Giá vàng hôm nay 18/2: Lao dốc trước ngày vía Thần Tài
Giá vàng hôm nay 18/2: Giá vàng trong nước lao dốc trước ngày vía Thần Tài do thị trường thế giới giảm sâu phiên thứ 4.
Giá vàng trong nước giảm mạnh trước ngày vía Thần Tài. Ảnh minh họa
Giá vàng trong nước
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng SJC tại TP.HCM tiếp tục giảm thêm 50 nghìn đồng chiều mua vào và 100 nghìn đồng chiều bán ra còn 56,30-56,80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Doji tại Hà Nội cũng giảm thêm 50 nghìn đồng hai chiều còn 56,25-56,75 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 24k Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng giảm 150 nghìn đồng chiều mua vào và 100 nghìn đồng chiều bán ra về 54,43-55,08 triệu đồng/lượng…
Trước giờ mở cửa phiên giao dịch sáng nay 18/2, giá SJC tại thị trường TP HCM được niêm yết 56,35-56,90 triệu đồng/lượng, giảm tổng cộng 400 nghìn đồng chiều mua vào và 550 nghìn đồng chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.
Giá vàng Doji tại Hà Nội được niêm yết 56,30- 56,80 triệu đồng/lượng, giảm mạnh 300 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 550 nghìn đồng chiều bán ra.
Trong khi đó, giá vàng 24k Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu 54,58-55,18 triệu đồng/lượng, giảm 500 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 800 nghìn đồng chiều bán ra.
Không tránh được xu hướng, trên hệ hống Phú Quý, giá vàng miếng SJC sáng sớm nay có giá 56,33-56,80 triệu đồng/lượng, giảm 370 nghìn đồng và 600 nghìn đồng hai chiều; Giá vàng 9999 NPQ là 54,30-55,10 triệu đồng/lượng, giảm 750 nghìn đồng và 700 nghìn đồng hai chiều…
Như vậy, sau phiên đầu tiên của năm mới Tân Sửu, giá vàng trong nước đã giảm rất mạnh nhưng mức giảm không tương xứng với giá vàng thế giới. Mức điều chỉnh không đồng đều của giá vàng trong nước cũng kéo khoảng cách mua vào và bán ra tại các thương hiệu co mạnh về 500-800 nghìn đồng/lượng tùy thương hiệu.
Giá vàng thế giới
Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới sáng nay phục hồi nhẹ.
Lúc 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới tại Châu Á được giao dịch 1.779,20 USD/ounce, tăng nhẹ 2,30 USD (0,13%).
Trước đó, giá vàng thế giới ghi nhận phiên giảm thứ tư liên tiếp. Trong phiên đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng đã thủng ngưỡng 1.790 USD, thậm chí còn giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 1.780 USD/ounce.
Vàng thế giới giảm sâu phiên thứ 4 liên tiếp
Chỉ trong hai phiên gần nhất, giá vàng thế giới đã giảm tới 60 USD/ounce (tương đương gần 1,7 triệu đồng/lượng quy đổi).
Lúc 22h30 đêm qua, giá vàng thế giới chỉ còn 1.780,20 USD/ounce sau khi giảm 14,30 USD (0,80%) so với thời điểm mở cửa.
Giá vàng kỳ hạn tháng 4 phiên này tiếp tục giảm hơn 1% xuống còn quanh 1.775 USD/ounce. Đây là mức thấp nhất trong vòng hai tháng rưỡi vừa qua.
Vàng tiếp tục bị bán tháo sau khi thị trường tiếp nhận thêm thông tin tích cực về kinh tế Mỹ trong ngày: Doanh số bán lẻ tháng 1 tăng 5,3% dù trước đó đã giảm 1,0% hồi tháng 12. Mức tăng này cũng vượt xa dự báo mức tăng kỳ vọng là 1,1%.
Bên cạnh đó, doanh số nhóm hàng hóa chủ chốt, không bao gồm ô tô, gas, vật liệu xây dựng và dịch vụ ăn uống cũng tăng mạnh 6%, cũng vượt xa mức mong đợi của các nhà kinh tế là tăng 1,0%.
Những tín hiệu tích trên của kinh tế Mỹ đang cho thấy hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế của chính phủ Mỹ thời gian qua.
Ngoài ra, áp lực lên giá vàng là giá Bitcoin lập kỷ lục mới khác khi đạt mức trên 50.000 USD. Sự quan tâm của nhà đầu tư quan tâm đối với Bitcoin và các loại tiền điện tử khác có thể làm giảm sức hấp dẫn đối với tài sản trú ẩn an toàn trong lịch sử là vàng và bạc.
Trong khi đó, giá dầu thô kỳ hạn trên sàn Nymex cũng tăng cao lên quanh 61,00 USD/thùng và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên 1,3%, mức cao nhất trong 12 tháng.
Về mặt kỹ thuật, thị trường “gấu” đang có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn trong bối cảnh xu hướng giảm giá kéo dài 5 tuần trên biểu đồ ngày.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc cũng là mức cao nhất của tuần này là 1.827,10 USD/ounce. Ngược lại, mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá tương lai xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc cũng là mức thấp nhất trong tháng 11/2020 là 1.771,3 USD/ounce.