Cách nào để xe buýt hấp dẫn hơn?
Chiều nay (25/7), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh”.
Người dân chưa mặn mà với xe buýt
Phát biểu tọa đàm: “Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh" diễn ra chiều nay (25/7), các chuyên gia, nhà quản lý đã thảo luận nhiều vấn đề nóng liên quan hoạt động của xe buýt. Nhiều câu hỏi được đặt ra như mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá, nhưng xe buýt vẫn kêu lỗ, trong khi đó lại có địa phương 100% xe buýt không được trợ giá nhưng "sống khỏe".
Dư luận băn khoăn vấn đề: Cơ chế quản lý nói chung và trợ giá xe buýt nói riêng có còn phù hợp? Có hay không sự lãng phí trong việc trợ giá? Tại sao những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực vận tải xe buýt đã diễn ra nhiều năm mà vẫn chưa có lời giải căn cơ? Làm thế nào để "vực dậy" vận tải xe buýt?…
Doanh nghiệp Phương Trang khai thác vận tải hành khách công cộng ở TP. HCM đạt hiệu quả dù không được trợ giá - Ảnh minh hoạ
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội ô tô VN cho rằng: Nguyên nhân chủ quan khiến xe buýt ở nhiều địa phương hiện nay chưa hấp dẫn hành khách do xe cũ, xuống cấp, nhà xe thiếu chuyên nghiệp, thiếu tiềm lực tài chính, nhân viên phục vụ chưa tốt, vẫn còn tệ nạn móc túi, quấy rối trên xe; điểm lên xuống chưa thuận tiện, thời gian giãn cách giữa các chuyến dài, khiến khách hàng phải chờ đợi lâu, chưa tạo thuận lợi cho người cao tuổi, người khuyết tật;…
Đồng quan điểm, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá: "Dịch vụ của xe buýt chưa tạo được sự yên tâm cho người dân. Qua báo chí qua công luận, có bài báo đã đưa tin xe buýt là hung thần đường bộ gây ra nhiều vụ tai nạn, thậm chí có cả xe buýt cố tình gây tai nạn.
Bản thân diện tích của xe buýt không lớn, 1 xe máy 4 m2, 10 xe máy hơn cả xe buýt, nhưng đấy là tính toán mang tính cơ học. Tính cơ học của xe buýt hiện nay trong đường phố không thể như xe máy. Chính vì thế tiết diện của nó tạo ra trên đường phố gây cản trở rất nhiều, gây ách tắc giao thông.
Theo ông Nhưỡng, cái mà người dân cần nhất ở xe buýt là sự đúng giờ.
"Đi xe buýt giờ chưa thực sự tiện lợi. Trong khi đó, đi xe máy thì "vù cái đến tận nơi". Thái độ của nhân viên trên các xe buýt chưa phù hợp, thậm chí có người rất hùng hổ. Tôi đã đọc những bài báo người ta nói không đi xe buýt chỉ vì có 1 lần nhân viên đối xử không đến nơi đến chốn", ông Nhưỡng cho hay.
Để xe buýt hấp dẫn, văn minh
Các chuyên gia, nhà quản lý tại toạ đàm đều khẳng định: Xe buýt là sự lựa chọn không thể thiếu của một đô thị văn minh. Để người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, đặc biệt tại Hà Nội và TP. HCM, cần có giải pháp đột phá.
Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Rõ ràng, hầu hết các nước trên thế giới sử dụng xe buýt là phương tiện giao thông công cộng đáp ứng kỳ vọng của người dân. Đó cũng chính là giải pháp giải quyết không chỉ vấn đề giao thông mà cả vấn đề an ninh an toàn trật tự giao thông, an toàn trật tự xã hội.
Chúng ta có thể thấy vận tải xe buýt ở những nước văn minh như Anh, Pháp rất đáng mơ ước. Nước ta phát triển xe buýt cũng rất nhiều năm. Chúng ta đã từng bỏ tàu điện để thay thế bằng những tuyến xe buýt. Người dân dần dần có thói quen đi xe buýt, và đặc biệt khi có loại hình xe buýt mới có điều hòa thì người dân rất hồ hởi phấn khởi. Tuy nhiên cần phải đầu tư hạ tầng giao thông.
Việc này cần làm bài bản để doanh nghiệp nhảy vào cuộc bằng cơ chế khuyến khích, trợ giá, đấu thầu minh bạch. Đấu thầu phải rõ ràng bao nhiêu năm, xe của nước nào… Quan trọng nhất là kiểm soát nguồn thu.
Nhiều chuyên gia cho rằng trợ giá cho người dùng xe buýt, nhưng cách thức trợ giá phải rõ tổng chi thế nào thì trợ giá, thu bao nhiêu tập trung cho doanh nghiệp để thanh quyết toán. Khuyến khích đưa doanh nghiệp đổi mới dịch vụ.
"Không thể không đấu thầu. Nhà nước phải thay nhân dân tìm được nhà thầu tốt nhất, đấu thầu phải đoàng hoàng chứ không quân xanh quân đỏ. Thứ hai là quy hoạch. Quy hoạch này phải nằm trong quy hoạch về kinh tế - xã hội nói chung. Tôi phản đối quy hoạch các loại đô thị lớn mọc lên ở 2 đầu tàu kinh tế.
Thứ ba là quy hoạch con người. Những nơi nào thiết kế quy hoạch quan trọng phải đưa những người có năng lực quan tâm đến lĩnh vực đó và tự tổ chức bộ máy để tham mưu.
Quy hoạch giao thông thì việc phân luồng tuyến bến bãi phải rõ ràng. Xe buýt không được xung đột với các loại hình giao thông khác, xe buýt phải nằm trong luồng tuyến của các loại hình khác thì mới có nhiều giá trị.
Nhà nước phải phổ biến pháp luật để ủng hộ chính sách về xe buýt, giữa xe chạy xăng dầu và điện. Cần nghĩ đến người dân và dân cư khu vực nào thì các chính sách cần thông qua ý kiến của người dân, hiệp hội… Nếu làm chính sách kiểu cứ đút chân vào bàn đưa ra chính sách là cưỡng bức với xã hội", TS. Nhưỡng nêu.
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả với loại hình vận tải buýt không trợ giá, ông Đào Viết Ánh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines) chia sẻ: Mục tiêu lớn nhất mà Phương Trang hướng tới là cung cấp cho người dân các dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chất lượng cao, để người dân được trải nghiệm các chuyến xe buýt hiện đại, chuyên nghiệp, với phương tiện được đầu tư mới 100%, đặc biệt đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ được đào tạo bài bản về nghiệp vụ lái xe an toàn, cũng như thái độ phục vụ hành khách. Qua đó người dân có thể thay đổi cách nhìn về sử dụng xe buýt, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, đồng thời góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Về thực trạng doanh nghiệp khai thác tuyến xe buýt bỏ, trả lại tuyến hoặc yêu cầu nâng mức giá, ông Ánh cho rằng: Khi tham gia đấu thầu một tuyến xe buýt nào, doanh nghiệp sẽ biết được mức trợ giá ở trong đó. Sau khi tiếp nhận thông tin, doanh nghiệp có trách nhiệm khảo sát, tính toán tất cả chi phí để từ đó biết được mức trợ giá có phù hợp hay không. Khi đã quyết định tham gia đấu thầu và nhận đặt hàng với mức trợ giá ấn định thì không thể than lỗ để lấy lý do bỏ tuyến, ngưng tuyến, không tiếp tục khai thác.
"Theo suy nghĩ của tôi, doanh nghiệp khi đã nhận trợ giá từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình, không thể báo lỗ, yêu cầu tăng mức trợ giá hay ngừng khai thác tuyến như hiện nay", ông Ánh nói.
Các nhà quản lý tại toà đàm cũng yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu đề án xe buýt của riêng mình và tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư. Phải nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân để tổ chức đấu thầu nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vận tải tham gia. Những tuyến kém phải yêu cầu doanh nghiệp đổi mới và cải thiện dịch vụ, nếu hết thời hạn không thực hiện thì thu hồi để các doanh nghiệp uy tín tham gia.
Quá trình đấu thầu công khai minh bạch và kèm bộ tiêu chí chất lượng dịch vụ để người dân biết và chấp nhận chất lượng dịch vụ. Đừng bao cấp xin cho nữa để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ, người dân cũng tự quyết định, chất lượng cao thì giá cao mà chất lượng vừa thì vừa tiền.