Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và khách gửi tiền hoàn toàn có quyền khởi kiện.

img

Từ một khách hàng VIP của nhiều ngân hàng, anh Toàn trở thành người đi đòi tiền gửi tiết kiệm của chính mình trong những ngày qua

Một trong những thông tin được dư luận rất quan tâm trong mấy ngày qua là việc Viện KSND TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cùng bị truy tố với Thành còn có 17 bị can nguyên là các cán bộ ngân hàng.

Thành bị cáo buộc đã móc nối với cán bộ ngân hàng chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân.

Vụ việc gây tranh cãi khi một trong những nạn nhân của Thành là anh Đặng Nghĩa Toàn (45 tuổi, trú tại Hà Nội), từ một khách hàng VIP của nhiều ngân hàng, trở thành người đi đòi tiền gửi tiết kiệm của chính mình trong những ngày qua.

Phía ngân hàng thì cho rằng, chỉ giải quyết yêu cầu của anh Toàn trên cơ sở bản án có hiệu lực (vụ án của Nguyễn Thị Hà Thành).

Thực ra, đây không phải là vấn đề mới, những hiện tượng này đã xảy ra từ lâu. Điển hình là vụ một nữ khách hàng đã bị mất số tiền 245 tỷ đồng sau ba năm gửi tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank chi nhánh TP HCM, xảy ra năm 2018.

Trước tiên, khách hàng cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ các hồ sơ chứng từ, tài liệu giao dịch với ngân hàng và tìm đến một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín để tiến hành thủ tục mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Khách hàng tuyệt đối không tham gia vào vụ án hình sự liên quan đến cá nhân cán bộ ngân hàng có hành vi sai phạm làm thất thoát tiền của mình.

Bởi lẽ, khách gửi tiền “nằm ngoài” vòng xoáy tố tụng này, vì khách gửi tiền có quan hệ với ngân hàng trong một quan hệ pháp luật khác.

Tiếp theo, khách hàng thu thập tài liệu để tiến hành khởi kiện vụ án dân sự đòi lại tiền mà đối tượng kiện là ngân hàng. Bởi, mối quan hệ giữa khách gửi tiền và ngân hàng là giao dịch dân sự nhận tiền gửi.

Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và khách gửi tiền hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình. Bởi, dưới góc độ kinh tế, việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng được coi là hành vi cất giữ tiền của mình.

Còn dưới góc độ luật dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng, tổ chức tín dụng phải luôn được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản.

Theo đó, sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu toàn bộ rủi ro đối với nó. Khi đó, người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận.

Trong pháp luật dân sự, tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao tiền thì bao giờ cũng kèm theo chuyển giao quyền sở hữu.

Nếu rơi vào tình huống này, khách hàng cùng luật sư của mình phải đấu tranh quyết liệt để tòa án không được từ chối thụ lý vụ án dân sự với lập luận: Tranh chấp giữa khách gửi tiền và ngân hàng là quan hệ tranh chấp về hợp đồng cho vay tài sản.

Hơn nữa, theo quy định tại Bộ luật Dân sự, pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Tóm lại là nhân viên làm sai thì tổ chức phải chịu trách nhiệm. Nếu ngân hàng trốn tránh trách nhiệm và né đền bù, đẩy trách nhiệm cho cá nhân cán bộ sai phạm và thiệt hại cho khách hàng sẽ khiến người dân quay lưng với ngân hàng.

Ở đây cần phải tách bạch hai quan hệ pháp luật: Vụ việc nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng là trách nhiệm hình sự của cá nhân cán bộ ngân hàng phải chịu với Nhà nước, quan hệ này độc lập và nằm ngoài quan hệ giữa ngân hàng và khách gửi tiền.

Bản thân tòa án trong trường hợp này cũng cần mạnh dạn và kiên quyết thụ lý vụ án, vì đây là quan hệ pháp luật độc lập, không phụ thuộc vào vụ án hình sự.