Hạ tầng

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam lỗ nặng vì chỉ số bù giá quá thấp, công bố chậm

Việc địa phương chậm ban hành chỉ số giá khiến quá trình điều chỉnh hợp đồng, thanh toán cho nhà thầu chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân...

Kỳ 2: Địa phương công bố chỉ số giá quá chậm, chênh lệch lớn

Trong khi tỷ lệ trượt giá các loại vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam liên tục tăng thì chỉ số giá địa phương ban hành làm cơ sở bù giá cho nhà thầu theo hợp đồng lại được ban hành vừa chậm, vừa thấp.

img

Theo thông lệ, hàng tháng các địa phương, trực tiếp là Sở Xây dựng sẽ khảo sát và công bố chỉ số giá trên địa bàn, xác định tỷ lệ trượt giá vật liệu (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45). Ảnh: Tạ Hải

Nhà thầu cắn răng chịu lỗ

Cầu Mỹ Thuận 2 là một dự án thành phần quan trọng thuộc dự án cao tốc Bắc -Nam giai đoạn 2017 - 2020.

Đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2023, các nhà thầu hiện vẫn đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ từng ngày. Song, quyết tâm ấy dường như đang lung lay khi cơn bão giá vật liệu đẩy chỉ số trượt giá tại công trình lên quá cao.

Ban QLDA 7 cho biết, theo báo cáo của các nhà thầu, so với thời điểm ký hợp đồng (quý I và II/2020), hiện giá thép tăng khoảng 30 - 40%, xi măng tăng 15 - 20%, nhựa đường tăng 15 - 20%, cát bê tông tăng 20%, đá xây dựng tăng 10%, đất đắp nền tăng 30 - 40%, nhiên liệu tăng 90 - 110%.

Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng mạnh khiến chi phí xây dựng gói thầu XL01 tăng khoảng 15%, gói thầu XL02 tăng 18%, XL03A tăng 20%, gói XL04 tăng 15%.

Tỷ lệ trượt giá tăng mạnh, song việc ban hành chỉ số giá xây dựng của hai địa phương có công trình đi qua lại khá chậm trễ. “Đến nay tỉnh Tiền Giang mới công bố chỉ số giá quý I/2022. Tỉnh Vĩnh Long thậm chí còn chưa ban hành chỉ số giá của năm 2021”, đại diện Ban QLDA 7 nói và cho biết, ngay cả với chỉ số giá được công bố cũng còn chênh lệch rất lớn so với thực tế giá cả trên thị trường.

Chẳng hạn, giá cát bê tông tháng 3/2022 tính theo khối, địa phương công bố giá là hơn 195.000 đồng/m3, thực tế 460.000 đồng/m3. Đá các loại theo giá địa phương là 131.000 đồng/m3, thực tế 597.000 đồng/m3. Giá nhân công địa phương công bố gần 100.000 đồng/ca, thực tế là 450.000 đồng/ca.

Tìm hiểu của PV, tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cũng đã công bố chỉ số giá đến tháng 5/2022, nhưng nhiều hạng mục vẫn chưa sát thực tế.

Chẳng hạn, gói thầu XL01 nếu tính theo chỉ số giá của địa phương công bố theo giá nhiên, vật liệu tăng lên, chi phí xây dựng tăng lên trên 61 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo biến động giá thực tế, chi phí tăng tới 73 tỷ đồng. Gói XL02 tăng từ 19 tỷ đồng lên 25 tỷ đồng; gói XL03 tăng từ 29 tỷ đồng lên 35 tỷ đồng và gói XL04 từ 89 tỷ đồng lên 108 tỷ đồng.

“Việc địa phương chậm ban hành chỉ số giá khiến quá trình điều chỉnh hợp đồng, thanh toán cho nhà thầu chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án”, ông Nguyễn Thái Hà, Phó giám đốc Ban QLDA 7 nói và kiến nghị các địa phương công bố chỉ số giá cần sớm và sát hơn nữa.

Theo đại diện tài chính của nhà thầu Tổng công ty 36 (Liên danh nhà thầu thi công gói XL6 dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn), theo dự toán được phê duyệt thời điểm ký hợp đồng, giá thép xây dựng chỉ hơn 14.000 đồng/kg, song, có thời điểm (tháng 4/2022), giá thép tăng đến 70 - 80%.

“Thép tăng phi mã nhưng chỉ số giá địa phương công bố vào thời điểm mới nhất (tháng 12/2021) chỉ quy định tăng 48%. Như vậy, nhà thầu chỉ được bù giá chừng đó, số còn lại 30 - 40% tăng theo thực tế thị trường phải cắn răng chịu lỗ.

Với phương thức bù giá không trực tiếp trên từng vật liệu mà “tính gộp” trong các đầu mục chi phí cũng khiến nhà thầu thêm khó khăn. Đơn cử, dầu là một trong các thành tố của chi phí máy trượt giá trung bình 70-80% nhưng theo chỉ số giá địa phương công bố chỉ tăng 16%”, đại diện Tổng công ty 36 chia sẻ.

Tìm hiểu của PV, theo thông lệ, hàng tháng các địa phương, trực tiếp Sở Xây dựng sẽ khảo sát và công bố chỉ số giá trên địa bàn, xác định tỷ lệ trượt giá vật liệu. Đây là cơ sở để chủ đầu tư bù giá cho các đơn vị thi công.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế các gói thầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đến nay tỉnh Quảng Trị mới công bố chỉ số giá đến hết quý I/2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế mới công bố đến hết quý IV/2021.

Đủ lý do chậm công bố chỉ số giá

Ông Trần Đức Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện đơn vị này đã và đang triển khai thực hiện công bố các thông tin về giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình theo quy định tại Nghị định 10/2021.

Giá các loại vật liệu xây dựng được tổng hợp theo báo giá vật liệu xây dựng từ các huyện, thị xã, thành phố, báo giá, giá niêm yết của các đơn vị, cơ sở kinh doanh tự tính toán và xác định giá gửi Sở Xây dựng công bố. Sau đó, Sở sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật công bố hàng tháng theo quy định của Bộ Xây dựng.

“Chỉ số giá đã công bố là khá sát thực tế, nhưng có thời điểm giá xăng, dầu biến động, Sở Xây dựng cũng đã xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc có được cập nhật vào không? Hiện tại việc công bố chỉ số giá, đơn giá vẫn áp dụng theo quy định hiện hành”, ông Minh thông tin.

Về việc công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng cao tốc, ông Minh cho biết, tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng. Trong đó nhận định rõ, việc địa phương công bố giá vật liệu xây dựng đến chân công trình cho từng gói thầu/dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 10/2021.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Kinh tế, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết, thực hiện theo Nghị định 10/2021, đơn vị đã tiến hành công bố giá vật liệu xây dựng liên sở, cập nhật 1 lần/quý.

Từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng Nghệ An đã tiến hành cập nhật, công bố giá đối với các loại vật liệu thông thường, phổ biến như: Đất đắp, cát, đá, xi măng, sắt thép, cước vận tải... mỗi tháng 1 lần. Các loại vật liệu khác vẫn duy trì công bố theo quý hoặc đột xuất.

“Để cập nhật giá theo biến động lên xuống của thị trường theo từng tháng là rất khó và rất vất vả. Còn muốn rút ngắn hơn nữa chắc chắn Sở và địa phương không thể đủ nhân lực thực hiện được”, ông Dũng nói.

Tại Thanh Hóa, theo ông Nguyễn Hữu Lễ, Trưởng phòng Kinh tế - Xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá), chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh này đang được công bố theo quý. Đến nay, chỉ số giá đã được công bố đến tháng 6 của quý II/2022.

“Riêng đối với dự án giao thông như cao tốc Bắc - Nam thì không có điều chỉnh công bố riêng. Chỉ số giá đặc thù công trình phải do chủ đầu tư quyết định chứ địa phương không quyết định được”, ông Lễ khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Viên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện đang đốc thúc đơn vị tư vấn và khoảng trong tuần này sẽ có công bố. Lý do chậm công bố là do đơn vị tư vấn chậm trễ.

Còn ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết vừa kiểm tra, nhắc nhở về việc này. “Việc công bố chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh quý II/2022 chậm vài ngày vì đơn vị tư vấn họ bận nhiều việc, trưa 25/7 đã có công bố trên website của Sở rồi”, ông Hải nói.

Kỳ 1: Cách nào giúp cao tốc Bắc - Nam thoát lụt tiến độ vì bão giá?

Tại văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Hiệp hội gồm 20 nhà thầu/nhà đầu tư thi công cao tốc cho biết, nếu tính theo nguồn chỉ số giá các địa phương (Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai…), đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần đầu tư công cao tốc Bắc - Nam, hệ số bù giá bình quân các gói thầu kể từ thời điểm khởi công đến quý II/2022 khoảng 1,0018 - 1,08 (tương ứng tăng từ 1,8 - 8% bao gồm toàn bộ 7 yếu tố điều chỉnh theo công thức điều chỉnh giá của hợp đồng).

Đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, chỉ số trượt giá được tính toán trong tổng mức đầu tư khoảng 3,05%.

Trong khi đó, chỉ tính riêng biến động của một số chủng loại vật liệu chính (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) đã tăng khoảng 20 - 30%.