Nhiều lợi ích khi đấu thầu khai thác xe buýt
Việc đấu thầu đảm bảo tính minh bạch, công bằng, đặc biệt tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khi doanh nghiệp trúng thầu đưa ra giá phù hợp.
Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến vừa trúng thầu khai thác 4 tuyến xe buýt
TP HCM vừa đấu thầu thành công 4 tuyến xe buýt. Dự kiến, đến năm 2023 sẽ đấu thầu hết các tuyến xe buýt trợ giá trên địa bàn thành phố. Việc đấu thầu này thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực tham gia, tạo cạnh tranh bình đẳng để doanh nghiệp yên tâm khai thác…
Tiếp tục đấu thầu 39 tuyến xe buýt trong năm 2021
Sở GTVT TP HCM vừa bàn giao 4 tuyến xe buýt (1, 15, 65, 152) cho doanh nghiệp trúng thầu - Liên danh Bảo Yến - HTX 28 đảm nhận khai thác từ 1/5.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến cho biết, doanh nghiệp trúng thầu 4 tuyến xe buýt với giá 130 tỷ trong 5 năm. Với dự toán này, doanh nghiệp phải cân đối, tính toán phù hợp trong thời gian khai thác để đảm bảo chất lượng dịch vụ theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của Ngân hàng Thế giới.
“Ngoài việc đầu tư các xe buýt mới, chúng tôi sẽ chú trọng nguồn nhân lực; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Tuấn nói.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đây là gói thầu đầu tiên đấu thầu xe buýt thành công trên địa bàn TP HCM sau nhiều năm mời thầu thất bại. Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM thừa nhận: “Nhiều năm trước Sở cũng tổ chức đấu thầu nhưng không thành công. Nguyên nhân do mức trợ giá thấp và thời gian trúng thầu ngắn. Sợ bị lỗ nên nhiều doanh nghiệp không tham gia”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, cơ chế đấu thầu là động lực tích cực để phát huy tính cạnh tranh trong hoạt động vận tải. Thông qua đấu thầu, lựa chọn được đơn vị có năng lực, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách với giá vé không đổi. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, tính toán doanh thu và lợi nhuận để an tâm nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM đang tổ chức đấu thầu 2 tuyến số 4 và 43 có áp dụng bộ chỉ tiêu KPI (hệ thống chỉ số đo lường hiệu suất). Mục tiêu trong năm 2021, Trung tâm sẽ tiếp tục khảo sát lập phương án tuyến, trình phê duyệt làm cơ sở để tổ chức đấu thầu 39 tuyến tiếp theo. Trong giai đoạn năm 2022 - 2023, Sở GTVT TP HCM sẽ tổ chức đấu thầu toàn bộ các tuyến còn lại nhằm hoàn tất công tác đấu thầu, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực đảm nhận khai thác”, ông Hưng thông tin.
Cạnh tranh sòng phẳng, trợ giá ổn định
Đấu thầu khai thác xe buýt sẽ lựa chọn được đơn vị có năng lực, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách với giá vé không đổi
Chuẩn bị tham gia đấu thầu gói số 2, ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó giám đốc HTX Xe buýt số 15 cho rằng, hình thức đấu thầu tạo cơ chế cạnh tranh sòng phẳng, theo Nghị định 32 (quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên) là đúng chủ trương, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Nhiều năm nay, TP HCM giao khoán cho các DN bằng hình thức đặt hàng. Hình thức này, mỗi năm nhà nước phải tính toán lại phần trợ giá, chỉ tiêu. Ưu điểm của việc đặt hàng là thời gian thực hiện ngắn hơn, có ngay đơn vị tham gia so với cơ chế đấu thầu. Ngoài ra, tạo được sự ổn định, an tâm cho các doanh nghiệp đầu tư xe buýt mới trong quá trình trả lãi vay cho ngân hàng. Nhưng nhược điểm là thiếu tính cạnh tranh, chưa khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT TP HCM
Các doanh nghiệp đều thấy lợi ích của việc đấu thầu là phần trợ giá ổn định trong 5 năm, không phải lo đặt hàng từng năm như hình thức cũ. Tuy nhiên, hợp đồng sau khi trúng thầu phải tính toán cho kỹ, vì lời ăn lỗ chịu.
“Tình hình kinh tế - xã hội phức tạp, dịch bệnh, kẹt xe, xe cá nhân tăng mạnh nên mọi tính toán không như dự báo trên hồ sơ tham gia đấu thầu. Do vậy, khi đấu thầu chúng tôi phải rất thận trọng. Nếu tính toán không kỹ các chi phí, khấu hao xe mới… hoạt động không hiệu quả, doanh nghiệp sẽ bị lỗ”, ông Tạo nói.
So sánh về hình thức đặt hàng, đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng vận tải, Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện có 3 hình thức quản lý hoạt động vận tải xe buýt gồm: đấu thầu, đặt hàng và giao kế hoạch.
Việc đấu thầu đảm bảo tính minh bạch, công bằng, đặc biệt tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khi doanh nghiệp trúng thầu đưa ra giá phù hợp, sau khi đã tính toán các chi phí hoạt động.
Theo ông Hải, để tham gia đấu thầu, điều kiện đầu tiên là doanh nghiệp phải làm về lĩnh vực vận tải, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ.
“Đấu thầu lần này sẽ chia làm nhiều gói. Trước mắt sẽ đưa những tuyến xe buýt đã hết thời gian khấu hao hoặc những tuyến xe buýt mở mới, đầu tư mới ra đấu thầu”, ông Hải nói.