Thời sự Quốc tế

Đài Loan cảnh giác cao độ trước các hành động của Trung Quốc đại lục

06/10/2021, 06:45

Chỉ trong 4 ngày, Bắc Kinh thực hiện 3 lần điều động máy bay xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Đài Loan đã xác lập.

Căng thẳng Đài Loan - Trung Quốc đang leo thang với nhiều động thái chưa từng có. Chỉ trong 4 ngày, Bắc Kinh thực hiện 3 lần điều động máy bay xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Đài Loan đã xác lập.

Thậm chí, Trung Quốc đại lục còn cảnh báo sẽ dồn hết sức lực “nghiền nát” tham vọng độc lập của Đài Loan.

img

Chiến đấu cơ Đài Loan theo sát máy bay ném bom của Trung Quốc trên Eo biển Đài Loan trong một sự kiện diễn ra năm 2020. Ảnh: Trang tin quân sự của Đài Loan

Nguy cơ xung đột leo thang

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời ông Zhang Tuosheng, nhà nghiên cứu về các vấn đề chiến lược Đại học Quốc phòng thuộc quân đội Trung Quốc (PLA) cho rằng, những diễn biến vừa qua cho thấy, hành động của Trung Quốc đại lục chủ yếu nhằm chặn đứng những thế lực ủng hộ độc lập và hành động mà họ cho là khiêu khích từ đảo Đài Loan.

Cách PLA huy động máy bay, tàu chiến áp sát Đài Loan và chọn thời điểm tập trận gần hòn đảo này trong vài năm qua đều trùng khớp với thời gian xảy ra những hành động mà Bắc Kinh đánh giá là “khiêu khích” từ Mỹ và Đài Bắc.

Theo ông Zhang, thái độ và hành động mạnh mẽ của Bắc Kinh đã tạo ra nhiều kết quả tích cực. Chính quyền Đài Bắc của bà Thái Anh Văn đã phải chọn lập trường mơ hồ, không thể tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc, nhà nghiên cứu Zhang Tuosheng nhận định.

Tuy nhiên, ông Zhang cảnh báo, căng thẳng trên Eo biển Đài Loan sẽ ngày càng leo thang hơn nữa nếu Bắc Kinh và Đài Bắc không nối lại các hoạt động liên lạc.

Ông Zhang Tuosheng chỉ ra, từ lâu hai bên đã thiếu cơ chế liên lạc quân sự và không tìm cách củng cố niềm tin về an ninh giữa hai bên.

Bắc Kinh đã cắt kênh liên lạc giữa Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc và Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan từ năm 2014, chỉ vài tháng sau khi bà Thái Anh Văn nhậm chức.

Lý do Bắc Kinh đưa ra lúc đó là vì bà Thái không công nhận thỏa thuận năm 1992, trong đó hai bên cùng ngầm đồng thuận - chỉ có một Trung Quốc duy nhất.

“Còn với Mỹ, dù hai nước đang đối đầu và cạnh tranh vị thế gay gắt trên nhiều lĩnh vực nhưng vẫn chắc chắn có thể né tránh xung đột vì đã có các kênh liên lạc đều đặn”, ông Zhang nói.

Từ thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù Washington không còn đảm bảo thực thi nguyên tắc một Trung Quốc, đến thời người kế nhiệm Joe Biden vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược mơ hồ trong vấn đề ủng hộ Đài Loan. Nhưng Trung Quốc và Mỹ đều có chung thiện chí tránh xung đột vũ trang và tiếp tục tăng cường cơ chế quản lý khủng hoảng.

Đài Loan nêu cao cảnh giác

Trong 4 ngày qua, quân đội Trung Quốc đã 3 lần phá kỷ lục khi liên tiếp tăng số máy bay chiến đấu xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong 24 giờ.

Lần phá kỷ lục đầu tiên là thứ 6 tuần trước (1/10) với 38 chiến cơ. Lần thứ 2 là vào thứ 7 (2/10) với 39 chiến cơ và gần nhất là ngày 5/10 huy động 56 máy bay quân sự.

Trước những động thái liên tiếp kể trên, người đứng đầu cơ quan hành pháp Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) cho rằng: “Đài Loan cần phải đặt trong tình trạng cảnh giác. Trung Quốc ngày càng hành động thái quá. Thế giới đã chứng kiến những hành vi vi phạm liên tiếp của Trung Quốc đối với hòa bình khu vực và gây áp lực lên Đài Loan”.

Ông Tô cho rằng, việc Đài Loan cần làm nhất lúc này là củng cố nội lực và đoàn kết. Chỉ có như vậy, các thế lực muốn thôn tính Đài Loan mới không dám sử dụng vũ lực.

Lâu nay, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng đặt nhiệm vụ hiện đại hóa các lực lượng vũ trang lên ưu tiên hàng đầu, tập trung vào sử dụng vũ khí mới, linh động, biến Đài Bắc thành một “con nhím” để nếu Trung Quốc đại lục có động thủ, sẽ phải trả cái giá đắt nhất có thể.

Trên bình diện quốc tế, sau động thái của Trung Quốc, từ Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho rằng: “Việc đảm bảo hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan là rất quan trọng.

Thay vì chỉ đơn giản giám sát tình hình, chúng tôi hy vọng các bên cân nhắc tất cả những kịch bản có thể có, từ đó đề ra và chuẩn bị tốt nhất những phương án cần phải làm”.

Tại Mỹ, trả lời câu hỏi của phóng viên sở tại sau thông tin Trung Quốc điều tới 56 máy bay đi vào khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong 1 ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Chúng tôi đang liên lạc riêng, nêu ra thông điệp rõ ràng thông qua các kênh ngoại giao. Đó là kênh phù hợp để giải quyết những vấn đề này”.