Mục tiêu tăng trưởng 6,5% có khả thi?
Tăng trưởng GDP năm 2022 là 8,02%. Đây là mức tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên mức tăng này lại dựa trên nền rất thấp của năm 2021.
Do vậy, tăng trưởng cao là tốt, song nghiên cứu kỹ thì thấy nền kinh tế chưa phục hồi lại mức tăng trưởng của năm 2018-2019.
Ảnh minh họa
Xét cơ cấu 3 khu vực đóng góp cho tăng trưởng, có điểm tích cực. Đó là cơ cấu khu vực nông lâm nghiệp thủy sản giảm đi. Điều đó chứng tỏ khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn là động lực chính cho nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ dù chiếm 41,33%, cao hơn năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2018-2019. Điều này chứng tỏ khu vực dịch vụ đã phục hồi nhưng chưa lấy lại đà như các năm trước đại dịch.
Mức lạm phát 3,15% đã giải thích rõ tại sao kiểm soát được lạm phát. Nhờ chính sách điều tiết của Chính phủ liên quan Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, chưa tăng giá các mặt hàng chiến lược, như 3-4 năm nay không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục chưa tăng… Đó là các nguyên nhân cơ bản giúp lạm phát năm 2022 ở mức 3,15%.
Tuy nhiên, nếu chúng ta kiềm giữ mãi giá điện, giá dịch vụ giáo dục, y tế, không cho các mặt hàng, dịch vụ này theo cơ chế thị trường năm 2023-2024 thì rất bất cập.
Do đó, năm 2023 phải điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế sao cho phù hợp, để giá các mặt hàng, dịch vụ này tiệm cận cơ chế thị trường. Tất nhiên nếu những mặt hàng đó được điều chỉnh sẽ tạo áp lực lạm phát rất lớn.
Nhìn chỉ số giá Tổng cục Thống kê công bố, có thể thấy nhiều mặt hàng đã tăng rất mạnh. Chỉ số giá nhập khẩu tăng đến 8,56%, trong khi trên 92% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất. Chỉ số giá xuất khẩu cũng tăng 7,09%. Giá nhập khẩu và xuất khẩu là đi vào đầu vào của nền kinh tế và sản phẩm đầu ra, nên sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá 2023.
Năm 2023 còn chịu tác động của lạm phát cầu kéo. Tổng cầu sẽ tăng đột biến, giải ngân gói đầu tư công 350 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, giá xăng dầu thời gian qua giảm khá sâu, nhưng sắp tới khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế sẽ khiến giá cả mặt hàng này tăng khoảng 20%. Khi đó, lạm phát của các nền kinh tế trong đó có Việt Nam sẽ chịu tác động tăng rất cao. Đặc biệt, chúng ta nhập tư liệu sản xuất lớn nhất từ Trung Quốc.
Ngoài ra, việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 cũng sẽ tác động đến lạm phát. Nếu tăng lương như vậy sẽ tác động đến CPI tăng 0,67 điểm phần trăm.
Các yếu tố đó sẽ tác động đến lạm phát nên mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức 4,5% không phải là dễ.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm 2023 là 6,5%. Tuy mục tiêu thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022 nhưng 1% GDP năm 2023 đạt 104,1 nghìn tỷ, cao hơn 9,7 nghìn tỷ so với 1% GDP của năm 2022.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, dự kiến khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phải tăng 3%; khu vực Công nghiệp và Xây dựng tăng 7,6%-8,3%; khu vực Dịch vụ tăng 6,5%-7,0%.
Đây là các mức tăng không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam dự báo rơi vào suy thoái sẽ tác động rất mạnh tới kinh tế Việt Nam.
Với các chính sách, giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, với chỉ đạo khẩn trương, sát sao và cụ thể của Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 có tính khả thi nhưng để đạt được cũng không dễ dàng, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn.
TS. Nguyễn Bích Lâm
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê