Đô thị

Hà Nội tiếp tục lùi tiến độ dự án cầu vượt chữ C sang năm 2023

01/11/2022, 20:40

Thông tin trên được Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội chia sẻ tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều nay (1/11).

Chậm tiến độ song không tăng tổng mức đầu tư

Chiều nay (1/11), Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về tiến độ một số dự án trọng điểm trên địa bàn Thủ đô do Ban làm chủ đầu tư. Cuộc họp diễn ra ngay sau khi Báo Giao thông có loạt bài phản ánh liên quan đến tiến độ chậm chạp dự án cầu vượt chữ C, gây ùn tắc giao thông.

img

Cầu vượt chữ C thi công ì ạch gây ùn tắc, phương tiện "chật vật" lưu thông

Đáng chú ý, ông Bùi Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý dự án 1 cho biết, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch sẽ tiếp tục phải lùi tiến độ (lần thứ 3 - PV) do nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Cường, dự án được khởi công vào ngày 29/10/2021, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do biến động của giá vật liệu xây dựng cũng như hiện trạng công tình ngầm nổi phía đường Phạm Ngọc Thạch vào tháng 6/2022, đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022. Song, do dự án tiếp tục gặp khó khăn nên sẽ được đề xuất điều chỉnh đến quý I/2023.

"Đến nay, phía đường Phạm Ngọc Thạch, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới từ tháng 10/2022. Phía đường Chùa Bộc đã khoan xong 14/14 cọc khoan nhồi và đang triển khai thi công mố trụ. Kết cấu dầm phần trên phía đường Phạm Ngọc Thạch đã có đủ điều kiện thi công từ tháng 10/2022, hiện đang thủ tục xin cấp phép vận chuyển dầm để triển khai thực hiện. Như vậy, so với tiến độ nhà thầu đã cam kết đến nay đã bị chậm 1 tháng", ông Cường nhấn mạnh.

Về vấn đề dầm thép, bà Trần Thị Thu Hiền - TGĐ Công ty TNHH sản xuất kết cấu thép Thành Long cho biết, do dầm thép được sản xuất tại 3 xưởng (2 xưởng tại Hải Phòng và 1 xưởng tại Hưng Yên), quãng đường vận chuyển phải đi qua địa bàn các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên khó khăn trong công tác phối hợp với chính quyền các địa phương nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

Mặt khác, do kích thước bề ngang của kết cấu đâm thép lớn (6,5m) nên không thể di chuyển qua trạm thu phí trên QL5 (có kích thước làn xe quá khổ lớn nhất là 6m).

Ông Cường nói thêm, đến nay, tại hiện trường nhà thầu đã thi công xong toàn bộ cọc khoan nhồi và 6 mố trụ phía đường Phạm Ngọc Thạch cũng như cơ bản hoàn thành công tác gia công chế tạo dầm thép tại xưởng. Nhà thầu đang phối hợp với Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để thống nhất phương án vận chuyển cấu kiện qua trạm làm cơ sở cấp phép vận chuyển.

Dự kiến đến ngày 30/11/2022 nhà thầu sẽ hoàn thành kết cấu phần dưới phía đường Chùa Bộc. Đầu tháng 11/2022 sau khi được cấp phép sẽ tiến hành lao lắp dầm thép phía đường Phạm Ngọc Thạch và hoàn thành trước ngày 5/12/2022; cơ bản hoàn thành công tác lao lắp các nhịp dầm thép trong tháng 12/2022 và hoàn thành kết cấu phần trên trước Tết Âm lịch năm 2023; thông xe trong quý I/2023.

“Dù chậm tiến độ so với kế hoạch song dự án sẽ không bị tăng tổng mức đầu tư” - ông Bùi Mạnh Cường nhấn mạnh.

Dự án cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên cũng ì ạch

img

Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2 chậm tiến độ, giao thông qua đây thường xuyên ùn tắc

Liên quan đến việc triển khai Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2, đơn vị này cho biết: Dự án có chiều dài 3,7km, chia làm 4 đoạn. Đối với đoạn 1, đoạn 2 (từ nút giao Khách sạn Thắng Lợi đến ngõ 124 Âu Cơ) và đoạn 4 (từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân) thời gian qua phải ngừng thi công từ ngày 15/6 đến 31/10/2022 do trong mùa mưa lũ.

Đối với đoạn 3 (từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân) đến nay chưa được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp phép thi công.

Đến thời điểm này, đoạn 1, 2 và 4 đã được Sở GTVT Hà Nội cấp phép phân luồng giao thông để tiến hành thi công. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các nhà thầu làm công tác chuẩn bị lắp đặt rào chắn, cắm biển theo phương án phân luồng để thi công từ ngày 5/11/2022.

Dự kiến, trong tháng 11/2022 sẽ thực hiện di chuyển chính thức các tủ điện phía đường 5m ngoài đê, hoàn chỉnh các đốt tường chắn bê tông cốt thép còn lại (4 đốt tường) và thảm toàn bộ tường 5m ngoài đê từ Khách sạn Thắng Lợi đến ngõ 124 Âu Cơ nhằm bảo đảm nhu cầu đi lại cho người dân trong khu vực. Đồng thời thi công hoàn chỉnh phần mở rộng đường đoạn 4.

Tháng 12/2022 sẽ tiến hành thi công cải tạo mặt đường Âu Cơ, di chuyển tuyến đường ống cấp nước D600 và thi công tường chắn đoạn 4.

Đối với đoạn 3, hiện Ban đã được Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chấp thuận để cấp phép thi công, dự kiến ngày 10/11/2022 sẽ có giấy phép và triển khai thi công từ ngày 15/11/2022, hoàn chỉnh dự án vào đầu năm 2024.

Cuối buổi họp báo, ông Phạm Văn Duân - Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cam kết sẽ cùng các nhà thầu nỗ lực hoàn thành các dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.