Bất động sản

Hà Nội: Loạt công viên xây dang dở bỏ hoang

26/05/2023, 09:32

Công viên được ví như "lá phổi xanh" của thành phố, nhưng hiện nay, nhiều dự án triển khai dở dang bỏ hoang, lãng phí.

Công viên thiếu, đất bỏ hoang

Công viên là hạng mục công cộng quan trọng, được chú trọng khi quy hoạch khu đô thị. Nó được ví như "lá phổi xanh", điều hoà không khí, hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng cường sức khoẻ cho cộng đồng dân cư. Nhưng thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều dự án công viên cây xanh đang bị bỏ hoang, lãng phí.

img

Công viên Chu Văn An (Thanh Trì) thành điểm bán cây cảnh, gốm sứ

Đơn cử như Công viên hồ điều hòa Yên Hòa nằm tại Khu đô thị Nam Trung Yên, có mặt tiếp giáp với đường Vũ Phạm Hàm và Nguyễn Chánh.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, công viên này có diện tích 112.410m2. Tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 1.600 tỷ đồng.

Năm 2009, UBND quận Cầu Giấy đã ký quyết định về việc phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Công viên hồ điều hòa Yên Hòa. Theo đó, Công ty TNHH VNT được chọn làm chủ đầu tư dự án. Một năm sau (2010), UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH VNT.

Dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, đã được cấp phép xây dựng đối với phần công viên. Nhưng đến nay, "lá phổi xanh" vẫn chỉ nằm trên giấy, dù xung quanh nhiều nhà cao tầng được xây dựng, cư dân vào ở đông đúc.

Tương tự đối với công viên Chu Văn An, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Theo đó, dự án được phê duyệt quy hoạch bởi Sở quy hoạch - Kiến trúc và UBND huyện Thanh Trì vào ngày 20/8/2009. Đồng thời công bố Quy hoạch chi tiết 1/500 khu tưởng niệm nhà giáo, danh nhân Chu Văn An.

Theo đó, tổng diện tích 90ha bao gồm 2 phân khu: Khu tưởng niệm và khu phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân. Năm 2016, điều chỉnh cục bộ xuống tổng diện tích khoảng 55ha.

Theo đúng tiến độ được sửa đổi bổ sung thì công viên Chu Văn An sẽ được hoàn thành vào quý I/2020. Nhưng đến nay, công viên Chu Văn An mới chỉ làm xong phần tường bao xác định ranh giới và một số hạng mục đường bộ. Còn lại, đa phần diện tích đất vẫn bị bỏ trống, cỏ dại mọc um tùm và là nơi tập kết rác thải, phế liệu xây dựng. Trên chỉ là hai trong nhiều công viên trên địa bàn thành phố Hà Nội đang làm dang dở, bỏ hoang.

Công viên chưa bàn giao thuộc trách nhiệm chủ đầu tư

Trao đổi nhanh với PV Báo Giao thông, lãnh đạo phường Yên Hoà cho hay, Công viên hồ điều hòa Yên Hòa chậm tiến độ. Theo vị lãnh đạo phường, dự án này đang điều chỉnh quy hoạch.

Còn đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, trách nhiệm của thành phố quản lý 5 công viên: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Lê Nin và Hoà Bình. Ba công viên lớn: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo đã được đưa vào đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Các công viên khác, chủ đầu tư sau khi đầu tư xong, đủ điều kiện bàn giao sẽ giao về các quận huyện quản lý. Khi chưa đủ điều kiện bàn giao thì trách nhiệm của các chủ đầu tư vẫn phải quản lý, đầu tư xây dựng, duy tu.

Được biết, từ nay đến 2025, ngoài việc cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có, Hà Nội đã và đang xây dựng 9 công viên mới với tổng diện tích hơn 320ha, bao gồm: Công viên Chu Văn An, công viên CV1, công viên Tây Nam, công viên Kim Quy, công viên Phùng Khoang, công viên Hà Đông, công viên Thiên văn học, công viên Hữu Nghị, công viên Bắc Nam Mai Dịch.

Trong số này, đến năm 2025, hoàn thành xây mới 6 công viên: Kim Quy, công viên CV1, công viên Tây Nam, Phùng Khoang, Chu Văn An và Hà Đông. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng gặp nhiều thách thức.