Hạ tầng

Đầu tư cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trước năm 2030, thay thế QL9

04/08/2022, 14:24

Đó là thông tin ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đưa ra tại Diễn đàn phát triển dịch vụ Logistics ở Đà Nẵng sáng (4/8).

Sáng 4/8, phát biểu tại Diễn đàn phát triển dịch vụ Logistics (diễn ra tại Đà Nẵng) ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho biết sau 25 năm hình thành hành lang kinh tế Đông Tây vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng đặt ra.

img

Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc trục dọc cao tốc Bắc Nam phía Đông

Theo ông Bằng, một trong những cản trở đối với sự phát triển của hành lang là xuất phát điểm kinh tế của các địa phương trên hành lang còn thấp, đều là các khu vực chậm phát triển hơn các cực tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên.

Bên cạnh đó hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập, hạn chế hoạt động thương mại xuyên biên giới trên hành lang.

Phó vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết thêm, hiện nay Bộ GTVT đã hoàn thành lập 5 Quy hoạch ngành quốc gia, trong đó 4 Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải).

Riêng đối với quy hoạch lĩnh vực hàng không, Thường trực Chính phủ đã họp cho ý kiến, dự kiến sẽ được phê duyệt trong năm 2022. Đây là nền tảng cơ bản để định hướng khung kết cấu hạ tầng giao thông kết nối trên hành lang kinh tế Đông - Tây, cũng như kết nối trong khu vực.

Đặc biệt, về đường bộ, ông Bằng cho biết, theo trục ngang, tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (CT.19) với chiều dài 70km cũng được quy hoạch đầu tư giai đoạn trước 2030, thay thế QL9 hiện hữu hình thành tuyến đường bộ cao tốc kết nối trực tiếp từ cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lao Bảo đến các cảng biển trong khu vực, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa của hành lang kinh tế Đông - Tây trên lãnh thổ Việt Nam.

Còn trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong khu vực đã đưa vào khai thác 193 km (La Sơn - Túy Loan và Đà Nẵng - Quảng Ngãi) và đang tiếp tục được triển khai đầu tư với mục tiêu đến 2025 cơ bản thông toàn tuyến sẽ thay thế QL1 thành trục chính kết nối các tỉnh ở khu vực miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bên cạnh đó, các tuyến Quốc lộ kết nối với các CKQT khác trên hành lang (CKQT La Lay, CKQT Nam Giang) như QL14B, QL14D, QL14E... cũng sẽ từng bước được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu kết nối hàng hóa của khu vực phía Nam của Lào với cảng biển Việt Nam.

Theo ông Bằng, để phát huy hơn nữa kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, quốc tế, Đà Nẵng cũng như các tỉnh, thành phố trên hành lang cần quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, giảm thiểu chi phí vận tải và logistics.

Cụ thể, cần bám sát quá trình triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ nhằm định hướng không gian phát triển cũng như phân công chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương

Tiếp đó, cần tập trung phối hợp xúc tiến kêu gọi thực hiện đầu tư và sớm đưa vào khai thác đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo kết nối CKQT Lao Bảo; tuyến QL14D, QL14E kết nối CKQT Nam Giang; khu bến Liên Chiểu...

Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực logistics tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics trên hành lang kinh tế Đông - Tây.

"Cần hình thành cơ chế phối hợp liên Vùng để phân công nhiệm vụ, chức năng của các tỉnh, thành phố trên hành lang trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trong đó Đà Nẵng đảm nhận vai trò đầu tầu, dẫn dắt và đảm nhận các dịch vụ logistics đòi hỏi chất lượng cao", ông Bằng cho biết.