Pháp luật

Các tỉnh miền Tây nói gì về mua kit test của Việt Á?

22/12/2021, 11:07

Đại diện một tỉnh cho biết: “Có đơn vị tham gia chào hàng với giá thấp hơn, nhưng sản phẩm xài không ổn bằng của Việt Á”…

Ngày 22/12, ông Trần Đắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh xác nhận, tỉnh này đã mua 2 đợt kit test từ Công ty Việt Á, trong đó, giá kit test mua đợt 1 là 470.000 đồng/bộ kit test, tổng số 11.520 bộ kit test, trị giá hơn 10,1 tỷ đồng. Mức giá này bao gồm vật tư kèm theo, như sinh phẩm...

Trước đó, trong năm 2020, tỉnh Trà Vinh bắt đầu triển khai việc xét nghiệm Covid-19 để phòng dịch. Thời điểm này có 1 tập đoàn đã tài trợ cho tỉnh máy xét nghiệm, và tỉnh đã bắt đầu mua hàng từ Việt Á.

Đặc biệt, loại máy này chỉ có sinh phẩm của Việt Á mới sử dụng được, những loại khác xài không được. Sau đó, tỉnh thống nhất giao về Sở Y tế làm đầu mối mua tập trung, và sở đã mua thêm đợt 2 với số lượng 43.200 bộ kit test, đơn giá 367.500 đồng/bộ kit test, cùng với vật tư kèm theo, tổng trị giá hơn 22 tỷ đồng.

img

Bị can Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. Ảnh: Bộ Công an

Theo ông Thanh, quá trình mua test xét nghiệm, có một số công ty tham gia chào hàng với giá thấp hơn Việt Á. Nhưng qua xem xét, thẩm định, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh có văn bản cho biết, những loại khác xài không ổn bằng của Việt Á. Hiện nay, do Việt Á đã ngừng cung cấp nên tỉnh buộc phải sử dụng test từ đơn vị khác.

Ghi nhận của PV cho thấy, nhiều tỉnh ở ĐBSCL như Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang… hầu hết đã chỉ định thầu mua kit test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Vì theo viện dẫn, nếu đấu thầu rộng rãi sẽ không kịp để phục công tác phòng dịch vốn rất cấp bách. Đặc biệt, giá bộ kit test đã được công bố công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế, vì thế các địa phương đều tin tưởng sử dụng sản phẩm.

Tại tỉnh Vĩnh Long, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, thời gian qua Sở Y tế Vĩnh Long không mua bộ kit test của Công ty Việt Á.

Tuy nhiên sau khi phát hiện việc thông đồng "thổi giá" kit test Covid-19 của Việt Á, Sở Y tế Vĩnh Long cũng đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra việc mua và sử dụng bộ kit test này trong thời gian qua để báo cáo lãnh đạo tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Còn tại Hậu Giang, UBND tỉnh này cũng đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc khẩn trương rà soát báo cáo các hợp đồng do Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc đã ký kết với Công ty Việt Á.

Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế khẩn trương rà soát, báo cáo tất cả các hợp đồng do Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc đã ký kết với Công ty Việt Á về việc mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bao gồm: thời điểm, số lượng, đơn giá, trình tự thủ tục mua sắm... Công văn yêu cầu Sở Y tế phải báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 23/12 tới.

img

Các đối tượng bị khởi tố trong vụ việc. Ảnh: BCA.

Như Báo Giao thông đã thông tin, ngày 10/12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An và triệu tập ghi lời khai trên 30 người có liên quan.

Đồng thời, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố đối với 7 bị can gồm: Phan Quốc Việt (SN 1980, quê Quảng Nam), Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp (SN 1986, quê quán Nam Định), Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo (SN 1984, quê quán tỉnh Long An), thủ quỹ Công ty Việt Á; Phan Tôn Noel Thảo (SN 1990, quê quán Quảng Nam), trợ lý Tài chính Công ty Việt Á; Trần Thị Hồng (SN 1995, quê quán tỉnh Thanh Hóa), là nhân viên Kinh doanh Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến (SN 1965, quê quán Hải Dương), Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương; Nguyễn Mạnh Cường (SN 1985, quê quán tỉnh Hải Dương), nguyên là Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ triệt phá đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARs-CoV-2 - kit test xét nghiệm xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các nhân sự của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/bộ kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.