Làm báo cùng Giao thông

Dạy trẻ cách sống thay vì “nhồi” kiến thức

13/10/2017, 10:36

Nhiều phụ huynh chỉ chăm chăm “nhồi” tối đa kiến thức để đạt đích vào ĐH mà quên bẵng việc dạy KNS cho trẻ.

8

Nữ sinh lớp 7 trường THCS Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bất lực hứng chịu những cú đá, cái tát của nhóm bạn cùng lớp (Ảnh cắt từ clip)

Các ông bố bà mẹ thời hiện đại thường bận rộn, thời gian dành cho con rất ít. Trẻ phải tự mày mò “sống” nên dễ ứng xử theo bản năng, thay vì được dạy cách biết tôn trọng người khác, biết kiềm chế cảm xúc khi gặp tình huống không như ý.

Không chỉ tôi mà rất nhiều phụ huynh đã không đủ can đảm xem hết clip cô học trò ở Chương Mỹ, Hà Nội bị đánh hội đồng ngay tại lớp học ngày 7/10. Ấy thế mà chỉ hai ngày sau, một vụ việc còn đau lòng hơn lại xảy ra ở Đà Lạt, khi một cuộc xô xát giữa hai nhóm học sinh chỉ vì cho rằng bị nhìn “đểu”, khiến cậu bé lớp 9 thiệt mạng. Trước đó vài hôm, trên mạng cũng lan truyền clip một nhóm học sinh hành hạ một nữ sinh bên đường…

Thực tế, các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra thời gian qua cho thấy, tình trạng đánh người, thậm chí đánh chết người ở tuổi học trò không còn hiếm! Hành hạ bạn dường như vẫn chưa đủ, chúng còn quay clip và hả hê tung lên mạng để làm nhục nạn nhân. Tổn thương thân thể có thể nhanh qua, chứ tổn thương tâm lý trong những vụ việc này sẽ là vết hằn sâu trong tâm hồn thơ trẻ…

Ở đây, đừng đổ lỗi cho riêng nhà trường mà gia đình cũng không thể chối bỏ trách nhiệm khi đã không có biện pháp bảo vệ trẻ an toàn. Dĩ nhiên, trong vụ cô bé bị đánh tại lớp học, trước hết, trách nhiệm thuộc về nhà trường. Một học sinh bị đánh dã man ngay tại lớp học mà nhà trường hoàn toàn không biết, cho đến khi clip được đưa lên mạng xã hội, là không thể chấp nhận được.

Nhà văn Nguyễn Danh Lam kể, trường học của con gái anh bên Mỹ luôn đặc biệt quan tâm việc đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhà trường và phụ huynh thường xuyên liên lạc, bất cứ sự việc gì ảnh hưởng đến bọn trẻ cũng được thông báo ngay với gia đình. Chỉ một chú chó đi lạc ngang trường, thậm chí, một chú dơi được phát hiện ngoài khuôn viên nhà trường, họ cũng báo cơ quan chức năng để bắt, rồi email lại tình hình vụ việc với phụ huynh, nội dung thông báo có khi chỉ là không có học sinh nào tiếp xúc trực tiếp với con dơi. Trong khi mối quan hệ của nhà trường với gia đình ở Việt Nam dường như chỉ được thiết lập khi con bỏ bê không làm bài tập hay đánh nhau trên lớp.

Một thực tế nữa là càng ngày, học sinh càng “thừa kiến thức, thiếu kỹ năng” nên các em rất lúng túng, không biết phải làm gì khi gặp tình huống khó và kỹ năng ứng xử để thoát hiểm rất kém. Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng, lượng kiến thức trẻ phải học quá lớn khiến chúng không còn lúc nào để học kỹ năng sống.

Ngoài việc được học trong trường, kỹ năng sống là thứ cần thấm dần và phụ thuộc nhiều vào gia đình, trong khi hầu hết các ông bố bà mẹ thời hiện đại đều bận rộn, thời gian dành cho con rất ít. Trẻ phải tự mày mò “sống” nên dễ ứng xử theo bản năng, thay vì được dạy cách biết tôn trọng người khác, biết kiềm chế cảm xúc khi gặp tình huống không như ý, rằng dù bất cứ lý do gì cũng không được phép đánh hay nhục mạ người khác. Ở đây, sự gương mẫu của người lớn trong gia đình rất quan trọng. Không thể dạy trẻ biết cách kiềm chế nếu bố mẹ thường xuyên mắng chửi con để… trút giận.

Phải chăng cả nhà trường và gia đình đều đang cố gắng “nhồi nhét” tối đa kiến thức, chỉ mong đến đích là trường đại học mà hầu như quên bẵng việc dạy kỹ năng sống cho trẻ. Ít nhất là cách ứng xử khi bị tấn công, đặc biệt là khi liên tục xuất hiện tình trạng học sinh bị đánh hội đồng. Hầu hết, các clip ghi lại các vụ bạo lực học đường đều cho thấy nạn nhân chịu trận mà không có bất kỳ sự phản kháng nào.

Trong khi đó, các chuyên gia tâm lý lưu ý rằng, kẻ bắt nạt thích săn những con mồi yếu hơn mình, do vậy nếu thấy không an toàn, chúng sẽ nhụt chí, nên khi bị vây đánh, hãy chống trả rồi tìm lúc sơ hở của đối phương mà chạy đến nơi an toàn hay hô hoán gọi người cứu, gọi 113…

Tiếc rằng, việc dạy cách sống, kỹ năng kiềm chế giải tỏa những ẩn ức của trẻ dường như đã bị bỏ qua và hậu quả là nhiều trẻ hung hãn quá mức, một số khác - phải hứng chịu đòn đánh từ bạn một cách oan ức.