, tránh chồng chéo, giẫm chân hoặc can thiệp vào công việc của nhau.
Bình luận viên Vũ Quang Huy nhìn nhận, hiện tượng “ngồi nhầm ghế”, thiếu rạch ròi về công việc thường có xu hướng diễn ra ở các đội bóng đang gặp khó khăn nhất định và mang màu sắc tình cảm: “Bóng đá Việt Nam là vậy, đôi khi họ nghĩ cần có một sự thay đổi để đem đến vận may mới nhưng lại không muốn chấm dứt hoàn toàn với người cũ. Hoặc do tư duy nhiều cái đầu sẽ hơn một cái đầu nên xúm lại làm, cho ý kiến”.
Đồng quan điểm, chuyên gia marketing thể thao Phan Hoàng cho rằng, sở dĩ xuất hiện thực trạng trên là do áp lực thành tích.
“Khi đội bóng đi chệch hướng, thành tích bết bát thường sẽ xảy ra việc lấn quyền, tiếm quyền bởi lúc đó ông chủ hay nhà tài trợ đều sốt ruột”.
Tuy vậy, ông Hoàng cũng đánh giá, việc thiếu nhất quán khi xây dựng bộ máy nhân sự vốn là điểm yếu cố hữu của bóng đá Việt Nam bởi tư duy “làm vì tình cảm”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, người sáng lập VietGoal - Trung tâm Bóng đá trẻ em lại có kiến giải khác, đó là bản thân HLV trưởng chưa đủ năng lực chuyên môn, chưa đủ tự tin để thể hiện cái tôi nên mới chấp nhận để bị can thiệp.
Ngược lại, những ông bầu, chủ tịch đội bóng cũng không hoàn toàn tin tưởng HLV do mình đưa về nên phải trực tiếp nhúng tay hoặc tìm thêm người về giám sát.
Tác động xấu tới bóng đá Việt Nam
Xét tổng thể, hiện tượng “ngồi nhầm ghế” tạo nên một bức tranh khá rối ren cho bóng đá Việt Nam. Từ điều này, bình luận viên Vũ Quang Huy nhận định, bóng đá Việt Nam nói chung, V-League nói riêng vẫn đang dò đường đi lên chuyên nghiệp.
“Sức mạnh tổng hợp là tốt nhưng nếu không có ranh giới rõ ràng sẽ làm cho cục diện đội bóng phát sinh rắc rối, tệ hơn là mất phương hướng. Về lâu dài, điều này sẽ khiến các CLB khó tập hợp được sức mạnh của các cá nhân thành một khối thống nhất, gây ảnh hưởng tới vấn đề chuyên môn”, ông Huy nêu quan điểm.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia Phan Hoàng đánh giá, câu chuyện “ngồi nhầm ghế” sẽ khiến bài toán thu hút nguồn lực từ bên ngoài bị cản trở: “Nếu tôi là nhà đầu tư đang muốn bỏ tiền vào đội bóng mà thấy nội bộ như vậy tôi buộc phải cân nhắc, hoặc rút hoặc giảm deal bởi tôi sợ ảnh hưởng tới quyền lợi. Tôi muốn lấy cầu thủ đi quay video quảng cáo, ai sẽ là người quyết định, rồi các ông không có tiếng nói chung thì tôi sẽ chịu thiệt”.
Ông Hoàng cũng phân tích, việc lôi kéo cầu thủ, chuyên gia nước ngoài sẽ bị tác động nhiều bởi việc thiếu ranh giới về nhiệm vụ của các thành viên.
Không ít chuyên gia nước ngoài đến rồi đi vì không thể làm việc ở các đội bóng V-League bởi họ không thể thích ứng được với phương pháp làm việc thiếu nhất quán, kém chuyên nghiệp.
Đôi khi họ làm Giám đốc kỹ thuật nhưng lại phải chịu sự chi phối của HLV trưởng, không có tiếng nói trong các vấn đề chuyên môn của đội, không được quyền tìm tân binh.
Bản thân các cầu thủ dù nội hay ngoại binh cũng sẽ phải cân nhắc khi tới một CLB như thế, bởi về rồi ai đảm bảo họ được thi đấu hay không?
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định, bản thân nhiều chức danh ở bóng đá Việt Nam hữu danh vô thực, bao gồm cả Giám đốc kỹ thuật.
Giám đốc kỹ thuật về lý thuyết sẽ quản lý HLV trưởng nhưng tại Việt Nam, HLV trưởng quyết định 80 -90% công việc của một đội bóng, từ tập luyện tới sinh hoạt, nghỉ phép, thi đấu hay chuyển nhượng.
“Việc điều chuyển từ HLV trưởng lên Giám đốc kỹ thuật nhìn thì là lên chức nhưng bản chất là bị mất hết tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, vì ràng buộc hợp đồng hay những yếu tố nội bộ mà một số đội bóng không thay hoàn toàn hai chức danh này, có thể nhằm giúp người mới không phải chịu quá nhiều áp lực. Nhưng dù thế nào nó cũng cấu thành nên sự thiếu chuyên nghiệp”, ông Nam nói.
Chủ tịch kiêm HLV trưởng
Nếu như Sài Gòn FC bổ sung Giám đốc kỹ thuật thì CLB TP.HCM lại để Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng trực tiếp cầm quân tạm thời.
Mùa giải 2020, Sài Gòn FC cũng để Chủ tịch Nguyễn Tiến Thành nắm quyền trên ghế nóng. Ông Phan Hoàng cho rằng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trong lúc cấp bách.
“Tuy là Chủ tịch đội bóng nhưng cả ông Thắng hay ông Thành đều từng làm HLV nên ông chủ thực sự muốn đưa xuống cầm quân. Nếu ổn thì dùng luôn như ông Thành hoặc không ổn sẽ tìm người thay như trường hợp ông Thắng. Nhìn chung, ngay từ việc tìm kiếm nhân sự cho mỗi vị trí ở một CLB cũng chưa chuyên nghiệp. Chủ tịch phải là người có tầm nhìn, có chiến lược phát triển rõ ràng cho đội bóng mà điều này thì một HLV đơn thuần khó đáp ứng”, ông Hoàng phân tích.