An ninh hình sự

Hỗn loạn buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long: Bộ Tư pháp nói gì?

26/04/2017, 10:31

Đại diện Bộ Tư pháp đã nêu quan điểm về buổi xin lỗi công khai tử tù Hàn Đức Long xảy ra náo loạn.

nao-loan-tai-buoi-xin-loi-cong-khai-tu-tu-han-duc-

Người nhà bị hại trong vụ án mà ông Hàn Đức Long bị oan gây náo loạn tại buổi xin lỗi công khai đối với ông Long

Sáng 26/4, Bộ Tư pháp tổ chức buổi họp báo quý I/2017. Tại đây, nhiều PV báo chí đã đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Tư pháp về vụ việc hy hữu vừa xảy ra trong buổi xin lỗi công khai tử tù oan Hàn Đức Long (Bắc Giang).

Báo Giao thông đặt câu hỏi: "Hôm qua, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với người tù oan Hàn Đức Long, tuy nhiên, buổi xin lỗi đã xảy ra một sự cố ít ai ngờ tới khi người nhà bị hại trong vụ án không đồng ý với buổi xin lỗi, họ gây náo loạn và có những hành động phản ứng hết sức dữ dội, thậm chí ném dép, mũ, chai lọ lên phía đại diện toà án đang đọc lời xin lỗi công khai. Xin hỏi quan điểm của Bộ Tư pháp, trong một khung cảnh hỗn loạn như thế, có nên tính tới các biện pháp dừng buổi xin lỗi công khai, hay cứ cố “làm cho xong”, để rồi không đạt được hiệu quả gì cho tất cả các bên?".

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Việt Hưng – Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, hiện nay, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ 3 nội dung chính về việc tổ chức xin lỗi công khai.

Thứ nhất là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật thì người yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xin lỗi.

Thứ hai là trong thời hạn 30 ngày kể từ nhận được yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức xin lỗi.

Thứ ba là có thể xin lỗi qua 2 hình thức là trực tiếp xin lỗi tại nơi cư trú người bị oan, hoặc đăng báo cải chính trên báo chí T.Ư và địa phương.

Nói về vụ việc xảy ra trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long, ông Hưng cho rằng, hiện nay Luật hiện hành chỉ quy định tổ chức xin lỗi nghiêm túc, công khai, còn tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thời gian bao lâu, thành phần ra sao thì trong luật quy định chưa rõ ràng, do đó xảy ra việc thành phần tham gia có hành vi gây rối.

Ông Hưng nhấn mạnh, trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long, tất cả các cơ quan tố tụng đều được bố trí đầy đủ từ cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, đến cơ quan xét xử, thể hiện sự cầu thị của các cơ quan.

"Tuy nhiên, việc tổ chức xin lỗi ông Long có những sự cố khi người nhà bị hại có hành vi hơi quá, tôi không bình luận nhiều. Khi cơ quan Nhà nước đã xác định người bị oan và đứng ra xin lỗi, còn trách nhiệm xác định, truy tìm thủ phạm do các cơ quan điều tra tiến hành, theo thời gian và quy trình cụ thể. Nên hành vi gây rối của gia đình bị hại, quan điểm của tôi là nên tuyên truyền giáo dục để người nhà thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", ông Hưng nêu quan điểm và một lần nữa nhấn mạnh, việc ông Long bị oan các cơ quan tố tụng đã chứng minh một cách có căn cứ, nên phải tách bạch với việc chưa tìm ra thủ phạm vụ án, làm người nhà bị hại bức xúc.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, dự thảo luật mới sẽ nghiên cứu quy định một cách cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, cũng như trách nhiệm của cơ quan xin lỗi trong tổ chức xin lỗi công khai, làm sao để có tính khả thi cao nhất.

tu-tu-han-duc-long-suy-sup-sau-buoi-xin-loi-cong-k

Ông Hàn Đức Long suy sụp sau buổi xin lỗi công khai

Trước đó, chiều 25/4, TAND tối cao tổ chức xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long. Tuy nhiên, một sự cố bất ngờ đã xảy ra khi một nhóm người nhận là gia đình của nạn nhân Nguyễn Thị Yến (SN 2000) đã mang di ảnh đến để phản đối buổi xin lỗi.

Tình hình căng thẳng, hỗn loạn khi nhóm người của gia đình nạn nhân liên tục hò hét yêu cầu cơ quan chức năng hủy buổi xin lỗi với ông Long vì lý do chưa xác định ai là hung thủ gây ra vụ án và vì sao ông Long đã đi tù được 11 năm lại được thả với kết luận án oan trong khi không có bằng chứng rõ ràng.

Để cố ngăn cản buổi xin lỗi công khai, nhóm người gia đình cháu Yến đã cùng nhau tràn lên sân khấu để giật chiếc bảng phông nền rồi đạp rách. Thậm chí, nhóm người còn có hành động tấn công đoàn công tác của TAND tối cao khi liên tục ném dép, chai lọ và chửi mắng. Thời điểm này, ông Long và gia đình cũng đã có mặt tại hội trường nhưng do tình hình hỗn loạn và đề phòng những tình huống xấu, ông Long đã được đưa nhanh ra khỏi hội trường.

Lúc này, ông Trần Văn Tuân, Phó chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội vẫn cố gắng đứng tại bục để đọc lời xin lỗi công khai đối với ông Hàn Đức Long bất chấp không khí ồn ào, la hét, những chiếc dép, chai lọ lao thẳng về phía ông.

Lời xin lỗi được đọc ngắn gọn trong vòng 5 phút và đoàn công tác nhanh chóng ra xe rời khỏi UBND xã Phúc Sơn.

Ông Hàn Đức Long là tử tù có 11 năm bị bắt giam, truy tố, xét xử oan và chịu giam cầm trong vụ án hiếp dâm, giết chết bé gái 5 tuổi gây chấn động cả nước. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19h ngày 26/6/2005, cặp vợ chồng ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang đi làm đồng về không thấy cháu Nguyễn Thị Yến (5 tuổi) ở nhà. Sáng hôm sau, một phụ nữ cùng xã đi làm phát hiện xác bé gái tại mương nước gần bờ ruộng. Nhà chức trách xác định, đứa trẻ bị hiếp dâm rồi dìm chết.

Từ năm 2007 đến 2011, qua 4 phiên tòa, ông Hàn Đức Long (58 tuổi, ở huyện Tân Yên, Bắc Giang) bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Suốt thời gian này, ông Long liên tục kêu oan, nói do bị ép buộc nên thời điểm bị triệu tập mới nhận tội.

Ngày 20/12/2016, VKSND tỉnh Bắc Giang đánh giá kết quả điều tra lại của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang theo quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, cho thấy chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Long về các tội danh bị khởi tố. Vì vậy, Viện đình chỉ điều tra vụ án với bị can Hàn Đức Long. VKSND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang, UBND xã Phúc Sơn (huyện Tân Uyên, Bắc Giang) phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Long theo quy định của pháp luật.

Xem thêm Video: