Sắp dừng thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh
Hà Nội-một trong những địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh.
Cô trò một trường mầm non tại Hải Phòng thuê dịch vụ xe điện 4 bánh đến khu vực nhà hát lớn thành phố Hải Phòng chụp ảnh. Ảnh: Dương Linh |
Tại hội nghị tổng kết tình hình triển khai thí điểm xe điện 4 bánh chở khách du lịch ở 10 địa phương diễn ra hôm qua (22/3), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết sẽ đề xuất Chính phủ dừng thí điểm, đồng thời có các giải pháp quản lý chặt, phát triển phù hợp loại phương tiện này.
Hiệu quả du lịch nhưng nhiều bất cập
Từ năm 2010, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế. Đến nay, toàn quốc có 10 địa phương đang thí điểm loại hình vận tải này.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, mô hình trên tạo được sự thuận tiện trong phục vụ du lịch, văn minh, thân thiện, thay thế xe ôm, xe ngựa, xích lô, xe đạp lôi. Đến nay cũng chưa xảy ra trường hợp phương tiện xe điện nào gây thương tích cho người, phương tiện khác. Vì vậy, một số địa phương khác đề nghị được thí điểm hoạt động loại xe trên hoặc mở thêm các tuyến mới.
“Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn lượng lớn xe điện chưa có chứng nhận đăng kiểm, đăng ký, chưa có sự quản lý thống nhất về điều kiện kinh doanh vận tải. Đáng lo ngại hơn là số lượng xe hoạt động tự phát khá nhiều, cũng như việc địa phương tự ý tăng thêm số lượng phương tiện thí điểm, mà đa số không có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm”, ông Ngọc nói.
Ông Nguyễn Trung Hưng, đại diện Công ty CP điện tử tin học viễn thông (Hải Phòng) nêu khó khăn: “Doanh nghiệp được UBND thành phố cho phép hoạt động 50 xe, nhưng do công ty bán xe không có chứng nhận kiểm định xuất xưởng nên không làm được thủ tục đăng kiểm lưu hành. Công an thành phố đã ra “tối hậu thư” nếu đến ngày 1/4/2016 phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm sẽ bị ngừng hoạt động”. Tại TX Cửa Lò (Nghệ An) cũng đang có 500 xe chưa đăng ký, đăng kiểm.
Theo Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Hữu Trí, trong số khoảng 1.300 phương tiện được khảo sát tại một số địa phương, mới chỉ có gần 180 xe có chứng nhận đăng kiểm. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp nhập, mua phương tiện không rõ nguồn gốc, dẫn đến bị “tắc” trong làm thủ tục kiểm định.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Ngoài con số 1.300 xe nói trên, thực tế cho thấy số lượng xe đang hoạt động trên cả nước còn lớn hơn nhiều và các xe này đang được chính quyền địa phương “bật đèn xanh” dù không đủ điều kiện hoạt động. Nguyên nhân của tình trạng trên do hành lang pháp lý cho loại hình kinh doanh vận tải này còn thiếu, cũng như thiếu sự giám sát chặt chẽ, thậm chí buông lỏng của ngành chức năng địa phương.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT, số lượng xe điện 4 bánh chở khách du lịch trên toàn quốc lớn hơn nhiều so với con số đã đăng ký. “Đến nay có 1.269 xe được cấp đăng ký, biển số hoạt động tại những khu vực hạn chế. Tuy nhiên, số lượng xe chưa đăng ký đang hoạt động gấp 3-5 lần số đã đăng ký, là xe thiếu giấy tờ, vãng lai. Muốn giải quyết được đăng ký, đăng kiểm cần sự đồng tình của Bộ Tài chính, được Chính phủ cho phép để tháo gỡ về mặt giấy tờ, thủ tục, thuế phí”, Thiếu tướng Tuấn nói.