Cuối tháng 9, bàn giao dứt điểm mặt bằng làm kè sông nghìn tỷ ở Cần Thơ
Lãnh đạo TP Cần Thơ yêu cầu bàn giao 100% mặt bằng cho dự án kè sông Cần Thơ vào cuối tháng 9, để dự án sớm hoàn thành vào cuối năm nay.
Mấu chốt ở 571m mặt bằng
Ngày 18/7, UBND thành phố Cần Thơ cho biết, vừa có buổi làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam về việc xin gia hạn thời gian rút vốn 125 tỷ đồng từ đơn vị này cho dự án kè sông Cần Thơ.
Kè sông Cần Thơ được gia hạn thời gian rút vốn đến cuối năm 2023.
Trong buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư dự án cho biết, dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 5.160m, hiện đã bàn giao mặt bằng hơn 4.588m, đạt 88,9%, còn lại hơn 571m chưa bàn giao.
Tổng giá trị thực hiện dự án này đã đạt 80% (398/501 tỷ đồng). Đối với khối lượng xây lắp còn lại, theo kế hoạch của chủ đầu tư và nhà thầu, nếu phần chiều dài mặt bằng còn lại được bàn giao trong tháng 9/2023, dự án sẽ hoàn thành vào trong năm nay.
Theo chủ đầu tư, vướng mắc lớn nhất hiện tại là mặt bằng. Công tác này ảnh hưởng đến tiến độ dự án và tiến độ giải ngân vốn. Do đó, chủ đầu tư mong muốn hai quận Ninh Kiều và Cái Răng ủng hộ, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Song song với việc được gia hạn rút vốn đến cuối năm, dự án cũng phải hoàn thành cùng thời điểm.
Một trong những khó khăn mà dự án cũng gặp phải là thủ tục xin gia hạn số vốn ODA còn lại từ AFD để tiếp tục giải ngân cho khối lượng xây lắp. Sau các buổi làm việc với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và các bên liên quan cũng đã thống nhất việc gia hạn thời gian rút vốn.
Các sở ngành đã tham mưu cho UBND thành phố Cần Thơ có văn bản trình Bộ Tài chính. AFD sẽ nhận văn bản từ Bộ Tài chính chậm nhất là ngày 30/7 để có cơ sở gia hạn thời gian rút vốn cho dự án.
AFD đồng ý gia hạn rút vốn
Tại buổi làm việc, ông Hervé Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến nhiều vấn đề của dự án. Trong đó có công tác bồi hoàn tái định cư cho người dân, tiến độ xây dựng các gói thầu từ đây đến cuối năm có hết 125 tỷ đồng hay không?
Ông Connan cho biết, vốn ODA đã rót cho dự án khoảng hơn 337 tỷ đồng.
Theo chủ đầu tư, mấu chốt của dự án nằm ở hơn 571m mặt bằng chưa bàn giao được.
Phần vốn còn lại khoảng 125 tỷ đồng, Cần Thơ cần tính toán cụ thể phương án khả thi nhất về năng lực giải phóng mặt bằng và khả năng thi công đến cuối năm nay để làm cơ sở để AFD gia hạn rút vốn.
Phản hồi ý kiến phía AFD, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ bày tỏ, trong lần gia hạn góp vốn lần này, Cần Thơ cảm nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của AFD.
“Cần Thơ luôn bám vào mục tiêu đến cuối tháng 9, sẽ hoàn tất bàn giao 100% mặt bằng. Ba tháng còn lại tiếp tục triển khai thi công xây lắp, để hoàn thiện dự án vào cuối năm 2023”, ông Hè nói và cho biết, Cần Thơ đang dồn sức để chỉ đạo quyết liệt cho dự án này.
Ông Hè cũng lưu ý chủ đầu tư dự án, các địa phương phải thực hiện theo cam kết, lộ trình khi đã được gia hạn rút vốn.
Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Hè cho rằng, Cái Răng chỉ còn một trường hợp nên việc bàn giao mặt bằng là trong tầm tay.
Đoạn kè qua phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Còn quận Ninh Kiều thì phải quyết liệt hơn nữa, phải phân tích, xác minh từng trường hợp. Cần thiết thì xin chủ trương thành phố, những trường hợp giải quyết được thì căn cứ vào quy định để làm cho nhanh.
Với các trường hợp được bố trí tái định cư, ông Hè đốc thúc quận Ninh Kiều nhanh chóng bố trí vào khu tái định cư thuộc khu đô thị đường Nguyễn Văn Cừ đã hoàn thành. “Thời gian chỉ còn hơn năm tháng, phải quyết liệt”, ông Hè nói.
Dự án kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu có chiều dài hơn 5,1km. Đoạn kè phía bờ phải bắt đầu từ cầu Cái Sơn (phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) đến giáp Dự án kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Đoạn kè này dài hơn 2,7km.
Đoạn kè phía bờ trái từ cầu Cái Răng đến rạch Ba Láng (thuộc phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) và kéo dài về hướng huyện Phong Điền, có chiều dài hơn 2,4km.
Thời gian thực hiện dự án này từ năm 2016 đến hết năm 2023 với tổng mức đầu tư 1.095 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA do AFD tài trợ và vốn đối ứng ngân sách địa phương.
Trong tổng vốn này, dự án vay từ AFD hơn 462,46 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại từ cơ quan này là gần 8 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách địa phương. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.