Doanh nghiệp lên phương án tiết kiệm điện
Giá điện tăng tạo sức ép để các doanh nghiệp tăng cường giải pháp tiết kiệm điện.
Giá điện bán lẻ điện bình quân chính thức tăng 4,5% lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 9/11. Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương cho biết chỉ số CPI sẽ tăng 0,035%.
Với mức này, các chuyên gia nhận định sẽ tác động vào giá cả nhưng không nhiều, có thể dùng biện pháp tiết kiệm điện để cân bằng nhằm giải quyết bài toán an ninh quốc gia.
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, điều chỉnh tăng giá điện là hợp lý vì thiếu điện sẽ dẫn tới sản xuất đình đốn, đảo lộn cuộc sống của người dân, trong đó giá được tính đúng, tính đủ là yếu tố then chốt.
Ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, giá điện thấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đưa đến hiện tượng El Nino và nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng cao. Mặt khác các đơn vị sản xuất kinh doanh và hộ gia đình không có ý thức sử dụng tiết kiệm.
Bên cạnh đó, nếu EVN không bảo toàn vốn Nhà nước sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng đầu tư gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của nền kinh tế. Đồng thời, giá điện thấp cũng gây khó khăn trong thu hút đầu tư vào ngành điện và cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng của nước ta…
Việc tăng giá điện ở mức 4,5% cũng nhận được sự đồng tình từ đại biểu Quốc hội và doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng đã chủ động lên giải pháp tiết kiệm điện ngay từ thời điểm EVN gánh lỗ do giá điện chưa theo kịp thị trường (đầu vào tăng theo thị trường, đầu ra nhà nước kiểm soát), nhằm giảm chi phí cho hàng hóa vào đợt cao điểm sản xuất cuối năm.
Đại diện Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT cho biết, với tiền điện hàng trăm triệu mỗi tháng, công ty sớm đã có kế hoạch tiết kiệm điện. Ban đầu công ty áp dụng giải pháp điều chỉnh phụ tải, tức là lập kế hoạch sản xuất vào giờ thấp điểm – giá điện thấp, thay vì làm giờ hành chính như trước đây. Nhờ đó, tiền điện giảm được hơn 10%.
"Giải pháp này dễ thực hiện, hiệu quả cao, tôi cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm để giảm chi phí", đại diện MBT nói và cho biết, hiện công ty đã dùng chi phí tiết kiệm được để thay hệ thống đèn led.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam chia sẻ, giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nhưng chúng tôi đánh giá sẽ không gây tác động quá lớn. Giá điện chiếm khoảng 10-15% trong cơ cấu giá thành phẩm. Khi giá điện tăng 4,5%, chi phí tác động cũng chỉ chưa đến 1% và điều này là có thể chấp nhận.
"Hiện nay đơn vị đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất đơn hàng để cung ứng cho đối tác cuối năm. Các sản phẩm cơ khí cần máy móc vận hành liên tục, việc mất điện, cắt điện đột ngột có thể gây ra những thiệt hại trong sản xuất. Chúng tôi hoàn toàn hiểu nguyên nhân và những khó khăn khi ngành điện phải tăng giá điện. Thời gian qua, ngành điện đã có sự đầu tư và thay đổi lớn trong kinh doanh, dịch vụ với khách hàng. Hy vọng rằng, với mức tăng giá này, có thể bù đắp chi phí, giúp đầu tư các công trình, cung ứng điện được ổn định, tốt hơn", ông Kết nói.
Cuối năm, các doanh nghiệp đang nhận được nhiều tín hiệu phục hồi tốt, đơn hàng đã dồi dào hơn và sự hợp tác, góp mặt của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) đánh giá, việc tăng giá là có tác động tới doanh nghiệp, nhưng sẽ không lớn và cũng không phải vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quá lo ngại. Vấn đề ở đây là cùng với việc tăng giá điện, đòi hỏi ngành điện cũng phải đảm bảo tốt về chất lượng và sự ổn định của nguồn điện.
Ông Vân cũng cho biết, ngành cơ khí tiêu thụ điện lớn, hiện các doanh nghiệp đã dành nhiều quan tâm cho giải pháp tiết kiệm điện, việc này không chỉ giúp giảm tiền điện mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm từ việc đầu tư máy móc hiện đại…