Quản lý

Cần sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ chạy tàu an sinh

21/08/2019, 07:07

Doanh nghiệp tổ chức chạy tàu muốn bỏ và dừng chạy tàu, tuy nhiên vẫn phải chạy để giữ hạ tầng đường sắt và phục vụ an sinh.

img
Tàu Long Biên - Quán Triều, toa ngồi mềm điều hòa nhưng khách vắng, rải rác, chỉ trên 30 người

Trong khi đó, dù cơ chế hỗ trợ, bù lỗ đã được quy định trong Luật Đường sắt 2017, tuy nhiên vẫn chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn...

Doanh nghiệp muốn bỏ vì lỗ tiền tỷ

PV Báo Giao thông đem thực tế các chuyến trải nghiệm trên tàu Yên Viên - Hạ Long, Long Biên - Quán Triều trao đổi với bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - đơn vị quản lý chạy tàu các đoàn tàu an sinh trên, bà Hà thẳng thắn thừa nhận, đây là thực tế diễn ra từ lâu nay. “Chạy tàu không hiệu quả, có nên chạy nữa không?”. Không e dè, bà Hà nói thẳng: “Không nên! Mỗi năm, dù đã được Tổng công ty Đường sắt VN giảm nhiều chi phí về sức kéo, điều hành GTVT, công ty chúng tôi vẫn phải chịu lỗ hơn 20 tỷ cả 3 tuyến”.

Bà Hà cho biết, giờ đã là doanh nghiệp cổ phần nên công ty không thể cứ gánh lỗ mãi. Trước tình hình các mác tàu này quá thua lỗ, đầu năm 2018, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội đã cho dừng chạy tàu Long Biên - Quán Triều và tàu Hà Nội - Đồng Đăng, còn tàu Yên Viên - Hạ Long rút bớt từ chạy hàng ngày xuống còn một đôi/tuần. Tuy nhiên, sau đó, Tổng công ty Đường sắt VN đề nghị tiếp tục chạy tàu để giữ hạ tầng đường sắt. Cùng đó, nhiều địa phương và người dân cũng đề nghị chạy lại để phục vụ an sinh nên đến tháng 9/2018, công ty mới cho chạy lại.

Để minh chứng về thực trạng lỗ triền miên này, bà Hà nêu ví dụ, năm 2017 là năm chạy tàu bình thường, duy trì chạy tàu hàng ngày trên các tuyến, doanh thu tàu Yên Viên - Hạ Long đạt hơn 1,19 tỷ đồng, nhưng chi phí lại tới hơn 15,2 tỷ đồng, lỗ hơn 14 tỷ đồng. Tương tự, tàu Long Biên - Quán Triều thu hơn 1,6 tỷ, chi gần 11 tỷ, lỗ hơn 9 tỷ; tàu Hà Nội - Đồng Đăng thu hơn 2,6 tỷ, chi hơn 13 tỷ, lỗ hơn 10 tỷ. Chỉ tính riêng tàu Long Biên - Quán Triều, 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu chỉ đạt hơn 791 triệu đồng, bình quân 1 đoàn tàu doanh thu được hơn 2,1 triệu đồng mỗi ngày. Trong khi đó, chi phí phải bỏ ra để chạy một đoàn tàu hơn 12 triệu đồng.

“Chúng tôi đã tính toán để giảm chi phí tối đa, một đoàn tàu chỉ có 2-3 toa xe nhưng hành khách vẫn quá ít. Trong khi đó, chạy 1 đoàn tàu phải chi tiền thuê đầu máy kéo, thuê điều hành GTVT, trả phí thuê hạ tầng đường sắt, rồi chi phí máy phát điện, nhân viên phục vụ trên tàu, nhân viên bán vé ở ga. Chưa kể các chi phí khác như khấu hao, bảo trì, chỉnh bị toa xe, nhiên liệu…”, bà Hà nói.

Vẫn phải chờ cơ chế hỗ trợ

img
Tàu Yên Viên - Hạ Long, hành khách ngồi với cả hàng hóa, rau củ

Cũng theo bà Phùng Thị Lý Hà, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét đưa các mác tàu này vào diện tàu an sinh để được Nhà nước hỗ trợ giá. Tuy nhiên, hiện còn vướng về mặt thủ tục mà trước tiên là tiêu chí xác định thế nào là tàu an sinh.

Dù có tăng toa, khách đông kín chỗ, các đoàn tàu này vẫn chắc chắn lỗ. Vì khách đi các mác tàu này chủ yếu đi ngắn, giá vé rẻ nên tổng thu không thể cao được; trong khi chi phí phải bỏ ra rất cao. Khi xây dựng giá vé chúng tôi đã biết chắc chắn là lỗ rồi. Vì nếu tính đủ các chi phí thì giá sẽ rất cao, không thể cạnh tranh với ô tô. Thường để hút khách, những tàu này, chúng tôi xác định ngay từ đầu, giá vé phải thấp hơn nhiều so với giá vé ô tô cùng cung chặng. Do đó, dù có phương án kín chỗ vẫn lỗ.
Ông Đỗ Tuấn, Phó phòng Kế hoạch Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội


“Khi công ty có văn bản đề nghị Nhà nước hỗ trợ chạy tàu an sinh, đã có ý kiến cho rằng, chỉ tuyến nào không có ô tô khách phục vụ người dân đi lại thì mới được chạy tàu an sinh. Nếu vậy hiện nay ô tô khách đã “phủ sóng” khắp nơi, có điều là đường ô tô xa hay gần với bà con thôi”, bà Hà nói và cho rằng, việc xác định tàu an sinh hay không cần được nhìn rộng hơn cả về nhu cầu vận chuyển và lợi ích kinh tế - xã hội. Hiện, vẫn còn không ít những người dân chỉ có thể đi lại bằng tàu hỏa trên các tuyến này như nhà xa đường bộ, say xe... Ngoài ra, còn giải quyết thêm việc làm và thu nhập cho người lao động tham gia duy tu kết cấu hạ tầng đường sắt và tổ chức chạy tàu trên các tuyến này.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Sĩ Mạnh, Phó tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tổng công ty cũng mong tổ chức chạy những mác tàu này để duy trì tuyến, tránh lãng phí hạ tầng đường, ga, tránh mất mát vật tư, thiết bị đường sắt.

“Đây là những tuyến mà thỉnh thoảng mới có tàu hàng, nhất là tuyến Yên Viên - Hạ Long, Long Biên - Quán Triều. Vì vậy, nếu không tổ chức chạy tàu khách, kinh phí cho duy tu hạ tầng đường sắt sẽ phải cắt giảm, lực lượng lao động cũng vậy. Khi đó vấn đề đảm bảo hành lang ATGT đường sắt, chất lượng hạ tầng rất khó duy trì tốt. Lúc cần chạy tàu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt hoặc phục vụ an ninh - quốc phòng sẽ không có đủ điều kiện về hạ tầng để thực hiện”, ông Mạnh nói.

Liên quan đến những băn khoăn của doanh nghiệp, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, Luật Đường sắt 2017 và Nghị định 65/2018 đã quy định, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong việc thực hiện nhiệm vụ vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội. Nguyên tắc là đảm bảo bù đắp chi phí hợp lý, để doanh nghiệp cân đối được thu chi và không tính đến lợi nhuận; Chi phí hợp lý của doanh nghiệp phải được xác định, thống kê đầy đủ, cụ thể cho từng chuyến tàu trên từng tuyến, khu đoạn đường sắt. Nghị định 65 cũng quy định quy trình, thủ tục hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.

Tuy nhiên, ông Khôi cũng cho biết, thực tế hiện chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể các thủ tục này để thanh quyết toán khi chạy tàu an sinh.

“Hiện, Cục Đường sắt VN đang hoàn thiện dự thảo thông tư quy hướng dẫn chi tiết quy trình, hồ sơ thanh quyết toán, thủ tục hỗ trợ giá thực hiện nhiệm vụ vận tải an sinh xã hội trình Bộ GTVT thẩm định, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để ban hành đúng quy định”, ông Khôi cho hay.