Điện ảnh

Phim Nhà nước đầu tư: Đừng để làm xong mang cất kho, rất lãng phí!

14/03/2023, 20:29
image

Làm sao để nâng hiệu quả phim Nhà nước đặt hàng, để không còn tình trạng làm xong mang cất kho là trăn trở của cả nhà quản lý và nhà làm phim.

Vì sao phim Nhà nước đầu tư vừa yếu, vừa thiếu?

Theo thống kê của trang phim Moveek, năm 2022 Việt Nam có 38 phim chiếu rạp. Sản lượng này cao hơn năm 2017 (36 phim); tương đương năm 2018 - 2019 (cùng 40 phim); gấp khoảng 1,9 lần năm 2020 (24 phim) và gấp hơn 2,7 lần so với năm 2021 (14 phim, thấp nhất trong 10 năm trước đó).

img

Một cảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"

Sau cột mốc "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ (doanh thu 78 tỷ đồng), làm bằng hình thức Nhà nước góp vốn với tư nhân sản xuất, điện ảnh Việt không còn phim Nhà nước tài trợ, đặt hàng một thời gian dài.

Mãi đến năm 2018 - 2019, dòng phim này xuất hiện trở lại với 4 tác phẩm được sản xuất: "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Thạch Thảo", "Nơi ta không thuộc về" và "Hợp đồng bán mình". Về mặt chất lượng, cả 4 phim đều chưa đủ thuyết phục người xem, điểm trừ nhiều dù tâm huyết và nỗ lực của phía nhà sản xuất được ghi nhận.

Đến năm 2021, chỉ vỏn vẹn 1 bộ phim “Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác” được Nhà nước và tư nhân góp vốn đầu tư, nhưng doanh thu chỉ 5 tỷ đồng (báo lỗ hơn 20 tỷ đồng).

Làm sao để nâng hiệu quả phim Nhà nước đặt hàng? - Là câu hỏi không chỉ nhà quản lý mà những nhà làm phim cũng luôn trăn trở trong nhiều năm qua.

img

Hình ảnh tại Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á”. Ảnh: Thùy Dương

Tại Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á" tổ chức chiều nay 14/3, tại Hà Nội, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã thẳng thắn nêu quan điểm về vấn đề này.

Theo vị đạo diễn, việc Nhà nước quan tâm đến sản xuất phim ảnh là đáng quý. Nhưng, để phim được Nhà nước đầu tư thật sự thành công, ngoài khâu sản xuất, Nhà nước nên quan tâm hơn ở khâu phát hành.

Ông lấy dẫn chứng ở các nước có nền điện ảnh phát triển, đều có rạp chiếu chuyên nghiệp dành cho dòng phim nghệ thuật. Kể cả khi phim lỗ, Nhà nước sẵn sàng bù lỗ cho nhà sản xuất, để tạo điều kiện đưa phim tới khán giả.

"Tất nhiên, kinh phí vẫn chưa phải là yếu tố quan trọng. Thực tế, kịch bản mới là yếu tố cực kỳ quan trọng. Một tác phẩm hay phải có kịch bản chặt chẽ, chuyên nghiệp, đề cập đến vấn đề dư luận quan tâm. Hai là, sự góp sức của đội ngũ đạo diễn, diễn viên sáng tạo, chịu tìm tòi”, NSND Đặng Nhật Minh phân tích.

Để có được hai yếu tố quan trọng trên, đạo diễn phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" đề xuất, chúng ta có thể tổ chức các cuộc thi để tuyển chọn kịch bản hay, chất lượng. Cùng với đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực làm phim cần được chú trọng.

Đừng để phim làm xong cất kho

Luật Điện ảnh năm 2022 thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 đã chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.

Theo đánh giá của ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luật này đã thể hiện sự tiến bộ, có nhiều điểm mới so với Luật Điện ảnh trước đó và Luật Điện ảnh của nhiều nước trong khu vực.

img

Ông Đỗ Duy Anh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Duy Anh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, để ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam thật sự phát triển, việc cụ thể hóa các điều khoản trong Luật Điện ảnh năm 2022 bằng các văn bản dưới Luật là cần thiết.

Ông Đỗ Duy Anh cho rằng, bàn về “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam" - tức là: Tìm cách để Việt Nam có thể sản xuất được nhiều phim hay, có nhiều phim dự LHP quốc tế? Chính sách đó làm sao để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, phù hợp với nguồn lực Nhà nước và tư nhân?

"Về nguồn lực Nhà nước, Luật Điện ảnh và các văn bản tiếp theo nên có định lượng, con số nhất định. Từ đó, đưa ra kế hoạch là sẽ trích kinh phí để sản xuất bao nhiêu, đào tạo bao nhiêu, phát hành bao nhiêu...?

Về chính sách sản xuất phim, tôi nghĩ nên cần mở rộng đề tài, không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị, đồng bào thiểu số... mà còn đối với mục đích giải trí. Những tác phẩm phục vụ giải trí sẽ được chọn lọc kịch bản vừa đáp ứng tính giải trí, vừa đáp ứng tính dân tộc, nhân văn. Như vậy, đồng tiền Nhà nước bỏ ra mới hiệu quả. Chứ không làm phim xong lại cất kho thì rất lãng phí.

Về công tác đào tạo cũng cần được đề cập rõ ràng trong các văn bản dưới luật. Chẳng hạn, đối với việc đào tạo trong nước, phải cải tiến giáo trình, giáo viên tại các trường Đại học Sân khấu Điện ảnh sao cho phù hợp với xu hướng, công nghệ sản xuất hiện đại.

Trong khâu phát hành, hiện tại, rạp phim của Hàn Quốc đang chiếm lĩnh thị trường tại nước ta. Vậy làm sao phải có chính sách của Nhà nước để phát triển hệ thống rạp chiếu phim của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hay của trung tâm sự nghiệp điện ảnh.

Khi đó, phim Việt sản xuất ra mới có cơ hội được đưa ra phát hành, trong danh sách phim được ưu tiên chiếu. Còn hiện tại, hầu hết phim nước ngoài được chọn, phim Việt rất ít được mở rộng suất chiếu, giờ chiếu.

Về công tác quảng bá, nên có chính sách quảng bá, quy tắc ngân sách đối với phim dự LHP quốc tế. Chúng ta cũng nên khuyến khích doanh nghiệp có phim đưa vào hệ thống chiếu phim của nước ngoài.

Chính sách đầu tư cho điện ảnh của quốc tế thế nào?

Tại hội thảo, ông Jacob Neiiendam - Trưởng ban Quốc tế tại Viện phim Đan Mạch (DFI) khẳng định, Đan Mạch không thể có nền công nghiệp điện ảnh nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Từ năm 1972, Luật Điện ảnh nước này đã được xây dựng, trong đó có chính sách đầu tư cho các dự án điện ảnh tiêu biểu, đặc thù hoặc phim có thể bán hơn 100.000 vé…

img

Ông Jacob Neiiendam - Trưởng ban Quốc tế tại Viện phim Đan Mạch. Ảnh: Screendaily

"Tuy nhiên, thay vì đầu tư 100%, với các dự án tốt, nhà làm phim Đan Mạch chỉ được đầu tư một phần nào đó, có thể ưu tiên đối với các dự án ngắn, những người làm phim đầu tay… Chẳng hạn, các phim dành cho trẻ em có thể được hỗ trợ 25%; các phim đầu tay của đạo diễn, chất lượng đạt yêu cầu có thể được hỗ trợ từ 25 - 30% tổng ngân sách của phim...

Với sự hỗ trợ này, đội ngũ làm phim có thể sử dụng để phát triển dự án, hoặc dùng để kêu gọi thêm tài trợ từ các nguồn khác. Chúng tôi gọi đó là cơ chế thương mại.

Điều quan trọng hơn, Nhà nước không chỉ chi tiền đầu tư sản xuất mà còn tạo mạng lưới, kết nối cơ hội cho những nhà làm phim trẻ... Sau cùng, để giải bài toán làm sao để phim được chiếu tại rạp càng lâu càng tốt, chiến lược marketing là điều quan trọng.

Tức là, Nhà nước trực tiếp tham gia, hỗ trợ từ khâu sản xuất đến khâu cuối cùng là phát hành phim”, ông Jacob Neiiendam cho hay.