Xã hội

Phà Cát Lái thu phí xe máy “quên” quẹt thẻ: Trách nhiệm thuộc về ai?

21/09/2022, 19:23
image

Câu hỏi đặt ra là việc nhân viên phà Cát Lái thu phí xe máy nhưng “quên” quẹt thẻ có gây thất thoát không, vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Về việc nhân viên phà Cát Lái thu phí xe máy nhưng “quên” quẹt thẻ kiểm soát mà Báo Giao thông phản ánh, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM - đơn vị quản lý phà Cát Lái, nhận lỗi và nói "chịu trách nhiệm với những sai sót đó".

Thu tiền tỷ từ phí xe máy

Trước đó, ngày 19 và 20/9, Báo Giao thông có bài viết “Phà Cát Lái thu phí xe máy “quên” xé vé, quẹt thẻ” và video: “TP.HCM: Phà Cát Lái thu phí xe máy nhưng "quên" quẹt thẻ kiểm soát”, phản ánh tình trạng thu phí xe máy nhưng không quẹt thẻ kiểm soát doanh thu.

Trong văn bản gửi đến Báo Giao thông (ngày 21/9), ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết đơn vị xin nhận thiếu sót và cam kết kiểm tra chấn chỉnh để hoạt động phà ngày càng tốt hơn.

img

Có rất nhiều nhân viên phà Cát Lái đã thu phí xe máy (4.000 đồng/lượt) nhưng "quên" phát thẻ kiểm soát. Ảnh cắt từu clip.

Theo ông Tuấn, thực hiện quy định của Bộ Tài chính về hóa đơn điện tử, kể từ ngày 1/7, phà Cát Lái - Xí nghiệp Quản lý phà đã chuyển sang sử dụng thẻ từ thay cho vé giấy và xuất hóa đơn điện tử theo quy định.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay lưu lượng hành khách qua phà Cát Lái đạt hơn 50.000 lượt/ngày. Trong đó, xe gắn máy, bình quân đạt hơn 30.000 lượt xe/ngày.

Các ngày thứ bảy và chủ nhật lượng xe gắn máy qua phà đạt gần 40.000 lượt/ngày.

Đối với vấn đề nhân viên thu tiền “quên” quẹt thẻ tại đầu phà huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), ông Tuấn cho hay sau khi thu tiền “quên” quẹt thẻ, nhân viên sẽ quẹt bù để đảm bảo doanh thu, số lượt theo quy định.

“Qua việc này, đơn vị nhận thấy việc làm như trên chưa đúng quy trình bán - soát vé mà công ty đã ban hành và tính khách quan trong công tác kiểm tra doanh thu, số lượt hành khách qua phà. Đơn vị đã chấn chỉnh ngay sau đó”, ông Tuấn trình bày.

Theo số liệu thống kê của phà Cát Lái, trong tháng 7 có tổng cộng hơn 1,5 triệu lượt người, xe máy, ô tô… qua phà.
Trong đó, người đi bộ 495.468 lượt, xe máy hơn 1 triệu lượt, xe ô tô dưới 7 chỗ 31.525 lượt, xe ô tô trên 7 chỗ 41.049 lượt…

Tháng 8 có 1.511.992 lượt người, xe qua phà. Trong đó người đi bộ 446.007 lượt, xe máy 978.874 lượt…

Với 4.000 đồng/xe máy/lượt thì doanh thu mỗi tháng đã lên đến nhiều tỷ đồng.

Cần làm rõ có dấu hiệu thất thoát hay không

Việc thu phí xe máy, người đi bộ nhưng “quên” quẹt thẻ thì số tiền sẽ đi đâu, về đâu? Đại diện đơn vị quản lý phà cho rằng nhân viên sẽ quẹt bù sau đó cho đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, liệu có thất thoát số tiền thực tế thu được hay không?

Nhìn nhận về vụ việc này, luật sư Đỗ Duy Khang (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, các nhân viên thu phí đã thực thiện sai quy trình, như vậy sẽ rất khó để kiểm soát lượng tiền thu được.

Hiện nay, phà Cát Lái đã điều chỉnh quy trình thu phí xe máy nhưng vẫn còn câu hỏi đặt ra cần lời giải đáp: Việc thu phí xe máy nhưng "quên" phát thẻ kiểm soát từ tháng 7 đến nay liệu có xảy ra tiêu cực hay không?

Theo luật sư Khang, trong trường hợp trên, nếu nhân viên thu tiền gian lận chắc chắn sẽ xảy ra thất thoát.

Luật sư Khang cũng cho biết, cần xem xét số tiền thu được nhân viên có nộp hết về doanh nghiệp hay không? Nếu họ chiếm giữ có thể coi là dấu hiệu tham ô tài sản. Vấn đề này cần phải được cơ quan chức năng làm rõ.

Theo điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì có dấu hiệu tội tham ô tài sản.

Theo điểm a, khoản 1, điều 12 Nghị định 63/2019, trường hợp tham ô tài sản nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

"Căn cứ khoản 2 và 3, điều 12 Nghị định 63/2019, ngoài việc bị phạt tiền nêu trên thì đối tượng còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra để trả lại tổ chức;

Trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu. Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền tương ứng với tiền thuê tài sản trong thời gian chiếm đoạt…", luật sư Đỗ Duy Khang phân tích.