ĐBQH băn khoăn việc tổ chức công đoàn làm nhà ở xã hội
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng, đề xuất tổ chức công đoàn phát triển nhà ở xã hội là vấn đề mới, cần có đánh giá tổng thể kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa.
Nhà ở có vấn đề, thì ai đại diện cho người lao động để lên tiếng?
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều nay (26/10), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Phát biểu tranh luận về vấn đề Tổng Liên đoàn lao động tham gia phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng đây là vấn đề mới, cần có đánh giá tổng thể kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, qua đó đưa vào quy định một cách hợp lý.
Đại biểu Tám cho rằng, việc giao cơ quan nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh.
"Cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật, mà cần thực hiện theo các quyết định hiện hành, tổng hợp thực tiễn để luật hóa những nội dung đã "chín", đã rõ", ông Tám nói,
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) thì cho rằng, công đoàn là đại diện tiếng nói cho người lao động.
"Bây giờ Tổng liên đoàn Lao động là chủ đầu tư, khi nhà ở có vấn đề, khi thiếu nhà ở, thì ai là người đại diện cho người lao động để lên tiếng?", ông Cường nêu vấn đề.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường vẫn đồng tình tổ chức công đoàn là chủ đầu tư nhà ở cho người lao động, nhưng chỉ là những dự án mẫu để làm điển hình và để công đoàn làm cơ sở có tiếng nói với các cơ quan khác.
Cần cụ thể hóa thế nào là người thu nhập thấp
Quan tâm tới đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) cho biết, dự thảo Luật quy định có 12 loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là mục tiêu, định hướng chính sách cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở của Đảng và Nhà nước.
"Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 338 phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn", ông Đức nói.
Căn cứ vào những định hướng chính sách của đề án nói trên, đại biểu Đức cho rằng, quy định như điều 76 dự thảo Luật là chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và chưa đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách, trong đó chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
"Tuy nhiên, hiện nay việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể. Đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp để đảm bảo chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp", ông Đức nói.
Đại biểu Bế Minh Đức cho biết, trên thực tế, nhóm đối tượng này có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng không được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, vừa qua các địa phương đã triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn.
"Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện hai chương trình này không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt", ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho biết, bên cạnh đó, do nguồn kinh phí được phê duyệt còn hạn chế, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở lớn nên độ bao phủ của chương trình mục tiêu này đối với các đối tượng thụ hưởng của chương trình vẫn chưa được hết.
Do đó, đại biểu Đức đề nghị bổ sung nhóm đối tượng tại khoản 2, khoản 3 của Điều 76 được được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để đảm bảo tính khả thi của quy định.