Văn hóa giao thông

Bóp còi inh ỏi - Sự thật xấu xí

23/10/2017, 07:45

Dùng còi xe cũng phải có văn hóa không phải chuyện bây giờ mới nói, song việc sử dụng còi vô tội vạ...

13

Ảnh minh họa

Dùng còi xe cũng phải có văn hóa không phải chuyện bây giờ mới nói, song việc sử dụng còi vô tội vạ, liên hồi, không theo qui ước nào, tiện thì bóp, thích thì bấm vẫn là thực tế, là sự thật xấu xí không thể phủ nhận.

Dễ dàng nhận thấy trên bất kỳ tuyến đường nào, vào bất kỳ thời điểm nào, cả khi đường thông thoáng hay khi đường ách tắc, vẫn có thể thấy những tiếng còi. Nhiều người thậm chí biết có bóp còi thì cũng không nhích lên được nhưng vẫn cứ bóp để… người phía trước phải sốt ruột mà tìm cách lách. Nhiều người thì rõ trước mặt trống trơn, đường thông hè thoáng nhưng cũng bóp còi… cho vui. Một số người về đến nhà thay vì bấm chuông cửa thì lại ngồi trên xe bóp còi…

Chuyện dùng còi xe thiếu văn hóa không chỉ gây khó chịu, bực bội cho người đi đường mà không ít trường hợp còn gián tiếp gây ra những tai nạn thương tâm. Trên thực tế, tiếng còi hơi từ các loại xe container, xe tải từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường. Người cứng tay lái còn đỡ, chứ người già hay phụ nữ yếu bóng vía mất tay lái, ngã như chơi…

Hẳn không ít người chứng kiến cảnh một số xe ben, xe khách, xe buýt, container, dùng còi hơi và… đùa ác ý với người đi đường, cố tình bấm còi hơi khi đang đi phía sau khiến nhiều người lái xe máy phía trước giật bắn người còn lái xe thì nhe nhởn cười. Đau lòng hơn, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra chỉ vì những lần bấm còi vô ý thức như thế.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phản đối hoàn toàn việc bóp còi xe. Nhà sản xuất đã thiết kế còi thì đương nhiên nó phải có tác dụng. Vấn đề là cần bấm còi đúng tình huống, có ý thức, không lạm dụng tiếng còi và phải đảm bảo tham gia giao thông an toàn.