Nghiên cứu đầu tư PPP mở rộng cao tốc TP.HCM-Trung Lương-Mỹ Thuận
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu nghiên cứu đầu tư mở rộng hai tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.
Lựa chọn loại hợp đồng phù hợp
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Long An, Tiền Giang và các Bộ liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu và đề xuất đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương quy mô 8 làn xe, đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận quy mô 6 làn xe theo phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) toàn tuyến.
"Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương có tuyến đường đi qua thống nhất loại hợp đồng phù hợp.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài gần 40km đi qua địa bàn TP.HCM, Long An, Tiền Giang.
Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe (có làn dừng khẩn cấp), bề rộng nền đường 26m, GPMB theo quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc. Dự án được đưa vào khai thác từ tháng 2/2010.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51km và 4,5km tuyến nối. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc (làn dừng khẩn cấp cách quãng), GPMB theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.
Dự án được đưa vào khai thác từ tháng 4/2022 và chính thức thu phí hoàn vốn vào tháng 8/2022.
Trường hợp cần thiết báo cáo Quốc hội về việc áp dụng loại hợp đồng PPP và việc giao cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo việc đầu tư mở rộng được triển khai thuận lợi nhất có thể", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Liên quan đến hình thức đầu tư mở rộng hai tuyến cao tốc trọng điểm khu vực phía Nam, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (Varsi) cho rằng, trong bối cảnh hạ tầng giao thông cần nguồn lực đầu tư rất lớn như hiện nay, các dự án có sức hấp dẫn như TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận cần mở rộng cửa cho các nhà đầu tư quan tâm tham gia. Đây là các dự án hứa hẹn sẽ có một phương án tài chính tốt và khả thi khi doanh nghiệp "rót vốn" đầu tư.
Đoạn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 đã được đầu tư PPP, giai đoạn 2 nên tiếp tục nghiên cứu triển khai theo phương thức này với loại hợp đồng BOT, hài hoà lợi ích cho nhà đầu tư giai đoạn 1.
Với tuyến TP.HCM - Trung Lương, giai đoạn 1 được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, giai đoạn 2 vẫn có thể nghiên cứu phương thức PPP. "Ở trường hợp này, kinh nghiệm đã có tại dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ, giai đoạn đầu cũng được đầu tư bằng vốn ngân sách. Giai đoạn 2, nhà đầu tư đã tham gia để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến theo hình thức BOT. Mô hình này, loại hình này hoàn toàn có thể tiếp tục nghiên cứu áp dụng với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương", ông Chủng nói.
Dưới góc độ nghiên cứu của doanh nghiệp, gửi văn bản đề xuất đến Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, giai đoạn 1 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đầu tư phương thức PPP với quy mô 4 làn xe.
Giai đoạn 2 sẽ được đầu tư PPP thêm 2 làn xe, các nhà đầu tư tổ chức thu phí chung, không phát sinh chi phí bù doanh thu theo hợp đồng dự án.
Nếu thực hiện đầu tư công giai đoạn 2, ngoài khoản ngân sách nhà nước phải chi khoảng 11.800 tỷ đồng đầu tư dự án, cơ quan chức năng cần bố trí thêm khoảng hơn 8.000 tỷ đồng (nếu thanh toán 1 lần) hoặc hơn 13.800 tỷ đồng (nếu thanh toán trong 14 năm) để thanh toán cho nhà đầu tư giai đoạn 1, bù phần hụt doanh thu do không thể thu phí một nửa lưu lượng xe (toàn bộ xe đi theo hướng Mỹ Thuận đến Trung Lương sẽ đi trên phần giai đoạn 2).
Trong khi đó, tuyến TP.HCM - Trung Lương trong trường hợp đầu tư công, Chính phủ cần bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng với thủ tục kéo dài, khó đáp ứng được yêu cầu cấp thiết mở rộng.
Trên cơ sở phân tích, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT triển khai đầu tư giai đoạn 2 của dự án TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài khoảng 110km với tư cách là một dự án không tách rời, thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.
Cấp thiết huy động nguồn lực xã hội hoá đầu tư mở rộng
Theo báo cáo của Bộ GTVT, với đoạn TP.HCM - Trung Lương, thống kê của đơn vị quản lý khai thác cho thấy, từ thời điểm tuyến không thu phí (1/1/2019), lưu lượng xe trên tuyến tăng trên 35%.
Cụ thể, trước thời điểm dừng thu phí, lưu lượng trung bình năm 2018 khoảng 38.500 xe ô tô/ngày đêm. Từ năm 2019 đến nay, con số này tăng lên khoảng 52.350 xe ô tô/ngày đêm, dịp lễ, Tết cao điểm có thể tăng đột biến đến 50%.
Đối với đoạn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, báo cáo của nhà đầu tư cho thấy, lưu lượng xe trung bình năm 2022 là khoảng 18.200 xe ô tô/ngày đêm; 6 tháng đầu năm 2023 khoảng gần 22.000 xe ô tô/ngày đêm; Những dịp lễ, Tết, cao điểm lên đến gần 40.000 lượt xe ô tô/ngày đêm.
Trên đoạn tuyến này, làn dừng khẩn cấp được bố trí cách quãng nên tốc độ khai thác trên tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận thấp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày đối với đoạn tiếp giáp TP.HCM.
Căn cứ cơ sở thực tiễn, Bộ GTVT cho rằng, việc huy động nguồn lực xã hội hoá, sớm đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là cần thiết.