Nhà máy nước sông Đuống chưa nghiệm thu đã bán nước cho dân là không ổn
Công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu thì chưa được hoạt động, nhất là nhà máy nước sạch liên quan đến an toàn sinh mạng người tiêu dùng...
Liên quan đến thông tin Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã rầm rộ khánh thành, bán nước cho dân, Luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng VP Luật sư Đặng Sơn, Đoàn luật sư TP Hà Nội trao đổi với Báo Giao thông: "Công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu thì chưa được hoạt động, chưa đảm bảo để hoạt động, nhất là nguồn nước có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người".
Theo luật sư Sơn, Khoản 3, Điều 123 Luật Xây dựng năm 2014 quy định: "Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật này"; "Công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng và môi trường, công trình sử dụng vốn nhà nước phải được kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình".
Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, đối với công trình nhà máy nước sạch thuộc công trình xây dựng liên quan đến an toàn sinh mạng người tiêu dùng nên cần phải rất khắt khe trong nghiệm thu, đánh giá. Đặc biệt phải kiểm tra đánh giá về sản phẩm cuối cùng mới có thể đưa vào sử dụng.
“Quy định công trình cấp 1 trở lên do Bộ Xây dựng có thẩm quyền về chất lượng công trình, kiểm tra về công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và đánh giá kết quả nghiệm thu. Việc nghiệm thu sẽ kiểm tra về kết quả xây dựng có đạt yêu cầu không, công nghệ có đạt yêu cầu không, đã có nghiệm thu về chất lượng nguồn nước chưa… Trên cơ sở xem xét tất cả đã đủ điều kiện rồi thì Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) sẽ ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư về công trình và công trình mới đủ điều kiện để đưa vào khai thác” - PGS.TS Trần Chủng phân tích.
Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, về nguyên tắc cơ quan Nhà nước chưa ra văn bản nghiệm thu công trình thì chưa được đưa vào sử dụng. “Việc công trình chưa được chấp nhận nghiệm thu mà chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng là vi phạm. Một nhà máy nước lớn như nhà máy sông Đuống chưa được nghiệm thu đã cung cấp bán nước cho dân thì không được, không ổn”, ông Chủng nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: Việc gần đây các nhà máy nước sạch bán nước cho người dân bị nhiễm bẩn, bán nước khi chưa được nghiệm thu công trình trách nhiệm chính là chủ đầu tư đã không trung thực với khách hàng.
“Kinh doanh nước sạch là kinh doanh có điều kiện. Đến giờ khi vụ việc của các nhà máy nước sạch như nước sông Đà xảy ra thì mới thấy lỗ hổng, đây không phải lỗ hổng về văn bản pháp luật, mà đây là lỗ hổng về quản lý và trách nhiệm quản lý. Đáng ra cơ quan quản lý địa phương cấp cho ai, Bộ Xây dựng phân cấp cho cục nào hay sở nào là phải báo cáo”, PGS.TS Bùi Thị An cho hay.
Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin, Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty CP nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne làm chủ đầu tư, Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) giữ vai trò làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, chưa đủ điều kiện nghiệm thu của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng đã rầm rộ khánh thành, bán nước thu tiền của dân.