Vận tải

Giảm mạnh sự cố uy hiếp an toàn bay

08/07/2016, 07:17

Các sự cố ảnh hưởng đến an toàn hàng không sẽ được kiểm tra, xác minh từ đó có các biện pháp xử lý...

2

An toàn, an ninh hàng không phải như “kỷ cương quân đội”, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể xảy ra tai nạn hậu quả khôn lường

36 sự cố uy hiếp an toàn bay trong 6 tháng

Thống kê của Cục Hàng không VN, 6 tháng đầu năm 2016, cả nước không xảy ra tai nạn hàng không, giữ vững kết quả 18 năm liền không để xảy ra tai nạn trong lĩnh vực này. Trong số 36 sự cố, có một sự cố được đánh giá là nghiêm trọng, ba sự cố uy hiếp an toàn mức cao và 32 sự cố uy hiếp an toàn bay.

Về nguyên nhân xảy ra sự cố, Cục Hàng không VN cho biết, 23 sự cố có nguyên nhân do trục trặc kỹ thuật, 10 sự cố nguyên nhân do yếu tố con người, một sự cố do chim va đập. “Tính về sự cố, con số tuyệt đối giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2015. Các chỉ số an toàn trong 6 tháng đầu năm 2016 về cơ bản đều thấp hơn so với cùng kỳ và trung bình năm 2015”, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết.

Từ 15-22/6, Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đã thực hiện đánh giá năng lực giám sát an toàn hàng không của VN ở 4 lĩnh vực (hệ thống Luật và văn bản QPPL, hệ thống tổ chức, quản lý hoạt động bay và quản lý CHK, sân bay. Kết quả, trung bình các lĩnh vực được kiểm tra trong đợt này đạt 73,7%. Cục Hàng không VN cho biết, đang tiếp tục thực hiện khắc phục các khuyến cáo của ICAO.

Liên quan đến các sự cố hàng không xảy ra 6 tháng đầu năm, theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, Cục Hàng không VN đã thực hiện điều tra, thu thập thông tin một số sự cố điển hình. “Điều tra sự cố mức B liên quan đến tàu bay của Hãng hàng không Cambodia Angkor Air thực hiện chuyến bay K6 818 xảy ra ngày 2/4 tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong quá trình hạ cánh, tàu bay bị trượt khỏi đường băng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do kỹ năng điều khiển tàu bay của tổ lái không tốt và không thực hiện theo tài liệu khai thác tiêu chuẩn”, nguồn tin của Báo Giao thông cho hay.

Một sự cố nghiêm trọng khác được đánh giá ở mức C (uy hiếp an toàn mức cao) là vụ việc liên quan đến vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa 2 chuyến bay HVN227 và VJC tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 28/4. Trong vụ việc này, Cục Hàng không VN đã xác định nguyên nhân do kiểm soát viên không lưu trực tiếp điều hành đã hoạch định phương án điều hành bay không phù hợp, dẫn dắt chuyến bay HVN227 làm mất cách ngang, khi phân cách cao giữa 2 tàu bay không được bảo đảm.

Một sự cố khác cũng liên quan đến lỗi vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa 2 chuyến bay VJC529 và HVN7177 xảy ra tại CHK quốc tế Nội Bài ngay sau vụ việc trên 1 ngày (ngày 29/4) được Cục Hàng không VN xác định nguyên nhân là do tổ lái chuyến bay VJC529 đã nghe huấn lệnh kiểm soát không lưu không tốt nên đã không thực hiện theo huấn lệnh được cấp cho HVN7177, đồng thời kiểm soát không lưu điều hành không phát hiện ra sự nhầm lẫn của tổ lái VJC529.

Đối với một số vụ việc liên quan đến việc tàu bay hàng không dân dụng bị chiếu đèn laser vào buồng lái khi đang trong quá trình tiếp cận hạ cánh gây ảnh hưởng đến sự tập trung của phi công, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Sơn cho biết, đã phối hợp với Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cùng các đơn vị công an triển khai các biện pháp xác minh, sẽ có báo cáo khi đầy đủ thông tin.

Gần 140 tổ chức, cá nhân bị nhà chức trách hàng không xử phạt

Liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính, Phó cục trưởng Võ Huy Cường cho biết, trong 6 tháng, Cục Hàng không VN đã ký quyết định xử phạt 139 tổ chức, cá nhân. “Hành vi vi phạm hành chính điển hình ảnh hưởng đến an toàn bay là điều khiển, vận hành, khai thác phương tiện trong sân bay không đúng quy định, quy trình, quy tắc; Hút thuốc lá trên tàu bay, Tổ bay không thực hiện đúng quy trình; Hãng hàng không thực hiện không đúng nghĩa vụ theo quy định; Kiểm soát viên không lực thực hiện không đúng quy trình, gây uy hiếp an toàn hàng không”, ông Cường cho biết thêm.

Thời gian tới, một trong những biện pháp quan trọng được ông Cường đề cập tới là việc hoàn thiện hệ thống kiểm tra, cấp giấy phép nhân viên hàng không, quy trình, phương thức, cách thức kiểm tra thực hành cấp giấy phép nhân viên hàng không lĩnh vực khai thác tàu bay (thành viên tổ bay), nhân viên hàng không lĩnh vực đảm bảo hoạt động bay, nhân viên điều khiển, vận hành trang thiết bị mặt đất và nhân viên an ninh hàng không phù hợp yêu cầu ICAO.

“Các sự cố ảnh hưởng đến an toàn hàng không cũng sẽ tiếp tục được kiểm tra, xác minh từ đó có các biện pháp xử lý, ngăn ngừa”, ông Cường nói.