Thời sự Quốc tế

Phản ứng của thế giới trước chiến dịch quân sự của Nga tại Đông Ukraine

Sáng 24/2 (theo giờ VN), Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga mở chiến dịch quân sự nhằm bảo vệ người dân ở các vùng Donetsk và Lugansk.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết thế giới sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm cho những thiệt hại về của cải và sinh mạng mà cuộc tấn công này có thể gây ra sau thông báo mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại các vùng ly khai ở miền Đông Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Mỹ và các đồng minh, đối tác sẽ phản ứng thống nhất và kiên quyết. Thế giới sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm”, Tổng thống Mỹ cho biết.

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh - AFP

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phản đối hành động “khiêu khích” của Nga với Ukraine, cho rằng điều này đặt tính mạng của dân thường trước nguy cơ. Ông Stoltenberg cho biết bất chấp nhiều cảnh báo và những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của phương Tây, Nga đã chọn con đường gây hấn với Ukraine.

Ông Stoltenberg cho rằng hành động mở chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh châu Âu. Đồng thời Tổng thư ký NATO kêu gọi Nga lập tức dừng hoạt động quân sự.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi Tổng thống Putin “cho hòa bình một cơ hội” khi quá nhiều người đã thiệt mạng. Ông Guterres cũng kêu gọi ông Putin dừng việc tấn công Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về căng thẳng Ukraine.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun kêu gọi tất cả các bên liên quan đến khủng hoảng Ukraine giữ bình tĩnh.

“Điều quan trọng lúc này là tránh châm ngòi xung đột. Tất cả các bên liên quan nên kiềm chế hành động và tránh leo thang căng thẳng”, ông Zhang nói tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 23/2.

Ông Zhang cũng cho biết Trung Quốc nhận định cánh cửa cho giải pháp hòa bình trong vấn đề Ukraine vẫn chưa khép lại.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại hòa bình và khuyến khích các nỗ lực cho giải pháp ngoại giao”, ông Zhang khẳng định.

Pháp, Canada, Đức cũng lên tiếng phản đối động thái mới của Nga. Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Nicolas De Riviere cho biết Pháp lên án mạnh mẽ việc mở chiến dịch quân sự của Nga tại Đông Ukraine.

Thủ tướng Anh Boris Johnson lên án động thái của Nga, cho biết đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về các bước phản ứng tiếp theo trước hành vi gây hấn của Nga. Ông Johnson cũng cho biết Anh và các đồng minh sẽ có động thái đáp trả kiên quyết trước hành vi khiêu khích của Nga với Ukraine.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên tiếng phản đối hành động của Nga, khẳng định hành động nguy hiểm của Nga sẽ không thể tránh khỏi các lệnh trừng phạt.

Phái đoàn Đức tại Liên Hợp Quốc kêu gọi các đồng minh ủng hộ Ukraine trước hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Nga, khẳng định Nga sẽ phải trả giá chưa từng có trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng khẳng định sẽ buộc “Kremlin chịu trách nhiệm” cho hành vi tấn công Ukraine.

Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ và đồng minh chuẩn bị áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt với Nga đã được thảo luận trong vài tuần qua, ngay trong ngày 24/2.

Vị quan chức từ chối nêu rõ các biện pháp trừng phạt cụ thể. Tuy nhiên, Mỹ đã lên kế hoạch áp đặt các lệnh trừng phạt hai ngân hàng lớn nhất của Nga và một số công ty tài chính cũng như hạn chế xuất khẩu một số công nghệ quan trọng của phương Tây với Nga, áp dụng với toàn bộ các lĩnh vực kinh tế của Nga.

Những cá nhân thuộc giới tinh hoa của Nga, được cho là có quan hệ thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ bị áp lệnh trừng phạt.

Các quan chức Mỹ và châu Âu đang tiếp tục thảo luận những chi tiết cuối cùng của gói các biện pháp trừng phạt toàn diện với Nga. Nội dung này cũng được thảo luận trong cuộc họp trực tuyến của các lãnh đạo G7 trong ngày 24/2.

Sáng 24/2 (theo giờ VN), Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga mở chiến dịch quân sự nhằm bảo vệ người dân ở các vùng Donetsk và Lugansk trước các cuộc xung đột đã kéo dài từ năm 2014 khi chính quyền Kiev không muốn giải quyết xung đột bằng giải pháp ngoại giao mà muốn sử dụng vũ lực.