Nghị lực đôi vợ chồng mỗi người mất một chân
Người chồng mất chân trái, người vợ mất chân phải, duyên phận đã đem họ đến bên nhau và họ đã xây dựng nên một gia đình hạnh phúc.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng “chú lính chì” Nguyễn Thị Lệ Thu và Đoàn Ngọc Bảo luôn nở nụ cười hạnh phúc
Bé trai Minh Trí chào đời làm cho hạnh phúc của đôi vợ chồng Nguyễn Thị Lệ Thu và Đoàn Ngọc Bảo thêm tròn đầy, luôn ngập trong tiếng cười.
Tình yêu đơm hoa kết trái
Hơn 19h tối, Nguyễn Thị Lệ Thu (sinh năm 1994) mới đi làm về. Bước vào căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 20m2 là nơi sinh hoạt, nấu ăn, ngủ nghỉ của cả nhà, Thu nở nụ cười tươi rói, ôm chầm lấy cậu con trai Minh Trí 4 tháng tuổi.
Chồng cô - Đoàn Ngọc Bảo (sinh năm 1993) nhanh nhẹn trao con cho vợ, rồi đến khu bếp để chuẩn bị bữa tối. Nhìn cả hai vợ chồng di chuyển nhanh nhẹn, không ai nghĩ họ đều là người khuyết tật, đều mất 1 chân.
“Ban ngày, Thu đi làm. Tối đến, tôi đi làm. Hai vợ chồng vì thế tự chăm được bé Trí”, Bảo cho hay.
Khác với lo ngại của nhiều người, trong đó có cả người thân của hai bên gia đình về việc “hai người khuyết tật lấy nhau thì ai lo cho được”, vợ chồng Bảo - Thu tự lập trong cả công việc, thu nhập, sinh hoạt đến chăm sóc con cái. Thu hiện làm công việc kế toán cho một cửa hàng kinh doanh xe máy ở Hà Nội, còn chồng Thu trước đây dạy trượt patin cho các em nhỏ vào buổi tối.
“Từ khi có dịch Covid-19, công việc của chồng em gặp khó khăn. Hơn nữa, luôn phải có người ở nhà trông con. Vì vậy, hiện chồng em nghỉ làm ở trung tâm huấn luyện patin. Anh ấy ở nhà nên có thời gian chăm sóc con và kinh doanh thêm trên mạng để có thêm thu nhập”, Thu cho hay.
Bảo cho biết, quyết định nghỉ việc ở nhà nuôi con để vợ đi làm cũng là sự đấu tranh tư tưởng rất lớn giữa hai vợ chồng và chính bản thân Bảo. Bởi ban đầu, Thu lo cho chồng ở nhà chăm sóc con thì sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp, rồi Bảo sẽ nhàm chán. Nhưng Bảo đã thuyết phục Thu là phụ nữ, nên giữ lấy công việc ổn định, còn Bảo là đàn ông có thể xoay xở trong nhiều tình huống hơn.
“Anh Bảo đang hy sinh cho gia đình. Trước khi sinh con, cả hai vợ chồng đi làm thu nhập được 15 triệu đồng nhưng hiện nay, cả lương của em lẫn tiền lãi kinh doanh online của Bảo chưa đầy 9 triệu đồng/tháng. Chật vật lắm nhưng chúng em hiện vẫn ổn”, Thu nói, khuôn mặt vẫn sáng rạng rỡ.
Chưa từng nghĩ mình khuyết tật
Năm 2015, Bảo tham gia Thế vận hội Thể thao mùa Đông dành cho người khuyết tật
Không chỉ bây giờ, Thu mới tự lập và tự tin đến thế. Ngay từ hồi học lớp 5, tai họa ập đến khi Thu đi xem máy xúc cùng các bạn, bị máy lật và đè vào chân, Thu đã phải cưa đi một chân.
Cô bé 10 tuổi ngày ấy cũng đã mất nhiều thời gian để làm quen với việc chỉ còn một chiếc chân, nhưng Thu chưa bao giờ bi lụy. Thời gian đầu rời bệnh viện về nhà, Thu từng phải bò lê vì chân trái cứng đơ. Nhưng em nén đau, tập co duỗi chân mỗi ngày một chút.
Chỉ 1 - 2 tháng sau, Thu đã đòi đi học. Bố mẹ thay phiên nhau chở em đi học bằng xe đạp, nhưng Thu sợ bố mẹ vất vả vì mình, nên em đã quyết tâm tập đi xe đạp bằng một chân. Suốt 7 năm học sau đó, em đã tự đi xe đạp một mình đến trường, cứ mỗi lần lên dốc là lại nhờ các bạn kéo lên.
Năm 2012, Thu thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành Kế toán. Suốt 4 năm đại học, năm nào Thu cũng giành được học bổng, tốt nghiệp bằng giỏi.
Từ năm thứ 2, Thu vừa học vừa đi làm thêm từ gia sư cho tới marketing online. Đến khi ra trường được 6 tháng, Thu đã tự mua cho mình chiếc xe máy 3 bánh có giá 24 triệu đồng. Khi có bằng đại học, Thu chống nạng đi xin việc.
Cho đến bây giờ, nhiều đồng nghiệp của Thu thỉnh thoảng vẫn còn nhắc lại cái ngày đầu tiên thấy một cô gái cụt chân chống nạng xông thẳng vào phòng “sếp” để phỏng vấn xin việc, với cái đầu ngẩng cao, khuôn mặt tươi rói luôn nở nụ cười...
Thu và chồng giống nhau ở sự tự tin, nghị lực sống mãnh liệt và... hay cười. Nếu như Thu học giỏi, tự tin ghi danh tham gia Liên hoan “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” và lọt top 10 thí sinh thi vào vòng chung kết, thì Bảo đã chinh phục thành công những thứ mà ngay cả người bình thường cũng khó làm được, như trượt patin, bơi lội, leo núi trong nhà…
Bảo từng tham gia Thế vận hội Thể thao mùa Đông dành cho người khuyết tật được tổ chức ở Hàn Quốc năm 2015, thi đấu bộ môn trượt tuyết.
Từ khi sinh ra, Bảo đã mắc bệnh phù chân voi. Gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng đến năm 2012, Bảo phải cắt bỏ một bên chân trái vào năm Bảo 19 tuổi. Vượt qua cú sốc, Bảo tự tin, lạc quan tìm động lực phấn đấu.
Một lần, Thu tình cờ thấy bức ảnh Bảo tham gia chương trình “You raise me up”, cô thấy Bảo sao giống cô đến vậy, cùng mất một chân nhưng lúc nào cũng cười rạng rỡ, rất tự tin. Thu kết bạn Facebook với Bảo, những cuộc trò chuyện tìm hiểu nhau như gần lại. Một thời gian hai người người thấy hợp nên quyết định đi đến hôn nhân và được hai gia đình nhiệt tình vun đắp.
“Mới đầu hai đứa sợ gia đình phản đối vì hai đứa khuyết tật, nếu lấy nhau không biết có lo được cho nhau không, hơn nữa sau này sinh con đẻ cái thì thế nào. Nhưng thật bất ngờ cả hai gia đình đều hết sức ủng hộ và vun đắp cho tình yêu của chúng em. Sau một năm tổ chức hôn lễ chúng em lại được ông trời ban phước cho đứa con”, Thu kể.
“Tổng thu nhập chưa đến 9 triệu đồng trong khi đó tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước một tháng đã mất 5,5 triệu đồng. Tiền bỉm sữa cho Minh Trí mỗi tháng hết 1,5 triệu đồng. Số còn lại chưa đến 2 triệu đồng vợ chồng chi tiêu”, Thu cười chia sẻ.
Khi tôi ngỏ ý hỏi “khó khăn như vậy thì có nghĩ tới sự “viện trợ” của bố mẹ hai bên không?”, cả Thu và Bảo đều cho hay, dù khó khăn trong việc xoay xở cơm áo, gạo tiền nhưng không muốn làm phiền gia đình nhà nội, nhà ngoại bởi bố mẹ hai bên ở quê cũng khó khăn, cuộc sống cũng chỉ trông chờ vào đồng ruộng.
“Bọn em đã và đang cố gắng tìm các công việc làm thêm để làm sao đủ tiền trang trải cuộc sống, đủ tiền nuôi con. Rồi Trí sẽ lớn hơn, công việc của chúng em sẽ ổn định hơn”, Bảo cho biết.
Chia sẻ với tôi, Thu và Bảo cho biết, họ luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình, đặc biệt với Minh Trí trong tương lai. “Vợ chồng em chẳng có ước mơ gì cao sang cho cháu, chỉ mong Minh Trí khôn lớn, sau này học một trường nào đó theo sở thích của mình rồi trở thành người có ích cho xã hội”, Thu bộc bạch.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (người trọ cùng tầng với Thu và Bảo) cho biết, rất cảm phục nghị lực của đôi vợ chồng “chú lính chì”. Hai người dù vất vả nhưng chẳng bao giờ hàng xóm nghe thấy tiếng cãi vã nhau. “Tôi ở đây gần một năm nhưng không bao giờ nghe thấy họ to tiếng, thay vào đó là tiếng cười vui vẻ, sự nhường nhịn, chia sẻ nỗi vất vả, gian truân với nhau giữa Thu và Bảo”, chị Hạnh cho biết.