Sạt lở bủa vây dọc sông Hậu qua An Giang
Ven bờ sông Hậu qua An Giang đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng...
Chưa đến mùa mưa, nhưng ven bờ sông Hậu qua An Giang đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống người dân và gây đứt gãy giao thông trên QL91.
QL91 tiếp tục sạt lở nghiêm trọng
Khoảng 5h30 ngày 27/5, người dân ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang thất thần khi thấy một đoạn QL91 dài hơn 40m qua ấp Bình Tân đổ sụp xuống sông Hậu. 1/3 mặt đường QL91 đã bị sông Hậu “nuốt chửng”. Ngành chức năng tỉnh An Giang đã di dời 27 hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm và quyết định ban bố tình huống khẩn cấp nguy cơ sạt lở nghiêm trọng QL91.
Đại diện Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) An Giang cho biết, năm 2019, An Giang có 45 vụ sụt lún, sạt lở thì có 13 vụ xảy ra ở sông Hậu. Vụ nghiêm trọng nhất là sạt lở tuyến ven QL91 tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú cuối tháng 7/2019 với chiều dài 85m, chiều rộng ăn sâu 22m, khiến 16 căn nhà phải di dời khẩn cấp, số kinh phí khắc phục ban đầu khoảng 25 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2020, 13 vụ sạt lở nữa đã xảy ra ven sông Hậu qua An Giang khiến tổng diện tích đất bị mất lên đến hơn 0,2ha. Trong đó, tại khu vực ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, cách đoạn sạt lở năm 2019 ven QL91 khoảng 150m đã chứng kiến vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng tiếp theo, với chiều dài hơn 40m, ăn sâu vào đất liền khoảng 20m. 1.500 ngôi nhà với hàng nghìn nhân khẩu thuộc diện cảnh báo nguy hiểm sạt lở cấp thiết.
Con số quan trắc về nguy cơ sạt lở bờ sông tháng 6/2020 của Sở TN&MT An Giang cho thấy, địa phương đang có 52 đoạn sông có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài 169,330km. Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức rất nguy hiểm và 41 đoạn mức nguy hiểm.
Ông Tô Hoàng Môn, Phó giám đốc Sở TN&MT An Giang cho biết, 52 đoạn sông cảnh báo nguy hiểm hiện nhiều đoạn đã và đang xảy ra sạt lở. Trong đó, cả 5 điểm thuộc khu vực sông Hậu cảnh báo rất nguy hiểm đều đã sạt lở mức đặc biệt nghiêm trọng. “Có thể nói, dọc tuyến sông Hậu đang thực sự oằn mình với tình trạng sạt lở”, ông Môn nhìn nhận.
Song song hai giải pháp
Theo ông Môn, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang do 2 yếu tố chính: Tự nhiên và con người. Yếu tố tự nhiên do tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông cũng như yếu tố địa chất khu vực ĐBSCL gây thiếu lượng bùn cát bồi lắng, khiến cấu trúc địa chất bờ sông và dòng chảy bị thay đổi, tạo ra dòng xoáy.
An Giang đang phải chịu tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng từ tình trạng sạt lở bờ sông. Nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng đã được lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành khảo sát, đánh giá cũng như tìm phương pháp giải quyết. Tuy nhiên, với nguồn lực ngân sách hiện nay, không thể xử lý sạt lở bờ sông theo kiểu “đau đâu trị đó” mà phải tính toán câu chuyện lâu dài từ chỉnh trị dòng chảy, di dân, cân bằng sinh thái, khai thác dòng sông theo hướng bền vững, đầu tư hệ thống kè, giao thông thủy bộ...
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai
Về yếu tố con người, việc xây cất lấn chiếm dòng sông, bờ sông, nhất là kho bãi ven sông làm tăng tải trọng, vượt quá khả năng chịu tải bờ sông; luồng lạch chưa hợp lý và nhất là tình trạng bãi bồi ven sông, khai thác cát trái phép... cũng gây chấn động và tạo sóng mạnh khiến tình trạng sạt lở thêm nghiêm trọng.
Ông Tô Hoàng Môn đề xuất cần thực hiện các giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài để chống sạt lở. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là lấp ngay những hố sói có nguy cơ tạo hàm ếch gây sạt lở. Tiến hành đồng loạt các biện pháp mềm như phân luồng giao thông cả thủy lẫn bộ, hạn chế tác động đến bờ sông bằng biện pháp cấm xây dựng nhà xưởng ven sông và nhất là đưa ra các dự án chỉnh trị dòng chảy hợp lý, khoa học.
Đồng thuận với đề xuất này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình lưu ý phải có các cơ sở khoa học trong xử lý sạt lở. Theo đó, cần quy hoạch và triển khai ngay biện pháp xử lý triệt để các khu vực trong diện cảnh báo. Ngoài việc xây dựng tuyến kè bảo vệ, di dời dân cư, trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, kinh tế, an sinh xã hội, phải triển khai ngay các dự án chỉnh trị dòng chảy, nạo vét và mở rộng lòng dẫn sông, nhất là các khu vực thắt cổ chai tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú hay tại khu vực TP Long Xuyên.
“Các ngành chức năng cùng các nhà khoa học ưu tiên nghiên cứu, bố trí vốn và tìm phương pháp kết hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có kỹ thuật triển khai các dự án, để đảm bảo an toàn cuộc sống của người dân và cơ sở hạ tầng KT-XH địa phương”, ông Bình nói.