Covid-19 TP.HCM ngày 22/7: 1 ngày có 4.218 trường hợp mắc mới
Covid-19 TP.HCM ngày 22/7: HCDC nhận định, tính từ 19h ngày 21/7 đến 19h ngày 22/7, thành phố ghi nhận 4.218 trường hợp mắc mới.
Tối 22/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, thành phố có thêm 1.785 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc ghi nhận trong ngày là hơn 4.200 người.
Theo HCDC, tính từ 6h đến 18h ngày 22/7, TP.HCM có thêm 1.785 ca COVID-19 mới được Bộ Y tế công bố. Như vậy, tính từ 19h ngày 21/7 đến 19h ngày 22/7, thành phố ghi nhận 4.218 trường hợp mắc mới.
Hơn 95% phát hiện dương tính qua lần xét nghiệm đầu tiên trong khu cách ly, phong tỏa cho thấy trường hợp nhiễm mới là do diễn tiến của bệnh từ F1 thành F0, không có cơ sở để khẳng định do lây nhiễm trong khu cách ly, phong toả.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có tổng cộng 45.561 ca mắc COVID-19 được công bố.HCDC cho biết, thành phố đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 5 với khoảng 615 điểm tiêm tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Theo đó, người mắc bệnh (thận mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), người có tình trạng béo phì và người trên 65 tuổi sẽ được tiêm ở bệnh viện; những đối tượng còn lại sẽ được tiêm ở các điểm cộng đồng.
Trung bình mỗi điểm sẽ tiêm cho 120 người/ngày, có thể tăng lên 200 người/ngày và thành phố dự kiến tiêm xong 930.000 liều trong 2-3 tuần.
Dịch chưa đạt đỉnh, không phát sinh ổ dịch mới
Dù số ca dương tính những ngày qua vẫn còn cao, nhưng theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), dịch Covid-19 tại TP vẫn chưa đạt đỉnh.
Mặc dù diễn biến phức tạp, nhưng TP đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng về dịch bệnh, đó là không phát sinh ổ dịch mới.
Mặc dù diễn biến phức tạp, nhưng TP đã ghi nhận một số tín hiệu đáng mừng về dịch bệnh, đó là không phát sinh ổ dịch mới. Hơn 95% phát hiện dương tính qua lần xét nghiệm đầu tiên trong khu cách ly, phong tỏa cho thấy trường hợp nhiễm mới là do diễn tiến của bệnh từ F1 thành F0, không có cơ sở để khẳng định do lây nhiễm trong khu cách ly, phong toả.
Đại diện HCDC cho biết, trong 3 kịch bản đã đề ra sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh hiện tại của TP đang phù hợp với kịch bản thứ 2. Do đó, TP sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội triệt để hơn trong thời gian 1 tuần hoặc 10 ngày tới để ngăn chặn được nguồn lây lan và đạt được đỉnh dịch.
Ngoài ra, TP sẽ tập trung cao việc phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0 với mô hình 5 tầng theo đề nghị của ngành y tế.
Tầng 1 là cách ly tạm thời người nghi nhiễm, chờ kết quả PCR để xem xét cho cách ly tập trung tại địa phương.Tầng 2 là tầng F0 có triệu chứng cần điều trị, chủ yếu ở bệnh viện quận.
Tầng 3 và 4 dành cho F0 vừa có triệu chứng vừa có bệnh nền, cần điều trị ở tuyến cao hơn.
Tầng 5 dành cho F0 có triệu chứng nặng nhất sẽ được tập trung điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong.
Theo HCDC, tính từ 19h30 ngày 21/7 đến 6h ngày 22/7, TP ghi nhận thêm 2.433 ca mắc Covid-19 mới được Bộ Y tế công bố. Như vậy, từ ngày 27/4 đến nay, TP đã có hơn 43.700 bệnh nhân.
Các F0 đi theo hướng dẫn của nhân viên y tế để ra xe trở về nhà.
200 bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến số 4 TP.HCM xuất viện
Ngày 22/7, BS.CKII Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 cho biết, đã có 200 F0 tại bệnh viện được xuất viện. Những người này có 3 lần liên tục có kết quả xét nghiệm nCoV âm tính và đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xuất viện về nhà tiếp tục cách ly.
Được trở về nhà sau nhiều ngày cách ly, điều trị tại bệnh viện, nhiều bệnh nhân rất vui. Họ chuẩn bị hành lý, đồ dùng cá nhân cá nhân nhanh chóng rồi xuống sân bệnh viện lần lượt lên xe để về nhà.
Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4, ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 7/7, có tổng công suất 4.000 giường. Những ngày đầu, nỗi ám ảnh lớn nhất của các bệnh nhân, ngoài điều kiện sinh hoạt chưa quen là việc lấy mẫu xét nghiệm.
Ngoài các F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ còn có nhiều người trở nặng nhanh, phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Bệnh viện được trang bị các bình oxy, máy X-quang, siêu âm… để có thể đáp ứng được tình huống ca F0 có bệnh lý nền, lớn tuổi, người béo phì nhanh trở nặng, suy hô hấp.
Bác sĩ Nam cho biết, tại bệnh viện, hàng ngày các bác sĩ và điều dưỡng theo dõi dấu hiệu sinh tồn, gồm đo huyết áp, nhịp thở, SPO2 cho bệnh nhân. Với những F0 khỏe mạnh sẽ được theo dõi 2 lần/ngày, bệnh nhân có biểu hiện mức độ trung bình sẽ theo dõi 4 giờ/lần.
Tổng số lượng vaccine được phân bổ đợt 5 tại TP HCM là hơn 930.000 liều, gồm 3 loại vaccine AstraZeneca, Moderna và Pfizer.
Vaccine được phân bổ đợt 5 tại TP.HCM là hơn 930.000 liều
Hiện tại, vaccine đã được cơ quan y tế chuyển đến Trung tâm y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức. Toàn TP.HCM sẽ vận hành 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm.
Mỗi phường, xã sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Nếu tiến độ đảm bảo, trong 2 tuần tiêm xong 930.000 liều. Tổng số lượng vaccine được phân bổ đợt 5 tại TP.HCM là hơn 930.000 liều, gồm 3 loại vaccine AstraZeneca, Moderna và Pfizer.
Tại các điểm tiêm đều bố trí các tổ cấp cứu túc trực để đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. Tại nơi phong tỏa sẽ không tổ chức tiêm, nhưng ngay khi gỡ phong tỏa sẽ tổ chức tiêm cho người dân.
Đối tượng được tiêm vaccine trong đợt này ưu tiên cho những người mắc các bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường), người trên 65 tuổi.
Người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế, người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế. Người tham gia trực tiếp phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, tình nguyện viên, phóng viên...).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, người dân không nên so sánh các loại vaccine vì chất lượng tất cả như nhau, được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đánh giá đều có hiệu quả. Việc phân bổ vaccine gì cho đối tượng nào phải căn cứ theo khuyến cáo của loại vắc xin đó, có loại dùng cho người già, nhưng có loại dùng cho người trẻ...
Giám sát đột xuất việc người dân thực hiện cách ly y tế tại nhà trên địa bàn Quận 5 ngày 19/7/2021.
TP.HCM ra văn bản khẩn điều trị F0 không triệu chứng
UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn yêu cầu các địa phương lập khu điều trị cho F0 và xem xét cách ly tại nhà F0 mới không có triệu chứng lâm sàng.
Ngày 21/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký công văn hướng dẫn phối hợp giữa y tế, địa phương và gia đình tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho F0 tại các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu UBND các địa phương ban hành ngay quyết định thành lập cơ sở cách ly tập trung cho F0 thuộc địa bàn quản lý. Đối tượng áp dụng là các F0 kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR dương tính và không có triệu chứng lâm sàng; không bệnh lý nền hoặc có bệnh lý nền nhưng đã được điều trị ổn định, không béo phì.
Các cơ sở cách ly F0 tập trung trên địa bàn có thể dùng cơ sở hạ tầng có sẵn như: Ký túc xá trường học, chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học... Quy mô căn cứ theo số F0 được phát hiện và điều kiện mỗi địa phương. Địa phương phải bố trí khu cách ly riêng biệt cho người xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính (chưa có kết quả PCR) và người đã có kết quả PCR dương tính.
Mỗi cơ sở cách ly tập trung phải bố trí phòng sơ cấp cứu với trang thiết bị cơ bản, có bình oxy (ít nhất 5-10 bình). Các trang thiết bị y tế và thuốc cần có như: Bộ dụng cụ cấp cứu cơ bản, thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu qua da (SpO2), phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc hạ sốt, vitamin...
Ban quản lý cơ sở cách ly phải do Phó Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức làm trưởng ban. Trường hợp địa phương nhiều cơ sở cách ly tập trung khác nhau, UBND quyết định dựa trên quy mô. Nhân sự chuyên môn gồm bác sĩ, điều dưỡng từ nguồn nhân lực bệnh viện, trung tâm y tế, Sở Y tế; khuyến khích vận động nguồn lực y tế tư nhân và bác sĩ nghỉ hưu có sức khỏe tốt trên địa bàn.
Tại cơ sở cách ly tập trung, khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng thì khẩn trương cho người bệnh thở oxy và liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc tổ cấp cứu ngoại viện của bệnh viện địa phương để chuyển bệnh nhân đi điều trị kịp thời. Khi có nhu cầu chuyển viện (không cấp cứu), đơn vị gọi Tổng đài 115 để được điều phối xe chuyển viện. UBND TP cũng khuyến khích địa phương huy động xe vận chuyển hành khách, xe cấp cứu tư nhân để chủ động chuyển người bệnh.
Xe vận chuyển hành khách này phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc gồm: Có kết cấu khoang riêng biệt giữa người bệnh, nhân viên y tế và tài xế; tài xế được cấp giấy chứng nhận sử dụng trang phục phòng hộ (PPE); tài xế được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Với trường hợp F0 không có triệu chứng lâm sàng, thời gian cách ly tập trung là 7 ngày nếu kết quả xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với giá trị CT =30. Trường hợp dương tính có CT<30 thì xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi 2 ngày, khi kết quả này âm tính thì cho phép người bệnh tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Với F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng, ngành Y tế xem xét cách ly tại nhà nếu kết quả xét nghiệm PCR giá trị CT=30 và hội đủ điều kiện theo quy định của ngành.
Tại quầy rau củ qủa chợ Ngã Ba Bầu (P Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM) tiểu thương chấp hành phòng chống dịch, ghi nhận sáng 18/7/2021
Phong tỏa phường 19, quận Bình Thạnh từ 0h ngày 22/7
Trưa 21/7, bà Bùi Thị Hồng Quế, Chủ tịch UBND phường 19, quận Bình Thạnh,TP.HCM xác nhận, chiều 20/7, UBND quận Bình Thạnh có thông báo quyết định phong tỏa phường 19 từ 0h ngày 22/7 đến khi có thông báo mới.
Theo bà Quế, thống kê đến chiều 20/7, trên địa bàn phường 19 ghi nhận 167 ca mắc Covid-19.
Trong thời gian phong tỏa, người dân không được ra khỏi phường, trừ nhân viên y tế, những người thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
Phường 19 có hơn 19.000 dân với nhiều khu đông dân cư (chung cư Phạm Viết Chánh, Nguyễn Ngọc Phương...) và chợ Thị Nghè...
Phong tỏa phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM từ 0h ngày 22/7.
Lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết vấn đề cấp bách tại TP.HCM
Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 1292 thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Quyết định nêu rõ, thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, đặt tại TP.HCM để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
Tổ trưởng Tổ công tác là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; tổ phó gồm: Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Các Thành viên của tổ là Thứ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND TP.HCM.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tổ công tác theo thẩm quyền; vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các thành viên là Thứ trưởng các bộ thực hiện quyền hạn của Bộ trưởng trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ mình và phối hợp với các Thành viên Tổ công tác để thực hiện công tác điều phối chung của Tổ và thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác khẩn trương thống nhất với các thành viên của Tổ về quy chế tạm thời hoạt động của Tổ công tác để kịp thời triển khai Nghị quyết này, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia.
Việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được đề ra trong Nghị quyết số 78 về phiên họp chuyên đề phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính phủ vừa ban hành. Ngoài ra, Nghị quyết 78 cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (19 tỉnh thành) phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Các địa phương này chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16.