Quy hoạch phát triển 2 sân bay tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, địa phương này sẽ có thêm 2 sân bay chuyên dùng.
Tại Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong phương án phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, bên cạnh việc quy hoạch phát triển cảng hàng không Côn Đảo với quy mô, cấp sân bay, công suất thiết kế, diện tích đất dự kiến theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn định hướng quy hoạch 2 sân bay chuyên dùng.
Đó là sân bay Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu hiện nay để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ theo Quyết định số 586/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vũng Tàu đến năm 2035) và sân bay Đất Đỏ.
Trong đó, sân bay Đất Đỏ được quy hoạch là sân bay cấp 4C, diện tích đất dự kiến khoảng 244,3ha.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã văn bản gửi các bộ ngành để lấy ý kiến thẩm định về dự án xây dựng sân bay Đất Đỏ do Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm đề xuất.
Theo đề xuất của công ty này, dự án đầu tư xây dựng sân bay Đất Đỏ có địa điểm tại xã Lộc An và xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vị trí này cách trung tâm huyện Đất Đỏ về phía Đông khoảng 8,5km. Theo đường bộ (QL55) từ vị trí số 1 đến thị trấn Đất Đỏ khoảng 11km và đến trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 22km. Theo tuyến đường ven biển từ vị trí này đến Khu du lịch phức hợp The Grand Hồ Tràm Strip khoảng 13km.
Sân bay đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ.
Theo đề xuất, sân bay sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh có chiều dài 2.400x45m, bố trí hệ thống lề vật liệu, dải bảo hiểm đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn khai thác của hàng không và quân sự; Xây dựng 1 đường lăn nối từ đường cất hạ cánh vào sân đỗ máy bay đồng bộ.
Đối với sân đỗ tàu bay hàng không chung, sẽ đảm bảo tối thiểu 4 vị trí đỗ tàu bay cánh bằng. Có dự trữ đất để mở rộng sân đỗ khi có nhu cầu. Ngoài ra, còn có sân đỗ tàu bay quân sự, đảm bảo bố trí đỗ cho 6 tàu bay chiến đấu; 2 tàu bay vận tải quân sự và 2 trực thăng. Sân đỗ quân sự được đầu tư khi có nhu cầu.
Về các công trình quản lý, điều hành bay, sẽ xây dựng 1 đài kiểm soát không lưu tại phía Đông nhà ga hành khách hàng không chung. Đài được bố trí xây dựng trên khu đất có kích thước 60x100m. Đài được bố trí các trang thiết bị đồng bộ, chiều cao tối đa của đài là 45m.
Dự án cũng dự kiến xây dựng nhà ga hành khách phục vụ hàng không chung 1 cao trình, công suất 300 hành khách/giờ cao điểm, có dự trữ mở rộng khi có nhu cầu.
Cùng đó, xây dựng các công trình phụ trợ hậu cần, kỹ thuật đồng bộ đảm bảo hoạt động của sân bay như trạm xe kỹ thuật ngoại trường, trạm khẩn nguy, cứu hỏa, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải; xây dựng hệ thống giao thông nội bộ, giao thông kết nối với hệ thống giao thông của địa phương.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án hơn 3.305 tỷ đồng và thời gian hoạt động 70 năm. Dự án xây dựng sân bay Đất Đỏ cấp 4C, với tổng diện tích sử dụng đất của sân bay là 214,368 ha.
Doanh nghiệp cũng đề xuất hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Sân bay Đất Đỏ được xác định có chức năng nhiệm vụ chủ yếu là sân bay chuyên dùng, phục vụ khai thác hàng không chung và vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi (không phải vận chuyển công cộng).
Sân bay nằm gần cụm sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất, nên được dự phòng cho tiếp nhận máy bay hàng không dân dụng khi có tình huống khẩn cấp.